Thanh niên nông thôn khởi nghiệp

.

Thực hiện phong trào tuổi trẻ Hòa Vang chung tay xây dựng nông thôn mới, nhằm đồng hành với thanh niên trong khởi nghiệp, Huyện Đoàn Hòa Vang đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa để hỗ trợ thanh niên, những người có nhu cầu làm giàu trên quê hương mình. Trong những năm qua, đã có một số mô hình khởi nghiệp bước đầu đem lại hiệu quả.

Trang trại nấm bào ngư của anh Phan Văn Hiếu. Ảnh: MAI HIỀN
Trang trại nấm bào ngư của anh Phan Văn Hiếu. Ảnh: MAI HIỀN

Trang trại nấm bào ngư của anh Phan Văn Hiếu (sinh năm 1980, ngụ thôn Hiền Phước, xã Hòa Liên), là một trong những mô hình thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu của xã. Anh Hiếu cho hay, trước đây vợ chồng anh làm công nhân, con cái đều đang tuổi ăn học nên thu nhập chỉ đủ sống.

Năm 2016, 2 bạn Bí thư Đoàn thôn, Bí thư Đoàn xã giới thiệu anh tham gia chương trình “Tư vấn hướng nghiệp cho đoàn viên thanh niên (ĐVTN)” do Huyện Đoàn Hòa Vang phối hợp cùng UBND huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức. Sau lần ấy, anh được hỗ trợ học kỹ thuật trồng nấm bào ngư trong 4 tháng rồi bắt tay vào khởi nghiệp với số vốn ban đầu 40 triệu đồng được anh vay mượn từ những người quen.

Sau 4 năm, từ một trang trại khiêm tốn vỏn vẹn khoảng 100m2, hiện trang trại nấm bào ngư của anh Hiếu đã có 7 nhà lưới, mỗi nhà có diện tích khoảng 50m2 với 2 nhà lưới dùng để cấy phôi nấm, 5 nhà lưới dùng để treo bịch phôi nấm và 1 lò hấp tiệt trùng phôi nấm. Tổng số tiền đầu tư trang trại đến nay khoảng 300 triệu đồng.

Anh Hiếu chia sẻ: “Năm đầu tiên trồng nấm bào ngư tôi lỗ khoảng 20 triệu đồng. Thế là tôi quyết định đi tham quan một số trại nấm lớn để học hỏi cách làm của họ. Từ năm thứ hai đến nay, tôi bắt đầu có lợi nhuận. Hiện tại, mỗi tháng tôi thu về trung bình khoảng 10 triệu đồng”.

Vào năm 2019, trong khuôn khổ chương trình thanh niên khởi nghiệp, Đoàn xã tham mưu đề xuất huyện và anh Hiếu đã được hỗ trợ 50 triệu đồng. Với số tiền hỗ trợ này, mỗi năm anh sản xuất khoảng 15.000 bịch phôi nấm. Mỗi bịch phôi cho ra khoảng 5 lạng nấm. Sắp tới, anh sẽ mở rộng sản xuất lên khoảng 30.000 đến 50.000 bịch phôi nấm.

Ngoài ra, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp cũng được anh Hiếu chú trọng. Hiện anh áp dụng hệ thống phun sương siêu âm để tạo nhiệt độ ổn định trong nhà lưới, bảo đảm sự phát triển cho cây nấm. Trong thời gian đến, anh Hiếu sẽ đầu tư thêm hệ thống tưới tiêu tự động.

Còn tại thôn Trường Định (xã Hòa Liên), anh Lê Văn Hưng (sinh năm 1992) cũng đã bắt đầu khởi nghiệp với việc chăn nuôi gà từ năm 2010. Anh Hưng cho biết: “Sau khi quyết định nghỉ việc ở một cơ sở chuyên sản xuất cà-phê, tôi vay vốn ngân hàng 50 triệu đồng để đầu tư nuôi gà và một ít cá, đây cũng là đam mê từ nhỏ của tôi. Tôi đầu tư chuồng trại, đào ao hết gần 35 triệu đồng, số còn lại dùng để lấy giống về nuôi nhưng đến lúc gà chuẩn bị xuất chuồng thì gặp bão.

