Trước diễn biến phức tạp của Covid-19 khiến người dân lo lắng đổ xô đến các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại… để mua sắm, tích trữ hàng hóa trong những ngày qua, hiện các ngành chức năng cũng như nhà cung cấp thực phẩm lớn trên địa bàn thành phố cam kết bảo đảm cung ứng đầy đủ nguồn hàng hóa phục vụ cho nhu cầu thị trường. Nhiều đơn vị cho biết đã chuẩn bị hàng trăm tấn hàng hóa để xuất ra thị trường trong vài ngày tới.
Người dân cần bình tĩnh, không cần thiết tích trữ hàng hóa vì nguồn cung luôn bảo đảm. Trong ảnh: Sáng 8-3, một đại lý gạo trên đường Trưng Nữ Vương vừa nhập về nguồn hàng lớn để bảo đảm phục vụ nhu cầu người dân. Ảnh: KHÁNH HÒA |
Theo ghi nhận, trong hai ngày thứ bảy và chủ nhật vừa qua, nhiều người dân đã bắt đầu tích trữ hàng hóa với số lượng lớn gấp 3-4 lần so với nhu cầu tiêu dùng hằng ngày. Tại các siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi, sức mua đã tăng 30-40%.
Những mặt hàng được tiêu thụ mạnh gồm mì tôm, gạo, nước mắm, gia vị các loại, đồ đóng hộp, củ quả, trái cây… Tại đại lý gạo Lý Nhân trên đường Trưng Nữ Vương (quận Hải Châu), sức mua trong hai ngày qua tăng gần gấp 5 lần so với thời điểm sau Tết Nguyên đán với hàng trăm bao gạo (loại 10kg) đã được bán ra. Trong ngày 8-3, tiếp tục có nhiều người dân đến để hỏi mua gạo tẻ, gạo nếp các loại.
Bà N.T.H., chủ đại lý gạo Lý Nhân cho biết, do tâm lý lo sợ trước dịch bệnh nên sức mua các ngày qua tăng đột biến, tuy nhiên đại lý cũng trấn an người dân không nên quá lo lắng và tích trữ quá nhiều các loại gạo vì nếu trữ lâu sẽ dễ bị hư hỏng.
“Nguồn gạo ở nước ta dồi dào, không lo hết hàng đâu”, bà H. nói. Cũng trong ngày này, cửa hàng đã chuyển về thêm một xe tải lớn gạo các loại với số lượng ước tính lên đến cả tấn nhằm đáp ứng nhu cầu đang tăng mạnh. Trong khi đó, tại cửa hàng tiện lợi Vinmart trên đường Hoàng Diệu, ngay sau ngày thứ bảy, lượng hàng được tiêu thụ gần hết thì sáng 8-3 đã được lấp đầy lại.
Trước sức tiêu thụ tăng mạnh đột biến như vậy, các đơn vị, nhà cung ứng hàng hóa lớn như siêu thị, trung tâm thương mại, chợ… đã nhanh chóng vào cuộc triển khai kế hoạch dự trữ nguồn hàng dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh trong vài ngày tới.
Ông Phan Thống, Giám đốc siêu thị Co.oomart Đà Nẵng cho hay, thay vì sử dụng 15 tỷ đồng trong kế hoạch, đơn vị đã quyết định nâng lên 20 tỷ đồng nguồn kinh phí nhập hàng về để phục vụ nhu cầu mua sắm trên địa bàn thành phố.
Nguồn hàng được vận chuyển ngay trong ngày 9-3, trong đó chủ lực là các mặt hàng thực phẩm thiết yếu hằng ngày. Đối với mặt hàng khẩu trang y tế và các loại dung dịch vệ sinh diệt khuẩn, nguồn cung chưa dồi dào. Trước mắt, trong ngày 9-3, dự kiến sẽ có 4.000 chai dung dịch vệ sinh diệt khuẩn cùng hơn 1.000 khẩu trang y tế được nhập về siêu thị.
Đại diện truyền thông của Công ty MM Mega Market (siêu thị Mega Market) thông tin, đơn vị đã chủ động làm việc với các nhà cung ứng nhằm bảo đảm nguồn hàng hóa luôn tăng 20-40% so với nhu cầu ngày thường. Hiện nay, lượng hàng về siêu thị rất dồi dào, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của người dân.
Đại diện Công ty Quản lý và phát triển chợ Đà Nẵng cho biết, để bảo đảm cung ứng nguồn hàng hóa, trong ngày 8-3, nhiều tiểu thương kinh doanh tại các chợ lớn của thành phố đã tăng cường nhập hàng về chợ nên nguồn cung tiếp tục dồi dào cho những ngày tới.
Đơn cử, các tiểu thương kinh doanh gạo ở chợ Cồn đã nhập về 30 tấn gạo, 1.600 thùng mì tôm cùng 5.000 các loại đồ ăn đóng hộp; tại chợ Đầu mối Hòa Cường, sản lượng hàng hóa về chợ ngày 8-3 là 270 tấn, trong đó trái cây là 137 tấn và rau, củ là 133 tấn. Nhiều tiểu thương tại chợ Đống Đa đã ký đơn hàng cung ứng thêm gạo và mì tôm, dự kiến nguồn hàng sẽ về chợ trong vài ngày tới.
Khẳng định nguồn cung hàng hóa trên địa bàn đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của người dân, theo ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công thương, cho biết đơn vị đã làm việc với các nhà phân phối, các trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ trên địa bàn đã chuẩn bị đầy đủ lực lượng hàng hóa để đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách. Hiện nay, tình hình kinh doanh tại các chợ trên địa bàn thành phố, lượng hàng hóa trái cây, rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm nhập về các chợ dồi dào, giá cả bình ổn.
Chiều 8-3, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh ký ban hành Công văn số 1345/UBND-SCT về việc tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân hạn chế mua, tích trữ lương thực, thực phẩm phòng chống Covid-19. Công văn yêu cầu các Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19 của các sở, ngành, UBND các quận, huyện, phường, xã trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tăng cường phát huy vai trò trách nhiệm trong việc thực hiện công tác tuyên truyền, thông báo đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn quản lý phải giữ tâm lý bình tĩnh, không hoang mang vì tại thành phố Đà Nẵng luôn có đủ nguồn hàng hóa tiêu dùng, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn thành phố; khuyến cáo người dân không cần thiết phải mua tích trữ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm với số lượng lớn. UBND thành phố giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục làm việc với các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ trên địa bàn về thực hiện kế hoạch dự trữ hàng hóa và bảo đảm cung cấp đủ cho người dân cũng như công tác phòng, chống Covid-19. Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giá cả, xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, đầu cơ, tăng giá, bán hàng không niêm yết giá hoặc bán hàng không theo giá niêm yết các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của người dân. KHÁNH HÒA |
Giá thịt heo tăng mạnh Ghi nhận vào ngày 8-3, giá thịt heo thành phẩm tại các chợ lớn trên địa bàn thành phố tăng trở lại sau vài ngày hạ nhiệt, mức giá dao động tăng từ 10.000 -20.000 đồng/kg. Cụ thể, giá thịt mông, vai tăng từ 160.000 đồng/kg lên 190.000 đồng/kg, ba chỉ và sườn non từ 180.000 đồng/kg lên 220.000 đồng/kg, xương cốt lết từ 160.000 đồng lên 190.000 đồng/kg; thịt bò loại 1 từ 230.000 đồng/kg tăng lên 250.000 đồng/kg. |
KHÁNH HÒA