Cần có cơ chế khuyến khích xã hội hóa dịch vụ công ích đô thị

.

Xã hội hóa dịch vụ công ích được thành phố triển khai trong 10 năm qua và đã đạt được nhiều kết quả, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, y tế. Còn trong lĩnh vực môi trường nói riêng và các dịch vụ công ích khác về đô thị nói chung, ngân sách Nhà nước vẫn đang nặng gánh đầu tư công. Chất lượng thực hiện một số dịch vụ công ích về đô thị còn bất cập, gây bức xúc cho người dân. Vì vậy, cần có những hỗ trợ, khuyến khích xã hội hóa dịch vụ công ích đô thị nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng đô thị văn minh, an toàn, sinh thái.

Bài 1:   Còn nhiều khó khăn, thách thức

Dawaco xây dựng cụm xử lý nước mới tại Nhà máy nước Cầu Đỏ bằng nguồn vốn tự có. 							       Ảnh: HOÀNG HIỆP
Dawaco xây dựng cụm xử lý nước mới tại Nhà máy nước Cầu Đỏ bằng nguồn vốn tự có. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Từ năm 2015 đến nay, thành phố đã tiến hành cổ phần hóa (CPH) một số doanh nghiệp công ích đô thị để tăng cường vai trò của khối tư nhân tham gia vào công tác quản lý, vận hành nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đem lại diện mạo mới cho thành phố. Các công ty đã có nhiều nỗ lực, nhưng vì những nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, việc thực hiện các dịch vụ công ích vẫn còn nhiều bất cập.

Những nỗ lực cải thiện

Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng chuyển sang hoạt động doanh nghiệp theo loại hình cổ phần từ ngày 1-10-2015 với số vốn điều lệ là 57,7 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu Nhà nước (đại diện là UBND thành phố) là 51%. Khó khăn lớn nhất của công ty là đoàn xe vận chuyển rác có đến 90% chiếc đã cũ, trong đó có đến 70% xe chỉ còn thời hạn lưu hành từ 3-6 tháng, làm phát sinh chi phí cũng như thời gian sửa chữa lớn, dẫn đến khó khăn trong công tác bố trí phương tiện phục vụ sản xuất, gây ảnh hưởng đến công tác vệ sinh đô thị.

Cuối năm 2018, Thành ủy và UBND thành phố quyết định rà soát nhân sự và thay thế người đại diện phần vốn Nhà nước do UBND thành phố làm chủ sở hữu tại Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng. Cùng với đó, việc đầu tư mua sắm một số xe chở rác và xe xuồng, đưa vào khai thác ngay trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt.

Ông Trần Việt Khánh, Giám đốc Xí nghiệp Môi trường Hải Châu cho hay: “Nhờ được công ty tăng số lượng xe cơ giới nên năng lực thu gom, vận chuyển rác thải trên địa bàn quận Hải Châu được nâng lên, đặc biệt là luôn có 1 xe thu gom rác trong trạng thái chờ để thu gom các điểm tập kết nhiều rác. Cùng với đó, lương, thưởng của cán bộ, nhân viên và công nhân tăng lên nên họ rất phấn khởi và phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

Còn ông Phạm Thanh Phúc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng cho biết: “Hiện nay, số lượng lao động của công ty tăng lên 114 người so với trước khi CPH và đã giảm số lượng lao động gián tiếp xuống còn 248 người, tăng số lượng lao động trực tiếp lên 1.028 người. Cùng với đó, đã đầu tư mua sắm, cải hoán 15 xe chuyên dụng cho công tác thu gom, vận chuyển rác và mua sắm 4.240 thùng đựng rác.

Nhờ đó, công ty đã cơ bản đáp ứng công suất thu gom vận chuyển từ 1.100 - 1.150 tấn rác/ngày (tăng 150% so với năm 2015). Số lượng lao động trực tiếp và phương tiện phục vụ tăng lên đã góp phần cải thiện tình hình thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố”.

Đối với Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco), 3 năm đầu CPH (từ ngày 29-10-2016 đến nay) là một giai đoạn đầy cam go khi đối mặt với tình hình biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn mạnh ở sông Cầu Đỏ, gây thiếu nước cục bộ ở một số khu vực cuối nguồn và thiếu nước sinh hoạt trên diện rộng một số đợt vì độ mặn quá lớn.

Ông Hồ Hương, Tổng Giám đốc Dawaco bày tỏ: “Trong 3 năm qua, Dawaco đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để nâng công suất Nhà máy nước (NMN) Cầu Đỏ thêm 60.000m3/ngày; đầu tư và đưa vào vận hành NMN Hòa Trung với công suất 10.000m3/ngày; thi công tuyến ống chuyển tải nước qua sông Hàn ở hạ lưu cầu Tiên Sơn nhằm bổ sung nước cho 2 quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn; thi công hoàn thành tuyến ống chuyển tải nước thô qua sông Cầu Đỏ để bổ sung thêm nước ngọt từ đập dâng An Trạch khi sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn nặng… Dawaco cơ bản đã đáp ứng công suất cấp nước bình quân từ 280.000 - 310.000m3/ngày; duy trì ổn định và phát huy năng lực sản xuất, tiêu thụ đạt mức tăng trưởng bình quân hơn 10%/năm... Đặc biệt, đã đầu tư hơn 190km đường ống chuyển tải nước có đường kính lớn hơn 40mm, góp phần giảm tình trạng nước yếu, thiếu nước cục bộ tại một số khu vực dân cư và nâng chất lượng nước”.

