Khơi thông sông Cổ Cò, kết nối vùng đô thị xứ Quảng - Bài cuối: Vùng đô thị soi bóng đôi bờ sông

.

Sông Cổ Cò được nạo vét, khơi thông không chỉ mang sứ mệnh về giao thông đường thủy mà còn phát triển đô thị, tạo hạ tầng dùng chung để phát triển mạnh mẽ về du lịch, dịch vụ. Trong đó có chuỗi “đô thị dòng chảy” phía nam Đà Nẵng và thị xã Điện Bàn cùng thành phố Hội An.

Nhiều dự án đô thị mới đang được đầu tư xây dựng ven sông Cổ Cò để kết nối vùng đô thị Đà Nẵng - Hội An.  TRONG ẢNH: Dự án Cocobay Đà Nẵng do Tập đoàn Empire làm chủ đầu tư.		             Ảnh: TRIỆU TÙNG
Nhiều dự án đô thị mới đang được đầu tư xây dựng ven sông Cổ Cò để kết nối vùng đô thị Đà Nẵng - Hội An. TRONG ẢNH: Dự án Cocobay Đà Nẵng do Tập đoàn Empire làm chủ đầu tư. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Từ cuối năm 2019, nguồn vốn ngân sách Trung ương được Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi vốn và giải ngân cho thành phố Đà Nẵng cũng cho phép thực hiện đầu tư nâng cấp cầu Biện (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) đạt yêu cầu khổ thông thuyền (chiều cao cầu để ghe thuyền qua về) sông cấp IV và đầu tư bến đón trả khách và neo đậu tàu thuyền phục vụ chủ yếu tàu du lịch và chuyên chở hành khách (51-100) tấn.

Theo đó, có 5 vị trí tại khu vực bờ sông khu Đồng Nò, khu đô thị Hòa Quý, khu vực bờ sông phía đông khu Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn, khu phía tây chân cầu Mai Đăng Chơn, khu vực bờ sông dự án Cocobay... hướng đến mục tiêu hình thành sản phẩm du lịch mới của thành phố, làm phong phú và phát triển du lịch-lĩnh vực mũi nhọn của thành phố.

Vì vậy, hai bên bờ sông đều được chính quyền thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam quy hoạch bến thuyền du lịch, kết hợp với các công viên dọc sông sẽ tạo nên những điểm nhấn để kết nối giữa sông với đô thị, kết nối sông với khu vực ven biển… Qua đó hình thành chuỗi đô thị du lịch dịch vụ ven sông Hội An-Điện Bàn-Đà Nẵng và ngược lại.

Ông Lê Thái Bảo Long, Giám đốc Công ty Vận tải du lịch Trường Sa cho rằng, một khi dự án nạo vét sông Cổ Cò hoàn thành sẽ giúp giảm áp lực giao thông đường bộ cho cả Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Trong tương lai, nhiều gia đình có thể sắm ca-nô làm phương tiện đi lại trên sông Cổ Cò để ra Đà Nẵng hoặc vào Hội An và ngược dòng Thu Bồn, Vu Gia để thăm thú, khám phá những cảnh đẹp ở miền sơn dã. Theo ông Long, cần phải nâng tầm quy hoạch, đầu tư các đô thị ven sông hiện đại.

Theo định hướng phát triển, sông Cổ Cò có vai trò quan trọng không chỉ về mặt cảnh quan mà còn thúc đẩy phát triển đô thị, du lịch nghỉ dưỡng. Nhiều khu vui chơi giải trí, du lịch sinh thái, biệt thự ven sông, làng du lịch cộng đồng sẽ sớm được hình thành dọc theo 28km đường sông. Như vậy, các chủ đầu tư cũng có cơ hội để thúc đẩy thị trường này và tạo ra những sản phẩm chất lượng. Những đô thị có quy hoạch hạ tầng, tiện ích đồng bộ, kiến trúc độc đáo, dựa vào dòng sông sẽ mở ra cơ hội kinh doanh du lịch, lưu trú, quảng bá văn hóa đầy tiềm năng.

Theo ông Trần Ngọc Thái, Giám đốc đầu tư của Công ty CP Đất Xanh Miền Trung, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp thuần túy hai bên bờ sông Cổ Cò trước đây sang lĩnh vực thương mại, dịch vụ và phát triển chuỗi đô thị là sự chuyển mình thiết yếu, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước.

Trong khi đó, ven sông Cổ Cò chủ yếu là đất nông nghiệp hoang hóa, sản xuất không hiệu quả, dân cư thưa thớt, đời sống còn rất khó khăn, hiện trạng sử dụng đất còn thấp, chưa được đầu tư về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông. Để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, cần đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các khu đô thị hiện đại, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật kết nối với các khu dân cư hiện hữu, bảo đảm mỹ quan đô thị, bảo vệ môi trường và bổ sung thêm các tiện ích, như: khu vui chơi giải trí, giáo dục, thể dục - thể thao, khu du lịch nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 5 sao, công viên cảnh quan và các khu vực phục vụ công cộng nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho cư dân và người dân địa phương.

