8 tháng đầu năm 2019, thành phố đã tổ chức 6 phiên giao dịch việc làm với sự tham gia của 737 doanh nghiệp tuyển dụng gần 20.000 chỉ tiêu; tuy nhiên, kết quả tuyển dụng vẫn rất thấp so với nhu cầu của doanh nghiệp.
Người lao động đến tìm hiểu thông tin tuyển dụng tại Ngày hội việc làm ở huyện Hòa Vang 2019. |
Mặc dù đã có phương án chuẩn bị tuyển dụng lao động từ cuối năm 2018 nhưng đầu năm 2019, hầu hết doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố đều rơi vào tình trạng thiếu lao động. Đỉnh điểm là sau kỳ nghỉ Tết âm lịch, nhiều DN ở các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố đăng biển thông báo tuyển dụng lao động với khá nhiều chế độ ưu đãi.
Đặc biệt, các DN FDI rơi vào tình thế khó khăn khi không thể tuyển dụng được nhân lực mới, trong khi người lao động có tay nghề và kinh nghiệm lại “nhảy việc”. Chính vì vậy, nhiều DN trên địa bàn thành phố đều rất kỳ vọng vào những phiên giao dịch việc làm do Sở LĐ-TB&XH thành phố tổ chức.
Trong 8 tháng đầu năm 2019, thành phố đã tổ chức được 6 phiên giao dịch với sự tham gia của 737 DN, tổng chỉ tiêu tuyển dụng là 18.271. Thế nhưng các phiên giao dịch chỉ giới thiệu được 1.352 việc làm cho các DN. Đây là con số thấp nhất so với những năm trước đây.
Trong lúc các phiên giao dịch việc làm khó tuyển dụng thì các Ngày hội việc làm do Sở LĐ-TB&XH thành phố phối hợp với các địa phương, trường đại học tổ chức cũng không đem lại kết quả như mong đợi.
Tháng 3-2019, lần đầu tiên Sở LĐ-TB&XH phối hợp với huyện Hòa Vang tổ chức Ngày hội việc làm. Trên 100 DN đăng ký tham gia với tổng chỉ tiêu tuyển dụng đến 7.236 vị trí việc làm, đặc biệt trong số này có đến 4.475 vị trí việc làm phổ thông phù hợp với thị trường lao động nông thôn như huyện Hòa Vang. Tuy vậy vẫn có khá ít người lao động đến tham dự ngày hội nên các DN cũng không thể tuyển đủ chỉ tiêu.
Trong khi đó, tại Ngày hội việc làm lần thứ 5 do Sở LĐ-TB&XH phối hợp với Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) tổ chức với sự tham gia của 177 DN có nhu cầu tuyển dụng gần 14.000 vị trí việc làm, ông Nguyễn Kim Bình, Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH MTV Phú Vinh-đơn vị kinh doanh về thi công các công trình lắp ghép, chia sẻ:
“Chúng tôi có đến 10 đầu mối việc làm cần tuyển dụng gần 50 vị trí, từ kế toán, thủ quỹ đến thiết kế đồ họa, đây là những ngành nghề phù hợp với sinh viên trường kinh tế nhưng trên thực tế rất ít các sinh viên ghé gian hàng của chúng tôi”.
Tương tự, Ngày hội việc làm do Sở LĐ-TB&XH thành phố phối hợp với Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) tổ chức vào tháng 4-2019 có 177 DN tham gia tuyển dụng 13.792 vị trí việc làm thuộc trên 300 ngành nghề khác nhau nhưng hầu hết các gian tuyển dụng đều... vắng khách.
Có mặt tại Ngày hội việc làm này, một đại diện khá lớn về lĩnh vực du lịch thành phố lắc đầu ngao ngán: “Chúng tôi có trên 20 năm hoạt động tại địa bàn thành phố, hiện có hơn 10 vị trí việc làm do người nước ngoài đảm nhận, ngoài ra thường xuyên có 15-25 sinh viên các trường du lịch nước ngoài đến thực tập tại đơn vị; thế nhưng những con số này vẫn không thể thuyết phục được người lao động đến đăng ký tuyển dụng”.
Giải thích về tình trạng này, theo ông Trần Văn Thành, Trưởng Chi nhánh Công ty Thương mại dịch vụ Ngôi Sao Xanh (thành phố Hồ Chí Minh) - đơn vị vừa mở văn phòng tại Đà Nẵng cho rằng, tình trạng này của Đà Nẵng khá giống với thành phố Hồ Chí Minh cách đây 10-15 năm khi số lượng DN tăng mạnh, thị trường lao động phong phú hơn cũng là lúc người lao động có nhiều sự lựa chọn hơn. Ngoài ra, nhiều lao động trẻ có tâm lý lựa “việc nhẹ lương cao” hoặc muốn tự khởi nghiệp để làm chủ dù chưa có kinh nghiệm.
Trong khi đó, chị L.T.K.H, người có thời gian đầu làm việc tại một khu nghỉ dưỡng nổi tiếng tại Đà Nẵng, tiếp đó là sự trải nghiệm nhiều công việc khác trước khi làm chủ một khách sạn 20 phòng tại Đà Nẵng phân tích, người lao động hiện nay rất ít trung thành với một đơn vị mà chỉ coi đó là nơi đào tạo, thử việc, học hỏi kinh nghiệm để chuẩn bị tự mình làm chủ.
Tuy nhiên các bạn trẻ lại quá nôn nóng khi chưa đủ kinh nghiệm đã nhảy việc, hoặc vừa mới ra trường đã muốn làm chủ doanh nghiệp. Trong khi đó, những người lao động phổ thông lại có tâm lý muốn tự do, không thích ràng buộc nên chọn những ngành nghề theo thời vụ thay vì cứ gắn bó lâu dài với một DN.
Từ nay đến cuối năm là thời điểm nhu cầu tuyển dụng lao động rất cao, tuy nhiên với tình hình này, việc các DN tuyển đủ số lao động có chất lượng, gắn bó lâu dài với họ là một bài toán không hề đơn giản.
Bài và ảnh: Thanh Vân