Hướng tới điểm đến mang tầm thế giới

.

Những năm qua, trong sự phát triển chung của thành phố Đà Nẵng, có phần đóng góp không nhỏ của ngành du lịch. Có thể thấy, một trong ba ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố hiện nay đã có sự thay đổi ngoạn mục cả về số lượng và chất lượng. Có được những thành quả đó là nhờ những chủ trương, quyết sách đúng đắn của chính quyền thành phố cũng như việc thu hút đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của thành phố.

Cầu Vàng - Khu du lịch Bà Nà Hills trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút khách trong và ngoài nước khi đến với Đà Nẵng. Ảnh: THU HÀ
Cầu Vàng - Khu du lịch Bà Nà Hills trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút khách trong và ngoài nước khi đến với Đà Nẵng. Ảnh: THU HÀ

Đột phá về hạ tầng

Đà Nẵng được du khách nhắc đến là thành phố trẻ với cơ sở hạ tầng được đầu tư bài bản, hệ thống giao thông thuận lợi, từ đường hàng không, đường biển, đường bộ; từ đó thúc đẩy du lịch phát triển. Trong đó phải kể đến Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, từ một cảng hàng không với vai trò là điểm “trung chuyển” để du khách, đặc biệt là khách quốc tế đến với các di sản văn hóa như phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam), cố đô Huế (Thừa Thiên Huế) thì nay đã phát huy được lợi thế vai trò cửa ngõ của mình, góp phần đưa Đà Nẵng trở thành điểm đến của du khách vì sự thuận lợi và tiện ích.

Khi chưa có sự cố Covid-19, Đà Nẵng có 40 đường bay quốc tế kể cả thường kỳ và thuê chuyến, đưa hàng triệu lượt khách đến với Đà Nẵng mỗi năm. Trước sự tăng trưởng về số lượng khách, năm 2017, Đà Nẵng đưa vào sử dụng nhà ga hành khách quốc tế T2 với công suất khai thác từ 4 - 4,5 triệu khách/năm. Đến nay, nhà ga T2 đã quá tải và cần được đầu tư nâng cấp, mở rộng thêm vì theo thống kê năm 2019, cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng khai thác 15,5 triệu hành khách, vượt qua quy hoạch thiết kế đến năm 2020 hơn 2,5 triệu hành khách.

Cùng với hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú du lịch tại Đà Nẵng cũng có sự bứt phá mạnh mẽ. Nếu như từ những ngày đầu mới giải phóng đến khi chia tách tỉnh, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, số lượng khách sạn, lưu trú du lịch của Đà Nẵng rất ít ỏi. Năm 2003 có khoảng 69 khách sạn với 2.391 phòng, trong đó chỉ có vài khách sạn 5 sao thì đến nay Đà Nẵng có 943 cơ sở lưu trú, với 40.074 phòng; trong đó có 209 khách sạn hạng 3 – 5 sao và tương đương với 25.193 phòng, chiếm 62,9% tổng số phòng.

Nếu tính trong giai đoạn 2003-2019, có thể thấy tăng gấp 13,7 lần về số cơ sở lưu trú và tăng gấp 16,7 lần về số lượng phòng. Các thương hiệu du lịch nổi tiếng thế giới như Intercontinental, Novotel, Hyatt, Pullman, Marriott, Hilton, Sheraton… đã có mặt ở Đà Nẵng. Nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp như Vinpearl Resort & spa, Risemount Primier Resort, Sheraton Grand, Four Points by Sheraton… được đưa vào hoạt động, trở thành những điểm đến thu hút các thị trường khách cao cấp.

Cùng với đó, tính đến hết năm 2019, nguồn nhân lực thành phố ước có khoảng 51.000 người, góp phần không nhỏ trong việc giải quyết việc làm, an sinh xã hội.

Hàng loạt các khu điểm du lịch, nghỉ dưỡng cũng được đầu tư để phục vụ khách du lịch, trong đó phải kể đến như Khu du lịch Bà Nà Hills, Công viên Suối khoáng nóng Núi Thần Tài, Helio Center… Đặc biệt, khu du lịch Bà Nà Hills liên tục đầu tư các sản phẩm du lịch mới như khu làng Pháp, chương trình nghệ thuật Vũ hội Ánh Dương, cầu Vàng… đã trở thành sản phẩm độc đáo, giúp thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến với Đà Nẵng.

