Thích nghi để làm du lịch chuyên nghiệp

.

Thời gian qua, hình ảnh những tiểu thương ở chợ Hàn, chợ đêm Sơn Trà, Khu Di tích thắng cảnh Ngũ Hành Sơn hay những người tài xế taxi, xích lô nhanh nhẹn giao tiếp bằng các thứ tiếng khác nhau đã trở nên quen thuộc với nhiều người dân địa phương và du khách. Trước xu thế hội nhập, nhiều người bán hàng, tài xế chở khách đã tự học ngoại ngữ để thuận tiện hơn trong công việc của mình.

Nhiều tiểu thương tại chợ Hàn cũng có thể thoải mái giao tiếp được với du khách đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, hay khách ở thị trường nói tiếng Anh. Ảnh: HÀ KHUÊ
Nhiều tiểu thương tại chợ Hàn cũng có thể thoải mái giao tiếp được với du khách đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, hay khách ở thị trường nói tiếng Anh. Ảnh: HÀ KHUÊ

Một ngày của chị Trần Thị Hiền, chủ quầy hàng lưu niệm Thiện Nhân tại Khu Di tích thắng cảnh Ngũ Hành Sơn (gọi tắt Khu di tích) bắt đầu từ 8 giờ sáng. Chị bán hàng lưu niệm cho khách du lịch đến Khu di tích nên phải giao tiếp được bằng tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Hàn Quốc, tiếng Pháp… (dù không quá thành thạo). Chị Hiền cho biết: “Khách tham quan đến từ nhiều quốc gia khác nhau; bởi vậy, muốn bán được hàng thì phải giao tiếp được với khách hàng. Chúng tôi bắt đầu học từ những từ đơn giản nhất như số đếm, mệnh giá tiền, cách mời chào… và học từ chính các du khách, từ nào không biết thì hỏi khách. Chúng tôi chủ yếu sử dụng ngôn ngữ giao tiếp nói để khách hiểu ý của người bán hàng, chứ không thể nói đúng ngữ pháp hay biết mặt chữ”.

Không chỉ tại các khu, điểm du lịch mà tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố hiện nay cũng thu hút rất đông khách ngoại quốc. Với mong muốn được tham quan, tìm hiểu văn hóa, trải nghiệm cách mua sắm, sinh hoạt hằng ngày của người dân địa phương nên mỗi ngày tại các chợ truyền thống đều có rất đông khách du lịch với quốc tịch khác nhau. Tại chợ Hàn, nhiều tiểu thương thoải mái mời chào du khách bằng tiếng Hàn, tiếng Trung, tiếng Anh... Chị Yến Nhi, chủ một quầy hàng đặc sản khô tại chợ cho hay: “Mỗi ngày, chợ Hàn có hàng trăm khách từ các quốc gia đến tham quan, mua sắm. Chúng tôi không thể mời khách quốc tế bằng tiếng Việt vì họ không hiểu nên phải tự học cách chào hỏi, mua bán, cách trả giá để trao đổi được với du khách”.

Chị Lee Yang Yoon, du khách Hàn Quốc bày tỏ sự hài lòng, thích thú khi đi mua sắm tại chợ địa phương mà vẫn được trao đổi bằng tiếng Hàn Quốc: “Các tiểu thương ở đây có thể giao tiếp cơ bản bằng tiếng nước ngoài nên rất thuận tiện cho việc kinh doanh, buôn bán. Bản thân khách du lịch chúng tôi cũng muốn được trao đổi nhiều hơn với người bán về các món hàng cũng như hướng dẫn sử dụng sản phẩm…”.

Theo ông Nguyễn Văn Tài, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sự kiện và du lịch Kết nối mới (Necotour), trước sự đa dạng hóa các thị trường khách du lịch như hiện nay, việc các tiểu thương, những người làm dịch vụ du lịch chủ động tự học ngoại ngữ để giao tiếp được với du khách là điều rất cần thiết. Thực tế, ngoài việc ứng xử văn minh với du khách, văn minh trong hoạt động thương mại thì việc giao tiếp được bằng ngôn ngữ các quốc gia khác nhau sẽ giúp tiểu thương bán được nhiều hàng và còn tạo được những ấn tượng tốt đẹp về con người, điểm đến...

Hiện nay, ở các địa phương, những người làm du lịch rất quan tâm đến hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố, do đó có một số khóa học tập ngắn hạn dành cho các tiểu thương, những người làm dịch vụ. Đơn cử, ngay sau khi chợ đêm Sơn Trà đi vào hoạt động, Phòng Kinh tế quận Sơn Trà đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên số 1 tổ chức khóa tiếng Anh giao tiếp cho hơn 40 tiểu thương buôn bán tại chợ.

Với khóa học này, các tiểu thương được học 12 bài tiếng Anh cơ bản, các câu giao tiếp đơn giản, phổ biến; tập trung giới thiệu với du khách các mặt hàng được bày bán tại chợ đêm; nét văn hóa và vẻ đẹp thiên nhiên, con người Đà Nẵng. Ngoài ra, quận Sơn Trà còn tổ chức được 2 lớp đào tạo, bồi dưỡng tiếng Hàn và tiếng Anh cho cán bộ quản lý và nhân viên các nhà hàng, quán ăn để tiện phục vụ du khách.

HÀ KHUÊ

;
;
.
.
.
.
.