Xuất khẩu phần mềm vốn là một ngành lợi thế trong nền công nghiệp công nghệ thông tin Đà Nẵng. Năm 2019, hoạt động xuất khẩu phần mềm ở thành phố tiếp tục phát triển mạnh. Song, để có thể đột phá, Đà Nẵng cần khắc phục việc thiếu nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.
Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là yếu tố quyết định, mang tính chiến lược. |
Theo số liệu từ Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), tổng doanh thu toàn ngành TT&TT năm 2019 dự kiến là 30.050 tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch, tăng 19,2% so với năm 2018. Kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 89 triệu USD, đạt 111% so với kế hoạch, tăng 14% so với năm 2018.
Đặc biệt, một số doanh nghiệp phần mềm trên địa bàn thành phố đã gia nhập câu lạc bộ “nghìn tỷ” như Viettel Đà Nẵng và FPT Software Đà Nẵng. Nhiều doanh nghiệp khác cũng đạt được những kết quả tốt, tăng trưởng ngoạn mục như Công ty TNHH Asian Tech, Công ty TNHH Rikkeisoft…
Ông Đặng Ngọc Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Phần mềm Đà Nẵng cho biết, Nhật Bản vẫn là thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất trong bức tranh tổng thể về xuất khẩu phần mềm tại thành phố. Các doanh nghiệp làm ăn với thị trường Nhật Bản đều tăng trưởng mạnh trong năm qua.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng tiếp tục là điểm đến mới hấp dẫn với các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong và ngoài nước, trong đó có các doanh nghiệp đã có mặt ở Việt Nam muốn mở chi nhánh tại Đà Nẵng, cũng như các công ty nước ngoài muốn xây dựng trung tâm phát triển phần mềm tại Đà Nẵng để tìm kiếm nguồn lực gia công.
Bên cạnh sự gia tăng về số lượng, ngành phần mềm Đà Nẵng năm qua đã có sự dịch chuyển vị trí trong chuỗi cung ứng. Theo ông Đặng Ngọc Hải, các công ty xuất khẩu phần mềm quy mô lớn tại Đà Nẵng đã chuyển dần sang cung cấp nhiều dịch vụ chất lượng cao thay vì tập trung vào gia công phần mềm giá rẻ và đây là một tín hiệu tốt để không bị mắc kẹt lại trong bẫy gia công giá rẻ trong tương lai.
Còn theo ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc Công ty FPT Software Đà Nẵng, năm 2019, mảng xuất khẩu phần mềm của công ty vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt, đạt doanh thu dự kiến 1.230 tỷ đồng so với con số 1.000 tỷ đồng của năm 2018. Nhiều doanh nghiệp đã đưa ra những sản phẩm, dịch vụ mới gắn với những công nghệ 4.0 như: trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu…, kỳ vọng sẽ đem lại nhiều đột phá trong các năm tiếp theo.
“Hiện tại bên cạnh dịch vụ ủy thác truyền thống, nhiều doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng đã có những đầu tư để xây dựng những sản phẩm hoặc dịch vụ với hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao vượt trội. Chắc chắn dịch vụ ủy thác truyền thống vẫn sẽ phát triển tốt, nhưng hy vọng các đầu tư vào sản phẩm hoặc các dịch vụ giá trị cao sẽ đem lại những phát triển đột biến”, ông Phương nói.
Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển này là những khó khăn, nhất là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Ông Hải cho biết, trong năm 2019, việc thiếu nguồn cung nhân lực chất lượng cao khiến việc tuyển dụng trở nên khó khăn đối với nhiều công ty, chi phí tăng cao đi đôi với tỷ lệ nhảy việc cao khiến cho nhiều doanh nghiệp đau đầu trong bài toán cân đối năng suất lao động và hiệu quả đầu tư.
Chẳng hạn đối với Công ty TNHH Axon Active Việt Nam, sau gần 10 năm đặt văn phòng tại Đà Nẵng, hiện tại cũng đang gặp khó khăn về việc tìm kiếm nhân sự và hạn chế tỷ lệ nhảy việc. Điều này đã ảnh hưởng ít nhiều đến tăng trưởng chung của chi nhánh Đà Nẵng.
Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Quang Thanh cho biết, hiện Đà Nẵng có khoảng 12.000 nhân sự trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm phần mềm và gia công xuất khẩu phần mềm. Dự báo đến 2020, thành phố cần khoảng 17.000 nhân sự, đến năm 2025 là 35.600 nhân sự trong lĩnh vực này.
Ông Thanh cho rằng: “Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực là yếu tố quyết định, mang tính chiến lược, cần sự tham gia của tất cả các bên gồm cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ sở đào tạo, các hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố”.
Theo đó, Đà Nẵng sẽ triển khai đồng loạt các biện pháp như: đẩy mạnh truyền thông về phát triển nguồn nhân lực thông qua các sự kiện công nghệ thông tin, các chương trình tọa đàm, hướng nghiệp; nâng cao chất lượng dự báo phát triển nguồn nhân lực; nâng cao năng lực doanh nghiệp và khuyến khích khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin; nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực công nghệ thông tin bằng việc hợp tác, gắn kết với các doanh nghiệp để đào tạo sinh viên...
Theo đánh giá của các doanh nghiệp, Đà Nẵng vẫn đang giữ được những lợi thế để trở thành một thị trường xuất khẩu lớn như các chính sách hỗ trợ đầu tư từ thành phố, môi trường sống tốt, chi phí sinh hoạt thấp hơn so với hai đầu đất nước…
Sự phát triển của xuất khẩu phần mềm ở Đà Nẵng sẽ là tất yếu trong nhiều năm tới, khi chúng ta mới thực sự tăng tốc trong một vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, để thực sự bảo đảm cho việc phát tiển bền vững trong tương lai, cần có sự hỗ trợ của chính quyền thành phố trong các chính sách hỗ trợ về mặt vĩ mô để xây dựng và tái tạo tiềm lực phát triển.
Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông Theo Quyết định số 3481/QĐ-UBND do UBND thành phố ban hành vào tháng 8 vừa qua về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, Đà Nẵng sẽ duy trì hoạt động ổn định và hiệu quả Khu Công nghệ thông tin tập trung - Công viên phần mềm Đà Nẵng (quận Hải Châu) để phục vụ các doanh nghiệp công nghệ thông tin; đồng thời, xây dựng Đề án thành lập Khu công nghệ thông tin tập trung - Khu Công nghệ thông tin Đà Nẵng (huyện Hòa Vang) và đẩy mạnh, xúc tiến, thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế. Thành phố sẽ xúc tiến triển khai xây dựng Khu Công viên phần mềm số 2 (5,3 ha tại quận Hải Châu) và Khu Công viên phần mềm Đà Nẵng mở rộng (3,2 ha tại quận Cẩm Lệ); khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển, mở rộng các khu công viên phần mềm do doanh nghiệp làm chủ đầu tư. Mục tiêu đến 2025, Đà Nẵng sẽ có 4 khu công viên phần mềm và khu công nghệ thông tin, đóng góp vào 10% GRDP thành phố. Đến năm 2030, sẽ có 6 khu công viên phần mềm và khu công nghệ thông tin, đóng góp vào 15% GRDP thành phố. |
Bài và ảnh: PHONG LAN