Doanh nghiệp 'xoay chuyển' để vượt qua khó khăn

.

Trước tác động, ảnh hưởng rất lớn từ Covid-19, để tiếp tục duy trì sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng bằng cách đưa ra sản phẩm mới, cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm hiện có, kịp thời thích ứng với các thay đổi trong thói quen tiêu dùng của người dân. 

Thời điểm sau Tết Nguyên đán luôn được xem là mùa thấp điểm do người tiêu dùng đã mua sắm từ trước đó và năm nay, cộng thêm việc bùng phát Covid-19 thì ngành thời trang về quần áo, giày dép giảm doanh thu chưa từng có.

Ông Phan Hải, Giám đốc Công ty TNHH Giày BQ cho biết, trong lúc thu nhập của người dân bị ảnh hưởng thì tất yếu việc mua sắm áo quần, giày dép… cũng sẽ bị cắt giảm. Bên cạnh đó, người dân cũng hạn chế ra ngoài để phòng, chống dịch bệnh nên doanh thu bán lẻ tại các cửa hàng BQ giảm đến 50%.

Trước tình hình đó, BQ đẩy mạnh tương tác, bán hàng qua các kênh trực tuyến giúp doanh thu bán hàng trực tuyến tăng khoảng 30%. Tuy không tránh khỏi thiệt hại, nhưng đơn vị vẫn cố gắng cân đối chi phí và chủ động nguồn cung nguyên liệu để tìm kiếm thêm nhiều đối tác mới phân phối sản phẩm trong cả nước.

Cũng chịu ảnh hưởng nặng nề vì Covid-19 với doanh thu giảm tới 50%, anh Hồ Đức Tiến, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà-phê Mayaca chia sẻ, trước nay, công ty chỉ chú trọng việc phân phối sản phẩm tới các quán cà-phê, chưa tính toán đến việc đưa sản phẩm vào siêu thị, đại lý, do đó, khi hàng loạt các quán giải khát phải đóng cửa do ảnh hưởng của dịch cũng là lúc doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn hơn. “Trong thời gian các quán cà-phê đóng cửa, Mayaca phải nghiên cứu thị trường để chọn chiến lược kinh doanh sao cho phù hợp, qua đó, chúng tôi nhận thấy không ít người vẫn duy trì thói quen uống cà-phê tại nhà nhưng phải mất nhiều thời gian pha chế.

Theo đó, giữa tháng 4 vừa qua, chúng tôi đã đưa ra thị trường sản phẩm cà-phê đậm đóng chai, có thể bảo quản tủ lạnh nhiều ngày để uống dần và pha chế theo sở thích. Còn đối với những khách hàng vẫn muốn uống cà-phê phin truyền thống thì chúng tôi cũng đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi trên các sàn giao dịch thương mại điện tử và giao hàng tận nhà miễn phí để thu hút khách hàng”, anh Hồ Đức Tiến cho hay.

Trong khi đó, Công ty TNHH Sản xuất, chế biến, kinh doanh và xuất nhập khẩu Hương Quế (Công ty Hương Quế) đã sớm nhận thấy nhu cầu của thị trường ngay từ đầu tháng 2 khi Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên đã nghiên cứu và sản xuất khẩu trang y tế kháng khuẩn Hương Quế, có thể giặt và tái sử dụng 3-5 lần.

Từ ngày 7-3 đến nay, Hương Quế đã xuất khẩu 4 lô hàng với 110.000 khẩu trang sang thị trường EU và 420.000 khẩu trang phục vụ nhu cầu trong nước và đặt mục tiêu sản xuất khẩu trang 1 triệu chiếc/tháng. “Nếu không tính đến việc sản xuất khẩu trang, doanh thu từ mặt hàng trước đây giảm trung bình 50%, có thể kể đến là cung cấp sản phẩm cho các hệ thống khách sạn, resort trong cả nước giảm 43%, siêu thị giảm 70% và xuất khẩu ra nước ngoài giảm 50%. Nhờ “xoay chuyển” kịp thời, công ty tôi vẫn duy trì được việc làm cho 70 lao động và doanh thu vẫn giữ như thời điểm chưa bùng phát dịch”, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty Hương Quế cho biết.

Có thể thấy, các doanh nghiệp đã và đang thay đổi, tìm hướng đi mới trong thời điểm khó khăn là cách “tự cứu mình” trước tiên. Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - chi nhánh Đà Nẵng nhận định, nguồn cung nước ngoài hạn chế trong thời điểm này chính là cơ hội để các sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước được biết đến nhiều hơn tại thị trường nội địa. Ngoài ra, các doanh nghiệp phải tìm kiếm các thị trường xuất khẩu ở một số khu vực khác như Trung Đông, châu Âu để thay thế.

Tuy nhiên, ngoài những doanh nghiệp đã có quản trị rủi ro hay chủ động thích nghi, còn rất nhiều doanh nghiệp hiện đang “loay hoay” giải bài toán về nguồn nguyên liệu đầu vào hay sản xuất ra sản phẩm nhưng không có đầu ra… nên rất cần có sự thay đổi mạnh mẽ thì mới duy trì được tốc độ tăng trưởng.

MAI QUẾ

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.