Giá thịt lợn hơi sẽ xuống 70.000 đồng mỗi kg kể từ ngày 1-4

.

Tốc độ tái đàn lợn trên cả nước đang rất nhanh, tăng 2 triệu con, hiện tổng đàn lợn cả nước khoảng 24 triệu con; cuối quý 3 đầu quý 4 có thể đạt tổng đàn như trước khi bị dịch tả lợn châu Phi.

Đàn lợn của một hộ chăn nuôi ở thị trấn Hòa Thuận, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)
Đàn lợn của một hộ chăn nuôi ở thị trấn Hòa Thuận, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN)

Sáng 30-3, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường có buổi làm việc với 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn bàn giải pháp để tiếp tục xây dựng, phát triển ngành chăn nuôi lợn theo hướng bền vững, đồng thời nhằm giảm áp lực của giá thịt lợn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trước tình hình hiện nay, chỉ số CPI cao, nhất là trong điều kiện dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mong muốn các doanh nghiệp chăn nuôi cam kết cùng chung tay để trước mắt đưa giá thịt lợn hơi từ 75.000 đồng/kg xuống mức 70.000 đồng/kg từ ngày 1-4 tới.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường biểu dương 15 doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp từ điều kiện khó khăn đã tìm ra quy trình sản xuất an toàn sinh học và giữ được lực lượng hạt nhân của ngành chăn nuôi lợn.

Đến ngày 10-3-2020, tổng đàn lợn của cả nước đạt gần 24 triệu con, bằng gần 74% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh dịch tả lợn châu Phi (khoảng 31 triệu con vào tháng 12-2018); trong đó, đàn lợn nái còn 2,72 triệu con, bao gồm 109 nghìn con cụ kỵ, ông bà, cơ bản đáp ứng nhu cầu giống để tái đàn lợn.

Tốc độ tái đàn lợn trên cả nước đang rất nhanh, tăng 2 triệu con, hiện tổng đàn lợn cả nước khoảng 24 triệu con; các doanh nghiệp đã có tốc độ tái đàn tăng trưởng nhanh 17%. Cuối quý 3 đầu quý 4 có thể đạt tổng đàn như trước khi bị dịch tả lợn châu Phi (năm 2018).

Bộ trưởng mong muốn các doanh nghiệp hiến kế tái đàn nhanh nhất cũng như những vấn đề từ thể chế, cơ chế chính sách để ngành hàng thịt lợn không chỉ phục hồi như năm 2018 mà còn phát triển bền vững hơn.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã liên tục tổ chức nhiều cuộc họp, trực tiếp đến làm việc với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn để chỉ đạo sản xuất, đẩy mạnh tái đàn lợn an toàn, từng bước chủ động nguồn cung, góp phần bình ổn giá thịt lợn…

Kết quả, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn (như Công ty CP Việt Nam, Dabaco, Mavin, Masan, GreenFeed…) đã phối hợp, đồng hành cùng Chính phủ và hiện đã hạ giá bán lợn hơi xuống từ 73.000-76.000 đồng/kg.

Cùng với đó, để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi, người phân phối và người tiêu dùng, từ cuối năm 2019, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép tăng cường nhập khẩu thịt lợn.

Tính đến ngày 27-3-2020, số lượng thịt lợn nhập khẩu đạt hơn 39.191 tấn, tăng 312% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, tỷ trọng nhập khẩu từ Canada 25,81%, Đức 20,59%, Ba Lan 13,77%, Brazil 9,68%, Hoa Kỳ 7,65%, Liên bang Nga 2,62%...

Tuy nhiên, để tiếp tục xây dựng, phát triển ngành chăn nuôi lợn theo hướng bền vững, đồng thời nhằm giảm áp lực của giá thịt lợn đến chỉ số CPI, cùng với sự nỗ lực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp, cũng rất cần sự chung tay vào cuộc của Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm các nguồn hàng hợp lý tại các nước xuất khẩu, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 lây lan diện rộng, ảnh hưởng đến hoạt động thương mại; tổ chức nhập khẩu thịt lợn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Tài chính xem xét, sớm có chính sách giảm thuế nhập khẩu thịt lợn; trong đó chính sách giảm, miễn thuế cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn từ Hoa Kỳ.

Đặc biệt, Bộ Công Thương cần tổ chức kiểm soát tốt chuỗi cung ứng thịt lợn trên thị trường, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, thổi giá, nhất là ở các khâu trung gian.

Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân, doanh nghiệp đầu tư tái đàn, tăng đàn, mở rộng quy mô đàn lợn theo nguyên tắc bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và cung cầu theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan.

Ban Chỉ đạo 398 quốc gia và các địa phương, đặc biệt các địa phương phía Bắc tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp nhập lậu, vận chuyển, buôn bán trái phép lợn, sản phẩm lợn ra khỏi Việt Nam.

Theo Vietnam+

 
;
;
.
.
.
.
.