Năm ấy, tôi mất trắng. Vừa chán, vừa hết tiền đầu tư, tôi dừng mô hình rồi đi làm công nhân ở khu công nghiệp Hòa Khánh. Đến tháng 6-2018, tôi quyết định đầu tư tiếp vào mô hình này. May mắn là chỉ sau 4 tháng, tôi bắt đầu có lợi nhuận. Hiện tại, mỗi tháng, thu nhập của tôi tầm 6 triệu đồng”.

Gần 2 năm trôi qua, hiện trang trại của anh Hưng đã có được 3 chuồng gà với tổng diện tích 700m2, mỗi chuồng thả 400 con; 2 ao cá có diện tích khoảng 1.000m2 nuôi cá chim trắng, cá trắm. Ngoài ra, anh Hưng còn nuôi thêm 2 con bò và được huyện hỗ trợ 1 cặp dê vào năm 2019.

Đặc biệt, từ đầu năm 2019, trang trại của anh Hưng liên kết với một trang trại gà ở Hòa Sơn, được trang trại này chuyển giao phương pháp nuôi và bảo đảm đầu ra theo giá thị trường. Anh Hưng chia sẻ: “Tôi chỉ mới đi được 1/5 kế hoạch ban đầu thôi nên trước mắt chắc chắn còn nhiều thách thức”. Đầu năm 2020, anh Hưng được huyện hỗ trợ 20 triệu đồng. Hiện tại, ngoài chăn nuôi, anh còn tranh thủ đi làm bảo vệ tại Nhà máy Coca-Cola Đà Nẵng.

Chị Nguyễn Thị Giang Thủy, Bí thư Huyện Đoàn Hòa Vang cho biết: “Nhiều năm qua, thực hiện phong trào tuổi trẻ Hòa Vang chung tay xây dựng nông thôn mới, nhằm đồng hành cùng thanh niên trong khởi nghiệp, Huyện Đoàn Hòa Vang đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa để hỗ trợ thanh niên, những người có nhu cầu làm giàu chính đáng trên quê hương mình.

Hằng năm, Huyện Đoàn phối hợp với UBND huyện và các ban, ngành tổ chức chương trình tọa đàm, tư vấn hướng nghiệp cho ĐVTN. Thông qua hoạt động này nhằm phát hiện những thanh niên đã, đang và sẽ có ý định khởi nghiệp để nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng, kịp thời giải đáp thắc mắc và hỗ trợ các dự án khởi nghiệp về kiến thức, kỹ thuật, cơ sở vật chất, vốn…

Trong những năm qua, đã có một số mô hình khởi nghiệp bước đầu đem lại hiệu quả như: mô hình trồng nấm (tại các xã Hòa Liên, Hòa Khương), mô hình nuôi heo, vịt (xã Hòa Liên), trồng rau sạch, nuôi ếch (xã Hòa Phước)… Bên cạnh việc hỗ trợ những dự án đã và đang triển khai, Huyện Đoàn cũng tiến hành trao sinh kế làm cơ sở ban đầu cho ĐVTN có hoàn cảnh khó khăn lấy động lực vươn lên thoát nghèo bằng những hoạt động cụ thể như: hỗ trợ đàn gà giống, heo giống và vườn cây ăn trái”.

Tuy nhiên, hiện nay, do nhu cầu đi làm ăn xa của thanh niên ngày càng lớn, các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho ĐVTN còn qua nhiều khâu, nhiều bước nên việc giữ chân những thanh niên có chí hướng ở lại đóng góp cho quê hương ngày càng khó khăn hơn, đó là thách thức lớn cho các tổ chức Đoàn trong công tác hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.

Chị Giang Thủy chia sẻ: “Bằng mọi nỗ lực, quyết tâm và sự cố gắng, Huyện Đoàn chú trọng phát huy những yếu tố sáng tạo trong khởi nghiệp cho ĐVTN và tăng cường công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể nhằm định hướng cho ĐVTN trong lập thân lập nghiệp, là cầu nối trung gian kết nối các đơn vị hỗ trợ về tập huấn, nguồn vốn và đầu ra cho các mô hình khởi nghiệp của thanh niên”.

MAI HIỀN

 

 
;
;
.
.
.
.
.