Nâng mức cho vay, tạo cơ hội việc làm

.

Hạn mức cho vay tối đa của các chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) được nâng lên 100 triệu đồng từ tháng 11-2019. Thời hạn cho vay tối đa cũng nâng lên đến 10 năm theo Nghị định số 74/2019/NĐ-CP của Chính phủ, nhờ đó, tạo cơ hội cho nhiều lao động được mở rộng sản xuất từ nguồn vốn với lãi suất ưu đãi.

Anh Lê Phước Vĩnh đầu tư máy pha cà-phê 70 triệu đồng từ chương trình cho vay duy trì và mở rộng việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh: MAI QUẾ
Anh Lê Phước Vĩnh đầu tư máy pha cà-phê 70 triệu đồng từ chương trình cho vay duy trì và mở rộng việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh: MAI QUẾ

Làm công việc thu mua bao bì đã được 15 năm, anh Nguyễn Phước An (tổ 22, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) chia sẻ, năm 2010 anh đã được sớm tiếp cận nguồn vốn của các chương trình hỗ trợ tạo việc làm nên vay khoảng 30 triệu đồng từ NHCSXH để có nguồn vốn thu mua bao bì.

Mỗi tháng, anh An nhập từ 5.000 – 10.000 bao bì nhựa và 1 tấn bao giấy lỗi từ các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung Bộ, sau đó anh giao cho các hộ nhận gia công bao bì lỗi này thành các sản phẩm bao bì khác để đưa vào sử dụng mới.

Biết NHCSXH thành phố đã triển khai nâng hạn mức cho vay, anh An quyết định vay vốn với mức tối đa là 100 triệu đồng để mở rộng việc kinh doanh bao bì của mình. Có được nguồn vốn mới, anh An đã thu gom được nhiều bao bì hơn và từ đó đã giúp tạo công ăn việc làm cho khoảng 5-6 lao động; trong đó 2 lao động đến tận cơ sở anh An làm việc, còn lại các lao động khác nhận việc tại nhà và giao hàng cho anh khi đã hoàn thành.

“Bao bì gia công xong, tôi trả công từ 3.000 - 5.000 đồng/chiếc, những người nhận gia công cho tôi mỗi ngày đều làm từ 50-100 cái thì tính ra thu nhập 150.000 - 300.000 đồng/ngày, thậm chí còn hơn nữa nếu họ chăm chỉ và có nhiều thời gian làm. Bên cạnh đó, tôi cũng ưu tiên giao công việc này cho những bà mẹ có con nhỏ, chưa đi làm được để kiếm thêm thu nhập. Riêng bản thân tôi, sau khi trừ hết các chi phí thì mỗi đợt hàng cũng lời ra được 8-10 triệu đồng”, anh An cho hay.

Vừa tăng thu nhập cho bản thân, lại tạo việc làm cho những người xung quanh, anh An là một điển hình trong những hộ đang sử dụng tốt nguồn vốn từ chương trình tạo việc làm của NHCSXH. Còn với anh Lê Phước Vĩnh (trú tổ 2, phường Thạch Thang, quận Hải Châu), nguồn vốn từ chương trình tạo việc làm đang hỗ trợ đắc lực cho quán cà-phê của anh.

Anh Vĩnh sở hữu một quán cà-phê với chi phí đầu tư ban đầu là 200 triệu đồng, song số vốn trên chỉ đủ chi phí trang trí và thiết kế, một số dụng cụ, ly tách..., còn việc pha chế cà-phê vẫn được làm thủ công nên chỉ tạo ra được một số ít sản phẩm. Vì vậy, anh mong muốn đầu tư thêm cho quán một chiếc máy pha cà-phê nhưng chưa có điều kiện.

Tháng 12-2019, biết được chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm của NHCSXH nâng hạn mức cho vay và phù hợp với nhu cầu đầu tư cho quán cà-phê của mình, anh Vĩnh là một trong những người đầu tiên của phường làm đơn tới Tổ vay vốn thông qua ủy thác của Hội Liên hiệp phụ nữ phường Thạch Thang. Theo đó, anh Vĩnh được vay số tiền 70 triệu đồng để mua một chiếc máy pha cà-phê.

“Từ khi đầu tư thêm chiếc máy thì cà-phê được sản xuất nhanh hơn, lượng
cà- phê được tiết kiệm tối đa và pha được nhiều loại hơn, phục vụ khách hàng tốt hơn. Dù trong thời điểm Covid-19 ảnh hưởng đến tất cả các ngành, nghề như hiện nay, nhưng quán tôi vẫn duy trì lượng khách ổn định nên mừng lắm”, anh Vĩnh bày tỏ.

Cũng cư trú tại tổ 2, phường Thạch Thang, bà Hoàng Thị Hạnh hiện có một quán ăn với lượng khách ổn định. Bà Hạnh chia sẻ đã tiếp cận nguồn vốn từ chương trình tạo việc làm của NHCSXH từ cách đây gần 10 năm để mở ra quán ăn.

Tháng 2-2020, bà Hạnh cũng mạnh dạn làm đơn vay số tiền 70 triệu đồng để đầu tư, cải tạo lại quán ăn. Trước đây, khách tới quán chỉ ngồi bàn, ghế nhựa thấp và quán ăn nhìn cũng không được thẩm mỹ vì lớp sơn tường đã cũ, bong tróc nhiều mảng. Sau khi nhận được tiền vay, bà Hạnh mua bộ bàn, ghế inox cao, sơn sửa lại quán, đầu tư thêm trang thiết bị để nấu ăn nhanh hơn, phục vụ khách tốt hơn.

Theo ông Đoàn Ngọc Chung, Giám đốc NHCSXH - Chi nhánh Đà Nẵng, trước thời điểm tháng 11-2019, người lao động chỉ được vay tối đa 50 triệu đồng và thời hạn vay không quá 5 năm. Những năm gần đây, người lao động trên địa bàn thành phố luôn có nhu cầu về nguồn vốn lớn hơn để mở rộng sản xuất, do đó, việc nâng hạn mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng/người lao động và thời gian vay đến 10 năm đã kịp thời đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn tạo việc làm.

Mức cho vay và thời hạn cho vay cụ thể đối với người lao động được căn cứ vào mục đích sử dụng vốn vay, chu kỳ sản xuất, kinh doanh… Nếu  người lao động có nhu cầu vay thêm vốn để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh khả thi cũng được NHCSXH tạo điều kiện để tiếp cận nguồn vốn vay bổ sung, nhưng mức dư nợ không vượt quá 100 triệu đồng/1 lao động.

Theo báo cáo của NHCSXH – Chi nhánh Đà Nẵng, đến ngày 29-2-2020, tổng nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đạt 1.343 tỷ đồng, trong đó: nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm là 45 tỷ đồng, nguồn vốn do NHCSXH huy động là 766 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang là 532 tỷ đồng. Doanh số cho vay giải quyết việc làm giai đoạn từ năm 2015 đến tháng 2-2020 đạt 1.821 tỷ đồng, với gần 48.000 lượt khách hàng được vay vốn, góp phần hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 48.000 lao động.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.