Còn vướng mắc, bất cập

Theo ông Phạm Thanh Phúc, do diện tích phục vụ dịch vụ vệ sinh môi trường tăng lên gấp đôi so với trước khi CPH và tốc độ tăng dân số, khách du lịch nhanh, nhưng hạ tầng thu gom rác chưa theo kịp, đã và đang tạo nên sức ép rất lớn cho hoạt động tổ chức thu gom rác. Mặt khác, việc xóa dần các trạm trung chuyển và điểm tập kết thùng rác đã tạo rất nhiều khó khăn. Khối lượng rác phát sinh lớn nhưng trong một số thời điểm vẫn xảy ra tình trạng thiếu phương tiện.

Công tác thu gom rác thải sinh hoạt trong thời gian qua gặp khó khăn do thiếu kinh phí đầu tư mua sắm phương tiện mới. 									  Ảnh: KHÁNH HÀ
Công tác thu gom rác thải sinh hoạt trong thời gian qua gặp khó khăn do thiếu kinh phí đầu tư mua sắm phương tiện mới. Ảnh: KHÁNH HÀ

Đơn giá thu dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải còn thấp, chưa đủ cho toàn bộ hoạt động, đặc biệt, hằng năm phải bù lỗ từ 2-3 tỷ đồng cho hoạt động vận chuyển rác từ các điểm tập kết rác ở huyện Hòa Vang về bãi rác Khánh Sơn.

Trong khi đó, mỗi năm công ty phải trả cho ngân sách thành phố khoảng 4 tỷ đồng, đồng thời, phải bảo đảm lợi nhuận cho cổ đông lớn hơn lãi suất ngân hàng kỳ hạn 12 tháng; nên việc đầu tư phương tiện, nâng lương cho cán bộ, công nhân viên vẫn còn hạn chế…

Đối với việc cấp nước sinh hoạt, trong năm 2020 và có thể đến giữa năm 2021, thành phố vẫn có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt ở các khu vực cuối nguồn, thậm chí có nguy cơ xảy ra thiếu nước sinh hoạt trên diện rộng nếu như không thực hiện biện pháp khẩn cấp.

Đồng thời, tình trạng nước sinh hoạt có cặn (mạt sắt gỉ) và màu khác lạ vẫn còn có thể tiếp diễn trong những năm đến ở nhiều khu vực do vẫn còn nhiều tuyến đường ống bằng sắt đã sử dụng hơn 10 năm vì nguồn vốn thay thế ống sắt bằng ống HDPE vẫn còn những tồn tại...

Trong khi đó, theo Sở Nội vụ, từ năm 2016 đến nay, Đà Nẵng đã hoàn thành CPH một số doanh nghiệp Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện các dịch vụ công ích đô thị. CPH doanh nghiệp Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm đẩy mạnh phân cấp thị trường cho khu vực ngoài công lập.

Việc chuyển đổi thành công ty cổ phần đã giúp các doanh nghiệp chủ động trong việc lập, xây dựng kế hoạch, chiến lược sản xuất kinh doanh hằng năm và dài hạn. Cùng với đó, ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm của người lao động trực tiếp và người quản lý gián tiếp được nâng cao. Đặc biệt, hiệu quả sản xuất kinh doanh đã tăng lên.

Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn một số vướng mắc, bất cập, nhất là về thể chế trong công tác CPH doanh nghiệp Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, như: quản lý và sử dụng tiền thu từ CPH; trình tự thủ tục CPH đơn vị sự nghiệp công lập; việc quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đô thị (hệ thống điện chiếu sáng công cộng, cây xanh, cầu đường…) khi doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập chuyển thành công ty cổ phần…

Đặc biệt, công tác quản lý việc cung cấp dịch vụ công ích sau khi CPH doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp công lập chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng chất lượng dịch vụ công ích chưa bảo đảm. Theo đó, một số lĩnh vực công ích vẫn chưa có đầy đủ các văn bản quy định theo yêu cầu của Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ (về quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên), nên công tác giám sát cung cấp dịch vụ công ích của doanh nghiệp chưa đủ sâu sát, chặt chẽ.

Giữa tháng 12-2019, Công ty Quản lý cầu đường Đà Nẵng và Công ty Quản lý vận hành điện chiếu sáng công cộng Đà Nẵng tổ chức đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất để chuyển đổi thành công ty cổ phần. Việc hoàn thành cổ phần hóa Công ty Quản lý cầu đường và Công ty Quản lý vận hành điện chiếu sáng công cộng nhằm góp phần chuyển nhiệm vụ cung cấp dịch vụ công ích công cộng sang cho khu vực ngoài Nhà nước. Từ giữa năm 2020, việc cung cấp dịch vụ vận hành, bảo trì hạ tầng giao thông đường bộ và điện chiếu sáng công cộng sẽ được thực hiện thông qua đấu thầu.

Theo Sở Tài chính, thành phố đã giãn tiến độ CPH Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng trong năm 2020. Còn đối với Công ty Công viên-Cây xanh Đà Nẵng, hiện đang chờ Thủ tướng Chính phủ bổ sung danh mục ngành, lĩnh vực chuyển đổi thành công ty cổ phần.

KHÁNH HÀ – KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.