Điểm đến hấp dẫn du khách

45 năm sau ngày giải phóng, du lịch đã góp phần trong việc “thay áo” mới cho sự phát triển của thành phố. Với sự phát triển như hiện nay, nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận, đánh giá Đà Nẵng hiện nay là trung tâm du lịch, dịch vụ không chỉ của khu vực miền Trung mà trong tương lai sẽ là trung tâm dịch vụ của cả khu vực. Phát triển của du lịch ở Đà Nẵng là một quá trình nỗ lực và kế thừa.

Những năm gần đây, ngành du lịch Đà Nẵng có bước phát triển khá nhanh, lượng khách tăng bình quân hằng năm trên 20%, đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của thành phố, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đã tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện và nâng cao chất lượng sống cho người dân thành phố… Số lượng khách du lịch đến với Đà Nẵng đã tăng mạnh từ 774.000 lượt (năm 2006) lên 1.770.000 lượt (năm 2010) và 8,7 triệu lượt (năm 2019). Doanh thu du lịch cũng tăng từ 435 tỷ đồng (năm 2006) lên 1.239 tỷ đồng (năm 2010) và khoảng 31.000 tỷ đồng (năm 2019).

Từ một thành phố dựa hoàn toàn vào sông, biển, sau nhiều năm nỗ lực, Đà Nẵng được gắn liền với thương hiệu “Thành phố pháo hoa”. Đến nay, Đà Nẵng cũng trở thành điểm đến lý tưởng để tổ chức các sự kiện lớn mang tầm quốc tế như Hội chợ Du lịch quốc tế về nghỉ dưỡng biển và M.I.C.E; lễ hội Cocofest; cuộc thi Marathon quốc tế; Cuộc đua thuyền buồm quốc tế Clipper Race; cuộc thi Iron Man 70.3 Việt Nam, Tuần lễ Cấp cao APEC…

Không phải ngẫu nhiên mà một thành phố trẻ, đi sau về du lịch, liên tục được các tổ chức quốc tế vinh danh, bình chọn bằng một loạt các giải thưởng như: Điểm đến sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á 2016 do Tổ chức Du lịch thế giới bình chọn; Top 10 thành phố tổ chức hội họp hàng đầu châu Á năm 2018 do Tạp chí Smart Travel Asia bình chọn; Đà Nẵng đứng thứ 15 trong Top 52 điểm đến 2019 do New York Times bình chọn; Đà Nẵng đứng đầu 10 thành phố xu hướng du lịch thế giới năm 2020 do Google bình chọn...; xếp vị thứ 7 trong số 25 điểm đến thịnh hành trên thế giới do TripAdvisor bình chọn…

Phát triển du lịch luôn đòi hỏi sự sáng tạo và đổi mới không ngừng. Giữa yêu cầu ngày một khắt khe của du khách thì sự cạnh tranh trong việc phát triển điểm đến ngày càng tăng cao, đòi hỏi sự chuyên nghiệp trong phục vụ, sản phẩm phải có chất lượng cao, tạo ấn tượng đối với du khách.

Vì thế, theo Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh, để tiếp tục phát triển lâu dài, ngành du lịch thành phố đang tiếp tục kêu gọi đầu tư xây dựng các sản phẩm mới, nhất là giải trí, mua sắm, du lịch sinh thái, đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch đến an sinh xã hội...; từng bước định hướng thị trường, tăng số lượng khách, phân khúc chất lượng cao, khách có khả năng chi trả cao. Đồng thời, mở rộng thêm các thị trường khách quốc tế mới, tập trung khai thác dòng khách trung và cao cấp ổn định có khả năng chi tiêu cao, nghỉ dài ngày, khách công vụ, thích các hoạt động du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng.

Theo bà Hạnh, thành phố cũng định hướng không gian và sản phẩm du lịch cụ thể để có thể phát triển bền vững. Trong đó, xác định phát triển theo hướng du lịch sinh thái, du lịch biển với các sản phẩm kèm theo. Bên cạnh đó, cũng đề xuất mở rộng nhà ga T3, cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng; chuyển đổi cảng Tiên Sa thành cảng du lịch và hình thành các dịch vụ du lịch tiêu chuẩn quốc tế tại cảng; đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch đường sông…; phát triển các loại hình cơ sở lưu trú du lịch phù hợp với quy hoạch chung của thành phố và đặc điểm tài nguyên thiên nhiên, địa hình của từng địa phương cũng như nhu cầu thực tế của du khách… hướng đến sự phát triển bền vững của ngành du lịch và thương hiệu điểm đến Đà Nẵng.

THU HÀ

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.