Sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn

.

Nhằm thúc đẩy nông nghiệp - nông thôn phát triển theo định hướng của Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 24-1-2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố đang tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Đặc biệt, việc quy hoạch, xây dựng thêm các vùng sản xuất nông nghiệp an toàn, ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích gần 500ha được xem là “mũi đột phá” gia tăng giá trị sản xuất trong giai đoạn 2021-2030.

Hộ nông dân đầu tư sản xuất hoa treo ứng dụng công nghệ cao ở xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang. 				       Ảnh: HOÀNG HIỆP
Hộ nông dân đầu tư sản xuất hoa treo ứng dụng công nghệ cao ở xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Hiện ngành sản xuất nông nghiệp của thành phố đã có nhiều chuyển biến theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, phát triển nông nghiệp chủ lực, đặc trưng phục vụ du lịch và đô thị. Đến nay, ngành đã xây dựng và phát triển hơn 280ha sản xuất lúa, nếp theo hướng hữu cơ; 56,22ha sản xuất chuyên canh rau tập trung; 10,5ha sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao…

Cùng với đó, hình thành 3 vùng trồng dưa hấu với tổng diện tích 35ha, 1 vùng chuyên trồng ớt với diện tích 3,6ha, các vùng chuyên canh hoa tập trung với tổng diện tích 22ha; hiện có 11 hợp tác xã, tổ hợp tác với 252 hộ sản xuất nấm…

Hầu hết, các diện tích sản xuất nông nghiệp này đều ở huyện Hòa Vang. Nông dân đã đưa vào sản xuất các giống cây trồng, vật nuôi mới như: ớt chuông, dưa lưới, dưa vàng, cải bó xôi, các loại hoa treo, hoa thảm, nấm milky, nấm linh chi, cá leo, các thác lác, cá dìa… cho chất lượng tốt và năng suất cao.

Ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho hay, từ năm 2016, huyện đã xây dựng và triển khai đề án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp phục vụ đô thị.

Nhiều chủ trương, chính sách được ban hành góp phần thu hút các hộ dân, doanh nghiệp tham gia vào sản xuất và hình thành nhiều diện tích, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ trong sản xuất trên địa bàn huyện đã đạt kết quả khá tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu và tiềm năng lợi thế của huyện.

Những mô hình này thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại, giúp người nông dân dần dần hình thành được tư duy về thị trường, tiếp cận công nghệ mới ứng dụng vào sản xuất.

Ông Đặng Phú Hành đánh giá, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp tuy có bước phát triển khá, song vẫn còn nhiều hạn chế. Việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều, dù đã có chính sách thu hút và kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao (do thủ tục pháp lý đất đai còn nhiều phức tạp). Cạnh đó, đầu tư nông nghiệp có nhiều rủi ro, vốn lớn nên chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư.

Huyện Hòa Vang đang tiếp tục triển khai thực hiện đề án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao kết hợp với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; chỉ đạo tổ chức sản xuất có hiệu quả, mở rộng diện tích và tăng cường liên kết tiêu thụ các loại nông sản: rau, hoa, nấm, gạo hữu cơ; đẩy mạnh đưa ứng dụng công nghệ tưới, nhà màng trong sản xuất rau, hoa, nấm tại các vùng sản xuất chuyên canh; chú trọng ứng dụng công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch...

Bên cạnh đó, huyện Hòa Vang tiếp tục kiến nghị thành phố hoàn thành quy hoạch chi tiết các vùng nông nghiệp công nghệ cao và tháo gỡ các vướng mắc về đất đai, có thêm cơ chế, chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, các ngành, địa phương liên quan đã triển khai kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhưng các dự án vẫn chưa thực hiện được do vướng mắc về công tác quy hoạch và các thủ tục liên quan đến đất đai.

Để tháo gỡ vướng mắc này và thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tập trung, quy mô lớn, hiện thành phố đang xem xét thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) với tổng diện tích 140ha và có thể mở rộng diện tích khi có nhu cầu.

Các nông dân cũng đã đưa vào sản xuất các giống cây trồng mới, nhất là dưa lưới và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, cho hiệu quả kinh tế cao.  Ảnh: HOÀNG HIỆP
Các nông dân cũng đã đưa vào sản xuất các giống cây trồng mới, nhất là dưa lưới và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong năm 2020, Sở sẽ tập trung tham mưu, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, đầu tư hạ tầng vùng, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, vùng sản xuất theo hướng hữu cơ. Đồng thời, tiếp tục tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Hiện nay, Sở đang tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố ban hành nghị quyết mới về chính sách khuyến khích đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn. Trong khi đó, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay, hiện đơn vị đang tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy tập trung đất đai, tạo quỹ đất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn thành phố.

UBND thành phố đã phê duyệt quy hoạch chi tiết vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp an toàn và ứng dụng công nghệ cao tại xã Hòa Khương và Hòa Phong với tổng diện tích 16,2ha; đang lập quy hoạch chi tiết vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Hòa Phú với diện tích 20,9ha và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Hòa Khương với diện tích 25,4ha. Ngoài ra, thành phố đang lập quy hoạch chi tiết khu chăn nuôi tập trung tại xã Hòa Khương với diện tích 10,9ha, vùng chăn nuôi tập trung tại xã Hòa Bắc với diện tích 230ha và vùng nuôi tôm Trường Định (xã Hòa Liên) với diện tích 50ha…

HOÀNG HIỆP

 
;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.