Startup cần biến "nguy" thành "cơ"

.

Covid-19 đang ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp, trong đó có startup. Làm thế nào để hạn chế những tác động xấu, thậm chí biến khó khăn thành đòn bẩy để startup bứt phá? Trao đổi với Báo Đà Nẵng, ông Lý Đình Quân, Tổng Giám đốc Trung tâm ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn, cho biết nếu được hỗ trợ và biết cách xử lý khủng hoảng, các startup sẽ có thể bứt phá sau dịch.

Trong giai đoạn này, các startup nên tìm cách liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp lớn để tiếp cận thị trường.  Ảnh: KHANG NINH
Trong giai đoạn này, các startup nên tìm cách liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp lớn để tiếp cận thị trường. Ảnh: KHANG NINH

Ông Lý Đình Quân cho rằng, từ một khủng hoảng y tế, Covid-19 đang ảnh hưởng lớn đến kinh tế và xã hội, làm tê liệt hoạt động của nhiều doanh nghiệp. Trong thời điểm này, việc thực hiện nghiêm quy định hạn chế đi lại, giãn cách xã hội là ưu tiên hàng đầu để bảo đảm sức khỏe cho người dân. Trong bối cảnh đó, các startup Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung đều gặp khó khăn chưa từng thấy cả về quy mô và mức độ nghiêm trọng.

* Vậy các startup Đà Nẵng đang gặp những khó khăn gì trong thời điểm Covid-19?

- Theo tôi, các yếu tố chính tác động đến startup Đà Nẵng gồm: Thứ nhất, doanh thu gần như về 0 trong khi chi phí vẫn phải trả, đặc biệt là các chi phí vận hành cố định như chi phí văn phòng, tiền lương, các khoản chi phí nhân sự, bảo hiểm xã hội. Thứ hai, dòng tiền lưu thông suy giảm đột ngột, phá vỡ tất cả các kế hoạch trước đây của startup cho năm 2020 và những năm tiếp theo.

Thứ ba, các nhà đầu tư cũng gặp khó khăn và họ thận trọng hơn khi rót vốn. Họ sẽ đánh giá và soát xét kỹ hơn cho từng trường hợp đầu tư. Thứ tư, tinh thần khởi nghiệp có thể suy giảm bởi các nhà sáng lập chưa có nhiều kinh nghiệm và năng lực giải quyết khủng hoảng. Thứ năm, hệ sinh thái khởi nghiệp chưa thật sự hoàn thiện, chưa đủ năng lực hỗ trợ hiệu quả. Bản thân các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp cũng gặp khó khăn nên chưa thể hỗ trợ đầy đủ nguồn lực cho startup.

* Khó khăn là vậy, song theo ông, các startup có thể biến “nguy” thành “cơ” được không? Họ nên làm thế nào để không bị gục ngã bởi Covid-19?

- Dù có khó khăn, nhưng tôi nghĩ các startup có nhiều lợi thế lớn trong giai đoạn này, thậm chí cơ hội còn lớn hơn thách thức. Hầu hết các startup phát triển dựa trên tài sản trí tuệ, mô hình kinh doanh tinh gọn, năng lực công nghệ và văn hóa kết nối. Họ có tinh thần doanh nhân tốt, chi phí vận hành thấp, độ linh hoạt cao nên sẽ hồi phục nhanh. Nếu biết cách xử lý khủng hoảng, các startup có thể bứt phá sau dịch để chinh phục mục tiêu của mình nhanh hơn.

Một số hành động có thể thực hiện giai đoạn này của startup: hủy bỏ hết các kế hoạch phát triển năm 2020 và các năm tiếp theo bởi hành vi tiêu dùng, thị trường, các định hướng chính sách vĩ mô... sẽ thay đổi lớn sau Covid-19. Trong thời điểm này, các startup chỉ cần xây dựng kịch bản phát triển bám sát với thực tế hằng tháng, hằng quý hoặc tối đa là nửa năm. Thêm đó là cần kiểm soát chặt chẽ dòng tiền, tinh giảm tối đa nguồn lực và hoạt động để phù hợp kịch bản phát triển mới. Hơn nữa cần tăng cường các hoạt động kết nối, hợp tác để giảm chi phí và nâng cao năng lực. Cấu trúc lại doanh nghiệp theo hướng tinh gọn hơn, hoàn thiện quy trình vận hành doanh nghiệp và đào tạo nội bộ. Đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ vào quản lý, kinh doanh, từ đó đẩy nhanh việc chuyển đổi số.   

Bên cạnh đó, nhà sáng lập phải chia sẻ và tìm cách giữ lửa, khích lệ các thành viên duy trì tinh thần khởi nghiệp, vượt qua khó khăn. Tiếp đến phải tìm cách liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp lớn để tiếp cận thị trường. Nếu làm được điều này trong thời điểm Covid-19, startup sẽ dễ dàng bứt phá sau khi dịch kết thúc. Đặc biệt, hiện tại Chính phủ đã có các giải pháp hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, từ hoãn thuế, giảm lãi suất vay cho đến hỗ trợ người lao động mất việc.... Các startup nên tìm hiểu các giải pháp này, tận dụng mọi nguồn hỗ trợ phù hợp. Cuối cùng là đối với các startup ở giai đoạn đầu, quy mô nhỏ, chưa gọi được vốn, thiếu năng lực và nguồn lực, không thể trụ nổi thì có thể chọn phương án “đóng băng”. Trong thời gian này, hãy tích cực học hỏi, nghiên cứu, hoặc thay đổi mô hình kinh doanh cho phù hợp, hợp tác, liên kết để phát triển.  

* Theo ông, chính quyền và các vườn ươm có thể hỗ trợ gì cho startup trong giai đoạn này?

- Tôi nghĩ khủng hoảng kinh tế do Covid-19 chính là động lực thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam theo hướng bền vững, trong đó đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển lực lượng doanh nghiệp tư nhân. Vì vậy, Đà Nẵng cần đẩy nhanh việc nâng cao năng lực hệ sinh thái khởi nghiệp để hỗ trợ cho khởi nghiệp, đón đầu một làn sóng khởi nghiệp mới sau dịch..

Đối với các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, vườn ươm, cần tiếp tục kết nối, giới thiệu nhiều startup đến cộng đồng doanh nhân để giúp họ tiếp cận thị trường, nâng cao năng lực xử lý khủng hoảng, bồi dưỡng kiến thức kinh doanh… Điều này có thể thực hiện thông qua các diễn đàn trực tuyến hoặc các nhóm tương tác trực tuyến.   

Về phía Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn, hiện tại và trong 3 tháng đến, chúng tôi đang triển khai 4 hoạt động: hợp tác với Công ty CP Công nghệ Sun Asterisk (Hà Nội) triển khai ươm tạo các ý tưởng công nghệ; tư vấn trực tuyến và chuyển giao tri thức hệ sinh thái khởi nghiệp cho các địa phương và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp khác trên cả nước; phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) để tư vấn và giúp các startup giải quyết khó khăn thông qua các diễn đàn trực tuyến; hỗ trợ các startup trưởng thành tiếp cận thị trường Đà Nẵng và miền Trung nhằm cung cấp giải pháp công nghệ hiệu quả cho cộng đồng.

* Xin cảm ơn ông!

KHANG NINH (thực hiện)

;
;
.
.
.
.
.