Hiện nay vẫn diễn ra tình trạng nước thải tràn ra sông Hàn gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường. Do vậy, để khắc phục tình trạng trên và bảo đảm năng lực thu gom nước thải trong tương lai, cần sớm xây dựng tuyến ống thu gom nước thải mới dọc theo đường Bạch Đằng nối dài đến Thăng Long để đưa về Trạm xử lý nước thải Hòa Xuân xử lý.
Nước thải chảy ra cửa xả ở khu vực Đảo Xanh gây ô nhiễm. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Trong 10 tháng qua, sau khi xây dựng xong 2 tuyến cống thoát nước mưa, chống ngập úng cho khu vực Công viên văn hóa và Khu vui chơi giải trí phía đông nam Đài Tưởng niệm thành phố, nước thải từ đường 2 Tháng 9 tràn vào cống thoát nước mưa mới và chảy ra cửa xả khu vực Đảo Xanh, sát chân cầu Trần Thị Lý và gây ô nhiễm sông Hàn.
Ông Nguyễn Văn Tuấn (trú đường Duy Tân, quận Hải Châu) bức xúc: “Tình trạng nước thải đen ngòm và bốc mùi hôi thối chảy ra sông Hàn, đoạn ở đầu cầu Trần Thị Lý diễn ra từ đầu năm đến nay nhưng chưa được xử lý. Chúng tôi mong sớm chấm dứt tình trạng này để bảo đảm vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Lâm, Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng, đơn vị được UBND thành phố giao làm chủ đầu tư kiêm điều hành dự án Xử lý thoát nước khu vực công viên văn hóa và khu vui chơi giải trí phía đông nam Đài Tưởng niệm thành phố, cho hay:
“Nếu khi chúng tôi thi công cống thoát nước mưa và chống ngập, Ban quản lý các dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng cùng triển khai thi công tuyến ống thu gom nước thải dọc bờ sông Hàn đoạn từ đường Phan Thành Tài đến đường Thăng Long để đưa nước thải về Trạm xử lý nước thải (XLNT) Hòa Xuân xử lý thì sẽ không xảy ra tình trạng nước thải chảy tràn ra sông Hàn. Đến nay, tuyến ống thu gom nước thải vẫn chưa xây dựng nên nước thải tràn vào hệ thống cống thoát nước mưa và chống ngập úng mà chúng tôi mới xây dựng và chảy ra sông Hàn”.
Được biết, tuyến ống thu gom nước thải GID800 dọc đường 2 Tháng 9 đoạn từ chân cầu Trần Thị Lý về đến chân cầu Tiên Sơn (sử dụng ống HPDE gân xoắn) đã có thời gian sử dụng hơn 15 năm, chưa được nâng cấp nên quá tải. Mặt khác, tuyến ống cũng bị sụt lún, hở mối nối, bẹp ống và rò rỉ, giếng thăm bị nghiêng… dẫn đến nước thải không được thu gom triệt để.
Trước đây, trữ lượng nước thải quá tải chảy vào hồ Đảo Xanh qua 5 cửa xả xung quanh hồ. Sau khi xây dựng tuyến cống thoát nước mưa và chống ngập úng ở khu vực Đảo Xanh, nước thải tràn vào cống và chảy ra sông Hàn. Để giảm ô nhiễm cho sông Hàn, từ giữa năm 2019 đến nay, Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng đã nạo vét bùn, mỡ, thông tắt tuyến cống từ chân cầu hồ Đảo Xanh đến tuyến cống hộp đường Duy Tân; nạo vét tuyến cống thoát nước mưa phía sau các nhà hàng tiệc cưới; phun chế phẩm khử mùi hằng ngày (vào ngày nắng) và rải khoáng hóa hằng tuần tại khu vực cửa xả ở chân cầu Trần Thị Lý để làm giảm mùi hôi…
Công ty Thoát nước và Xử lý nước thải Đà Nẵng phun chế phẩm và rải khoáng hóa làm giảm ô nhiễm cho sông Hàn. |
Từ năm 2017, UBND thành phố đã giao Ban quản lý các dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên Đà Nẵng đầu tư xây dựng tuyến ống thu gom nước thải từ đường Phan Thành Tài đến Thăng Long nhưng đơn vị này không thu xếp được nguồn vốn, nên chưa triển khai thi công.
Trong năm 2019, UBND thành phố đã giao các sở, ngành nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến ống từ nguồn vốn ngân sách thành phố. “Để giải quyết căn bản tình trạng nước thải chảy tràn ra sông Hàn, UBND thành phố đã có văn bản giao Sở Xây dựng, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng nghiên cứu đề xuất kế hoạch triển khai công trình ống thu gom nước thải đoạn từ đường Phan Thành Tài đến đường Thăng Long, trình UBND thành phố.
Vì thế, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo và đề nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng khẩn trương báo cáo, đề xuất phương án đầu tư tuyến ống thu gom nước thải nói trên”, ông Đinh Quang Cường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay.
Trong khi đó, theo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng, từ đầu tháng 10-2019, đơn vị đã có văn bản gửi UBND thành phố và các sở, ngành đề xuất phương án đầu tư tuyến ống thu gom nước thải đoạn từ đường Phan Thành Tài đến Thăng Long.
Theo đó, đơn vị đã nghiên cứu tổng thể hệ thống thu gom nước thải tổng thể tại khu vực có diện tích đến 572ha, bao gồm các phường Thạch Thang, Hải Châu 1, Phước Ninh, Bình Hiên, Bình Thuận, Hòa Thuận Đông, Hòa Cường Bắc, Hòa Cường Nam. Đồng thời, căn cứ vào quy hoạch thoát nước thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đơn vị này đề xuất thiết kế hệ thống thu gom nước thải với mục tiêu thu gom toàn bộ nước thải đoạn bờ sông Hàn từ đường Trần Quý Cáp đến cầu Tiên Sơn với lưu lượng nước thải ước đạt vào năm 2030 là 73.409m3/ngày.
Theo đó, đề xuất đầu tư giai đoạn 1 (thu gom đến năm 2030) với tổng mức đầu tư 178 tỷ đồng, gồm 3 hạng mục chính: xây mới tuyến ống áp lực để chuyển tải nước thải (thi công bằng phương pháp khoan kéo rút ống) có tổng chiều dài 5.327m; xây mới trạm bơm TB01 có công suất 34.746m3/ngày tại góc đường Bạch Đằng nối dài và Bình Minh 6; xây mới trạm bơm TB02 tại gần cầu Tiên Sơn với công suất thiết kế 74.145m3/ngày để chuyển tải nước thải thu gom được về Trạm XLNT Hòa Xuân xử lý. Hiện nay, Sở Xây dựng đang tổng hợp ý kiến của các sở, ngành, đơn vị chức năng về phương án đầu tư nói trên để báo cáo UBND thành phố.
Ông Trần Phước Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho hay: “Việc đầu tư tuyến ống thu gom nước thải đoạn từ đường Phan Thành Tài đến Thăng Long là hết sức cần thiết. Mục tiêu đầu tư dự án là thu gom toàn bộ nước thải khu vực quy hoạch thoát nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được UBND thành phố phê duyệt, nhằm hạn chế nước thải tràn ra sông Hàn gây ô nhiễm môi trường và góp phần nâng cao sức khỏe người dân, phát triển du lịch, dịch vụ trong khu vực. Trong năm 2019, thành phố cũng đã bố trí 200 triệu đồng để thực hiện chuẩn bị đầu tư”.
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP