Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17-1-2020 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô-tô, đã tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch, tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh trên thị trường vận tải, khắc phục được những điểm còn hạn chế, bất cập của Nghị định 86 trước đây.
Đánh giá về vai trò của việc ban hành Nghị định số 10/2020 đối với hoạt động kinh doanh vận tải, nhiều chuyên gia cho rằng, nghị định mới lần này đã nêu rõ các khái niệm về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô-tô. Đồng thời, nghị định này cũng đã giải quyết được những hạn chế, những vướng mắc rất cơ bản của Nghị định 86 trước đây.
Trước tiên, Nghị định 10 đã xác định rõ về khái niệm kinh doanh vận tải. Đó là những đơn vị điều hành phương tiện đồng thời với điều hành người lái xe. Tiếp đó doanh nghiệp này có quyền quyết định giá cước vận tải… thì đây chính là những đơn vị kinh doanh vận tải. Nghĩa là, đối với những đơn vị kinh doanh vận tải truyền thống như lâu nay thì chúng ta có cơ sở để xác định rõ người chịu trách nhiệm duy trì các điều kiện, hoạt động kinh doanh vận tải này (các pháp nhân). Đây là những nội dung rất cơ bản đã được quy định trong nghị định mới để bảo đảm hoạt động hiệu quả, công bằng, tránh “lách luật” như trước.
Tiếp đó, Nghị định 10 quy định một cách cụ thể, rõ ràng, chi tiết hơn đối với điều kiện kinh doanh vận tải của loại hình kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng (xe hợp đồng). Điều này là thay đổi cơ bản so với trước đây. Vì quy định về kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng trước đây rất đơn giản, lỏng lẻo về điều kiện kinh doanh vận tải. Điều này đã gây tranh cãi, phản ứng rất mạnh giữa loại hình kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng và loại hình kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định.
Điểm mới tiếp theo là nghị định này quy định rõ ràng, cụ thể hơn về việc kinh doanh vận tải là phải thúc đẩy việc sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý; trong trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ Giao thông vận tải với Bộ Tài chính hay giữa Bộ Giao thông vận tải với Bộ Công an. Mục đích là quản lý về trật tự an toàn giao thông tốt hơn, xử lý vi phạm triệt để hơn so với trước đây.
Điều đặc biệt quan trọng sẽ giải quyết được khi nghị định này được triển khai trong cuộc sống, đó chính là yếu tố quản lý Nhà nước về thuế sẽ chặt chẽ hơn. Nghĩa vụ nộp thuế của các doanh nghiệp sẽ được quản lý, điều hành và tạo sự công bằng giữa các loại hình kinh doanh vận tải trên thị trường, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô-tô Việt Nam cho rằng, đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, Nghị định được nhìn nhận công bằng công khai, minh bạch hơn. Đây chính là những nội dung rất quan trọng của Nghị định 10 thay thế cho Nghị định 86 trước đây. Theo yêu cầu của Chính phủ, chịu trách nhiệm triển khai Nghị định 10/2020 trước tiên chính là Bộ trưởng, Thủ tưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cá nhân và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Trong đó, việc phổ biến các quy định của Nghị định mới cần được các cơ quan đơn vị của Bộ Giao thông vận tải sớm triển khai rộng rãi, kịp thời để đảm bảo thông tin kịp thời để có thể thực hiện thành công Nghị định 10/2020 của Chính phủ.
Xác định các doanh nghiệp sẽ là chủ thể quan trọng khi thực hiện nghị định này, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể yêu cầu các cơ quan, đơn vị của ngành cần khẩn trương tổ chức hội nghị trực tuyên để phổ biến nội dung của nghị định tới cộng đồng doanh nghiệp. Trong năm 2020 này, yêu cầu đặt ra là phải triển khai thực hiện đồng bộ các nghị định quan trọng về quản lý vận tải. Do vậy, rất cần các ngành, các cấp cùng thông tin tuyên truyền và thực hiện nghiêm hoạt động này, nhất là đối với vận tải hành khách đường bộ, vì điều này mang lại sự an toàn trong quản lý hoạt động vận tải trên toàn quốc, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh trong lĩnh vực vận tải.
VOV