Nhiều mô hình nuôi gà mang lại thu nhập cao

Tại xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang đang có những mô hình nuôi gà hiệu quả, khoa học, qua đó mang lại thu nhập cao cho người nuôi.

Trước đây, anh Nguyễn Văn Đức (thôn Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) vẫn nuôi gà thả vườn theo cách truyền thống. Tuy nhiên, nhận thấy thị trường tiêu thụ gà thịt, gà giống rất tốt nhưng tỷ lệ lây nhiễm dịch bệnh cao, không bảo đảm môi trường. Sau một lần đọc được thông tin về hệ thống máng gà uống nước tự động ở trên mạng Internet, anh đã vào tỉnh Tiền Giang để học hỏi mô hình này và áp dụng vào trại chăn nuôi của mình.

Mức tiền đầu tư để làm hệ thống máng nước khoảng 1-2 triệu đồng. Hiện chuồng nuôi gà của anh Đức còn làm đệm lót sinh học nên không mất thời gian dọn vệ sinh nhiều. Mỗi lần sử dụng đệm lót có thể nuôi 2 lứa gà. Mỗi lứa gà hơn 1.000 con trừ đi chi phí anh thu về khoảng 15 triệu đồng, một năm nuôi gối đầu khoảng 5-6 lứa, mang lại thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm.

Thời gian nuôi gà ngắn ngày, nuôi gối đầu mỗi lứa tầm 2 tháng, bình quân con gà từ 1,4 - 1,5kg là xuất bán, với giá dao động từ 55.000 - 65.000 đồng/kg. “Nuôi gà rủi ro hơn nuôi heo nhưng thị trường ổn định, giá cả ít lên xuống thất thường, gà còn nhỏ cho ăn bột công nghiệp, thời gian sau pha thêm ít bắp. Hiện tôi đang cho ăn mỗi ngày một lần bằng cách đổ thức ăn vào các máng chống bới, ưu điểm của những chiếc máng này là lượng thức ăn bị văng ra ít, sản phẩm dùng lâu dài, dễ dàng vệ sinh và hạn chế dịch bệnh, tuy nhiên, vì chưa được tự động hóa nên chưa thuận tiện tối đa.

Tôi đang nghiên cứu để áp dụng loại máy cho ăn tự động nào thực sự có hiệu quả; đồng thời học hỏi thêm các mô hình nuôi gà khép kín ở các địa phương khác để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nữa”, anh Đức cho biết.

Còn ông Chu Văn Phong (51 tuổi, trú tại thôn Phước Sơn, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) cũng là mô hình chăn nuôi tiêu biểu và hiện ông đang nuôi gối đầu 4 đợt/năm trên 2.000 con gà. Ông Phong kể, trước đây ông làm nghề lái xe đường dài nhưng sau những lần tham quan, tìm hiểu về những mô hình chăn nuôi, năm 2014, ông Phong quyết định về nhà chăn nuôi dê. Tuy nhiên, nuôi dê sau một năm mới đem lại thu nhập, thiếu hụt nguồn chi tiêu nên ông tiếp tục tìm hiểu và áp dụng mô hình nuôi gà thịt để trang trải chi phí.

Ban đầu, ông Phong thử nghiệm với 500 con gà nhưng do chưa biết chăm sóc nên gà chết nhiều. Sau đó, ông tiếp tục học hỏi những mô hình chăn nuôi ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và nhận ra rằng nuôi gà phải chăm sóc kỹ, chú trọng việc thường xuyên phòng ngừa dịch bệnh bằng vắc-xin do gà dễ mắc những bệnh về hô hấp và tiêu hóa. Khi đã có kinh nghiệm, ông Phong cải tạo chuồng trại và nâng dần lên 1.500 con, chọn mua giống gà lai, gà ta uy tín trên thị trường. Sau khi xuất chuồng vào dịp Tết nên ông bán được giá, lãi cao. Với số lãi đó, ông vay thêm rồi nâng dần lên nuôi 2.500 con mỗi đợt từ 2-3 tháng. Việc nuôi gối đầu 4 đợt một năm như vậy mang lại cho ông thu nhập gần 150 triệu đồng/năm. Ngoài nuôi gà, ông Phong vẫn đang tiếp tục nuôi dê, cừu và trồng thêm gần 10ha rừng chờ thu hoạch.

Theo ông Nguyễn Văn Vân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hòa Vang, mô hình chăn nuôi khoa học như của anh Đức, ông Phong cần nhân rộng hơn nữa để giúp bà con học tập kinh nghiệm, qua đó tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

MAI QUẾ

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.