Theo ông Lê Thái Bảo Long, không gian đô thị Đà Nẵng phát triển mạnh về hướng đông-nam, trong đó các đô thị ven sông Cổ Cò được quy hoạch với nhiều loại hình dịch vụ du lịch, tạo nên quần thể du lịch đa dạng để du khách tham quan, nghỉ dưỡng. Về phía Quảng Nam cũng đang hướng đến việc phát triển du lịch hiện đại với du lịch truyền thống và dòng sông Cổ Cò có vị trí chiến lược trong việc đa dạng hóa loại hình du lịch trải nghiệm, kết nối với Cù Lao Chàm, sông Thu Bồn, Vu Gia và sông Trường Giang...

Ông Long cho biết, nếu Đà Nẵng tự hào có dòng sông Hàn thì hai địa phương Đà Nẵng-Quảng Nam cũng đang nắm trong tay một dòng sông di sản. Sự kết nối hạ tầng đô thị về phía nam của Đà Nẵng đưa dòng sông Cổ Cò trở thành điểm nhấn về cảnh quan kiến trúc và đẩy mạnh phát triển đô thị, hạ tầng du lịch nghỉ dưỡng, tạo ra những khu đô thị sinh thái thiên nhiên ven sông.

Con sông Cổ Cò hiền hòa, thơ mộng uốn lượn bao quanh tạo nên một cảnh quan non nước hữu tình. Nhiều hoạt động sôi nổi như: đua thuyền đoạt lệnh, tái hiện cảnh tướng Trần Khắc Chung cứu Huyền Trân công chúa… được tổ chức trên sông Cổ Cò gây ấn tượng với du khách.

Với những lợi thế của vùng đất này và xu hướng sống hòa hợp thiên nhiên của giới trẻ hiện nay, hàng loạt dự án sinh thái và khu nghỉ dưỡng (resort) cao cấp bên bờ sông Cổ Cò đang được chủ đầu tư phát triển. Khởi đầu là dự án Khu đô thị sinh thái làng quê Cổ Cò (Tập đoàn Sun Group) triển khai; tiếp đó là khu đô thị Phú Mỹ An.

Gần đây, Công ty CP Đất Xanh Miền Trung và Công ty CP Tập đoàn Đất Quảng ký kết hợp tác đầu tư phát triển dự án khu đô thị Green City ven sông Cổ Cò thuộc khu vực ranh giới Đà Nẵng-Quảng Nam. Khu đô thị Green City có diện tích quy hoạch 15,1ha, được thiết kế bởi phong cách dự án đô thị theo hình mẫu Singapore với tổng vốn 180 tỷ đồng thi công hạ tầng. Dự án được hoàn thiện với 500 nền đất ở.

Các công trình phụ trợ như nhà hàng, siêu thị, khách sạn cũng được đầu tư để hình thành khu đô thị mới. Đi cùng với Green City có thêm dự án Coco Riverside City cũng triển khai ven sông Cổ Cò thuộc khu vực Quảng Nam. Về phía đoạn tuyến sông Cổ Cò tại Đà Nẵng cũng đã hình thành khu đô thị và tổ hợp văn phòng công nghệ cao FPT City Đà Nẵng.

Ở phía đông giáp dòng sông Cổ Cò uốn lượn có thêm 2 sân golf  và Tổ hợp du lịch giải trí - Coco Bay. Hiện trên toàn tuyến sông Cổ Cò phát triển hàng chục dự án đô thị sinh thái. Theo đó, phố mới ven sông Cổ Cò đang dần hình thành cùng với sự đầu tư khơi thông dòng sông đang dần thành hiện thực.

 “Trong bối cảnh ngành du lịch đô thị cổ Hội An đang cần giảm sức ép và thành phố Đà Nẵng chủ trương kiểm soát các dự án ven biển để mở cửa đô thị về phía nam, “đô thị dòng chảy” bên sông Cổ Cò được xem là vùng đất tương lai của bất động sản nghỉ dưỡng. Trong kế hoạch xây dựng đô thị về phía nam thành phố Đà Nẵng, sông Cổ Cò khơi thông cũng sẽ mở ra cơ hội lớn cho các chủ đầu tư để xây dựng các khu biệt thự nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, du lịch sinh thái... nhằm khai thác tối đa tiềm năng du lịch đường sông. Do đó, một “đô thị dòng chảy” đúng nghĩa hoàn toàn có thể được thiết lập bên dòng sông Cổ Cò”, ông Trần Anh Quốc Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam khẳng định.

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.