Ngày 28-3, Cục Thống kê thành phố thông tin về các chỉ tiêu phát triển kinh tế qua 3 tháng đầu năm 2020. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 14,95% so với quý 4-2019 và tăng 0,73% so với cùng quý năm trước; tổng doanh thu của cả 3 ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành quý 1 ước đạt 4.000 tỷ đồng, giảm 23,3% so với cùng quý năm trước (đây là lĩnh vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do Covid-19).
Cùng với lĩnh vực dịch vụ, hoạt động vận tải hành khách cũng gặp không ít khó khăn khi doanh thu quý 1 giảm 12,7% so với cùng quý năm 2019, tuy nhiên, điểm sáng của ngành vận tải là dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng 6,9% và vận tải hàng hóa vẫn tăng 1,3%. Vì vậy, tổng hợp cả 3 ngành vận tải hàng hóa, hành khách và dịch vụ trong quý 1 đạt 3.641 tỷ đồng, tăng 1,2% so với cùng quý năm 2019.
Trong quý 1, kim ngạch xuất, nhập khẩu nhiều mặt hàng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi Covid-19 lây lan mạnh ở các nước đối tác thương mại hàng đầu như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Hoa Kỳ. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 589,6 triệu USD, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 332,9 triệu USD, giảm 6,5% so với cùng kỳ, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 256,7 triệu USD, giảm 14,7%.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý 1 tăng 5,87% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng cao nhất của quý 1 trong vòng 5 năm qua. Trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 11,89%, cao hơn so với mức tăng chung. Những nhóm hàng tăng thấp hơn mức tăng chung gồm: nhóm giáo dục tăng 5,76%, nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 4,64%, nhóm giao thông tăng 3,44%, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,42%, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,37%, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,97%, may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,33%, thiết bị đồ dùng gia đình tăng 0,24%. Hai nhóm có CPI giảm so với cùng kỳ năm trước gồm: nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,52%, nhóm văn hóa giải trí và du lịch giảm 1,2%.
MAI QUẾ