Gắn bó với thương hiệu giá đỗ Nghi An

.

Vợ chồng ông Trịnh Quang Cư, 70 tuổi và bà Võ Thị Kim Ánh, 66 tuổi, ở phường Hòa Phát (quận cẩm Cẩm Lệ) nổi bật là những tấm gương người cao tuổi làm kinh tế giỏi. Ông Cư gắn bó với nghề làm giá đỗ từ nhỏ - một nghề truyền thống lâu năm ở làng Nghi An (Hòa Phát).

Ông Cư kiểm tra sự phát triển của giá đỗ.  Ảnh: LÊ VĂN THƠM
Ông Cư kiểm tra sự phát triển của giá đỗ. Ảnh: LÊ VĂN THƠM

Còn bà Ánh quê ở quận Hải Châu, từ khi về làm dâu làng Nghi An cũng dốc tâm cùng chồng sinh sống bằng nghề sản xuất giá đỗ. Quanh năm, vợ chồng ông Cư, bà Ánh miệt mài với công việc làm giá đỗ, góp phần xây dựng thương hiệu Giá đỗ Nghi An nổi tiếng trên thị trường Đà Nẵng.

Trước kia người dân Nghi An làm giá đất (ủ dưới đất), nhưng theo tiến trình phát triển đô thị hóa, không còn nhiều diện tích đất để ủ giá, nên các hộ lần lượt chuyển sang làm giá nước. Dẫu đã nhiều tuổi, vợ chồng ông Cư cũng cố gắng học hỏi, vận dụng kỹ thuật mới và đã trở thành một hộ làm giá nước tiêu biểu, nhiều năm đạt danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi (các cấp).

Vợ chồng ông Cư đã đầu tư xây dựng trại sản xuất giá rộng gần 300m2, mua hơn 600 hũ sành loại 20 lít để ủ giá, mua sắm các loại thùng ngâm vôi để tạo nước vôi trong và lắp đặt hệ thống tưới nước bằng vòi phun. Ông Cư cho biết, quy trình làm giá có nhiều công đoạn, từ ngâm đỗ xanh với nước vôi trong theo tỷ lệ 1kg đỗ, 2 lít nước vôi, rồi cài tấm nan cho đỗ ở dưới đáy hũ và đặt lên giàn. Sau khi ngâm 5 giờ, úp hũ lại cho rỏ nước vôi, rồi lật hũ ra để tưới nước. Cứ như vậy 3 lần với khoảng cách 6 giờ tưới 1 lần. Ngâm từ 5 - 6 ngày thì đỗ xanh ra giá và trở thành sản phẩm giá đỗ.

Mỗi ngày, vợ chồng ông Cư ngâm 70kg đỗ xanh, tương ứng có 700kg sản phẩm giá đỗ. Đôi vợ chồng già làm theo phương pháp cuốn chiếu, ngày nào cũng có sản phẩm bán. Thương lái đến mua tại chỗ, giá 7.500 đồng/kg, còn đem ra chợ bán mỗi kg từ 10-12 ngàn đồng. Với mô hình này, vợ chồng ông Cư tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động. Theo ông Cư, công việc ở đây không nặng nhọc, mỗi ngày chỉ làm tổng cộng khoảng 6 giờ, nhưng phải đều đặn, đúng giờ tưới nước. Hằng ngày, ngoài 4 lần tưới nước, người lao động có thể làm việc khác để tăng thu nhập.  

Vừa chuẩn bị đậu xanh để ngâm cho một đợt sản xuất mới, bà Kim Ánh vừa bộc bạch: Người làm giá đỗ phải thật tỉ mỉ trong từng công đoạn từ chọn giống đỗ, ngâm nước vôi, tưới nước, đến kỹ thuật rửa giá, hoàn thiện sản phẩm đều phải thật kỹ càng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và giá đỗ là loại thực phẩm giàu chất bổ dưỡng. “Mình phải chọn giống đỗ xanh loại tốt với giá mua 40.000 đồng/kg, nước tưới cũng phải được bơm từ giếng khoan sạch, các công cụ sử dụng để sản xuất giá đều phải được tẩy trùng sạch sẽ”, bà Kim Ánh nhấn mạnh.

 Quanh năm, gia đình ông Cư cũng như các hộ dân làm giá đỗ ở Nghi An liên tục sản xuất giá để ngày nào cũng có sản phẩm bán ra thị trường, kể cả những ngày Tết cũng không nghỉ. Nơi đây, làm giá đỗ có thu nhập cao, ai cũng xây được nhà cửa khang trang, kiên cố, có những thanh niên đã tốt nghiệp đại học nhưng vẫn gắn bó với nghề. Giữa những ngày xuân nhộn nhịp, vợ chồng ông Cư vẫn miệt mài trong trại giá đỗ. Với dáng người khỏe khoắn, động tác nhanh nhẹn, ông Cư hồ hởi trải lòng: Mặc dù làm giá đỗ vất vả nhưng vợ chồng tôi đều không muốn rời nghề, nó như cái nghiệp gắn bó với mình, gắn bó với thương hiệu giá đỗ Nghi An.

LÊ VĂN THƠM

;
;
.
.
.
.
.