Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dẫn đầu đã tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 50 (WEF 2020) tại thành phố Davos.
Ảnh chỉ có tính minh họa. |
Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 50 (WEF 2020) khai mạc ngày 21-1 tại thành phố Davos.
Diễn đàn có sự tham gia của gần 3.000 đại biểu đến từ 117 quốc gia, trong đó có 53 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, chủ tịch và giám đốc điều hành của 1.000 công ty đối tác và thành viên nhằm hỗ trợ các chính phủ và các tổ chức quốc tế trong việc theo dõi tiến trình thực hiện Hiệp định Paris, Các Mục tiêu Phát triển Bền vững và tạo điều kiện cho các cuộc thảo luận về công nghệ và quản trị thương mại.
Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dẫn đầu tham dự hội nghị, nhằm quảng bá thành tựu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam trong thời gian qua; truyền tải thông điệp về đường lối, định hướng, chính sách, biện pháp lớn của Chính phủ Việt Nam về phát triển kinh tế xã hội năm 2020 để thúc đẩy các nước, các đối tác, tập đoàn hàng đầu tiếp tục tăng cường hợp tác với Việt Nam.
Theo cảnh báo của WEF, lượng khí nhà kính trong khí quyển nhiều hơn bất cứ lúc nào trong lịch sử loài người. Các nhà khoa học ước tính nhiệt độ trung bình có thể tăng 5˚C vào cuối thế kỷ này do các hoạt động kinh tế ngày càng tăng. "Đồng hồ" về biến đổi khí hậu đang điểm và điều đáng báo động nhất mà theo các nhà khoa học gọi là kịch bản "kinh doanh như bình thường" dẫn đến hậu quả sẽ trở thành thảm họa đối với nhân loại. Bản thân thuật ngữ "kinh doanh như bình thường" cũng ngụ ý rằng phải có một "thay thế khác thường", dẫn đến một kết quả khác.
Mục tiêu của Hiệp định Paris nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu xuống dưới 2°C, song việc đo lường khí thải rất phức tạp và đòi hỏi phải có hành động từ nhiều bên. Tài chính phát triển bền vững là một trong những lĩnh vực trọng tâm của WEF với Sáng kiến đầu tư 2 độ (2DII).
Tuyên bố được đưa ra năm ngoái với cam kết sẽ phát triển một phương pháp để đo lường, quản lý, hỗ trợ khách hàng thông qua quá trình chuyển đổi carbon thấp và cuối cùng là giảm lượng khí thải CO2.
Những quyết định được đưa ra tại WEF lần này sẽ quyết định tương lai của loài người mai sau.
Năm 2020 đánh dấu kỷ niệm lần thứ 5 của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Theo Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), thỏa thuận này dự kiến sẽ mở ra cơ hội đầu tư khí hậu trị giá 23.000 tỷ USD tại các thị trường mới nổi từ nay đến năm 2030. Phần lớn dòng đầu tư này sẽ được định hướng và phụ thuộc vào dữ liệu phát thải.
Để đảm bảo dòng vốn đến được những nơi cần thiết nhất phục vụ cho các mục tiêu khí hậu, thế giới phải nhanh chóng cùng nhau làm việc. Khu vực tư nhân cần nhận thức được hoạt động kinh doanh của mình, "kinh doanh như bình thường" sẽ không còn được chấp nhận và tất cả cùng nhau để giúp đảm bảo sự bền vững của Trái Đất.
WEF 50 đang nỗ lực biến Davos trở thành một trong những hội nghị quốc tế bền vững nhất. Diễn đàn đã bù đắp 100% lượng khí thải, kể cả du lịch bằng đường hàng không, kể từ năm 2017. Khoảng 35.000 tấn CO2 tương đương đã được bù vào năm 2019: điều này cung cấp kinh phí cho sản xuất bền vững ở Lưu vực Amazon, bếp sinh khối "xanh" ở Trung Quốc, Mali, Ấn Độ và Nam Phi, và lắp đặt khí sinh học trong các trang trại địa phương ở Thụy Sĩ. Diễn đàn đã giúp cải thiện tính bền vững của Trung tâm Hội nghị tại Davos với việc lắp đặt các tấm pin Mặt trời và sưởi ấm địa nhiệt vào năm 2020.
Diễn đàn thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn - hệ thống kinh tế nhằm loại bỏ chất thải và sử dụng tài nguyên liên tục - bằng cách tập trung vào việc giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế các vật liệu trong công tác hậu cần của Hội nghị. WEF 2020 sẽ giảm 25% lượng rác thải so với năm 2019 bằng cách đưa ra các thiết kế mới, tái sử dụng nhiều vật liệu hơn và loại bỏ nhựa sử dụng một lần đối với túi và vật liệu đựng đồ uống.
WEF Davos 2020 sẽ hoàn trả một nửa chi phí vé tàu hạng nhất cho những người tham gia Hội nghị đi bằng đường sắt. Gần 90% đội xe chính thức của Diễn đàn tại Davos sẽ là xe điện hoặc xe hybrid vào năm 2020, so với 66% vào năm 2019.
Diễn đàn khuyến khích tất cả những người tham gia sử dụng chế độ du lịch hàng không thân thiện với môi trường nhất. Diễn đàn cũng làm việc với các đối tác trong ngành hàng không để thúc đẩy nhiên liệu hàng không bền vững. Khoảng 90% thực phẩm được sử dụng tại WEF lần thứ 50 sẽ có các thành phần theo mùa với nhiều bữa ăn có nguồn gốc thực vật.
Ông Lee Howell, Giám đốc điều hành và trưởng nhóm lập trình toàn cầu tại WEF cho rằng Diễn đàn cam kết cải thiện tình trạng của thế giới và đây là lý do tại sao sự bền vững của Hội nghị thường niên lần thứ 50 tại Davos có được tầm quan trọng như vậy.
Theo TTXVN/Vietnam+