Động lực phát triển kinh tế sau Covid-19 từ bất động sản công nghiệp

.

Dù chịu tác động bởi Covid-19, song doanh nghiệp nước ngoài vẫn duy trì hoạt động đầu tư, thuê nhà xưởng trong Khu Công nghệ cao Đà Nẵng để sản xuất, cho thấy thị trường bất động sản công nghiệp đang có tiềm năng phát triển. Hiện trên địa bàn thành phố cũng triển khai nhiều dự án hạ tầng khu công nghiệp, qua đó giúp thúc đẩy phát triển kinh tế sau Covid-19.

Hạ tầng Khu Công nghệ thông tin tập trung giai đoạn 1 do Công ty CP Phát triển Khu Công nghệ thông tin Đà Nẵng (DITP) đầu tư được xác định là nguồn bất động sản công nghiệp có tiềm năng ở thành phố.										 	                               Ảnh: TRIỆU TÙNG
Hạ tầng Khu Công nghệ thông tin tập trung giai đoạn 1 do Công ty CP Phát triển Khu Công nghệ thông tin Đà Nẵng (DITP) đầu tư được xác định là nguồn bất động sản công nghiệp có tiềm năng ở thành phố. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Tín hiệu tích cực trong đầu tư phát triển xã hội ở thành phố khi diễn biến Covid-19 vẫn còn phức tạp là có sự dịch chuyển nguồn vốn đầu tư phát triển. Theo Cục Thống kê thành phố, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố, nguồn vốn đầu tư phát triển xã hội có sự dịch chuyển giảm tỷ trọng vốn đầu tư Nhà nước và ngoài Nhà nước sang tăng tỷ trọng vốn đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, quý 1-2020, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt trên 7.000 tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư Nhà nước trên 1.200 tỷ đồng (giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái); vốn đầu tư ngoài Nhà nước chiếm trên 4.000 tỷ đồng (giảm 23%).

Tuy nhiên, vốn đầu tư nước ngoài đạt giá trị gần 1.800 tỷ đồng (tăng 92% so với cùng kỳ năm ngoái). Cục Thống kê thành phố cho rằng, nguyên nhân của sự dịch chuyển trên là do trong những tháng đầu năm, công tác phân bổ vốn đầu tư từ nguồn vốn Nhà nước còn chậm và việc lập hồ sơ dự án, giải phóng mặt bằng còn kéo dài thời gian cùng những tác động đến từ Covid-19.

Vào cuối tháng 3-2020, Công ty CP Long Hậu (LHC) đã tiến hành ký kết hợp đồng cho thuê nhà xưởng J401 với diện tích hơn 6.000m2 tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng với Công ty TNHH Giải pháp an toàn tự động Hatsuta (Nhật Bản) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp thiết bị chữa cháy, đồng hồ đo áp suất với vốn đầu tư 5,13 triệu USD. Tiếp đó, Công ty CP Phát triển Khu Công nghệ thông tin (CNTT) Đà Nẵng (DITP) điều hành thi công khớp nối hạ tầng kỹ thuật hạng mục giao thông phục vụ Khu CNTT tập trung Đà Nẵng - giai đoạn 1.

Ông Lâm Quang Bình, nhà tư vấn đầu tư tại thành phố nhận định sau “khủng hoảng” trong sản xuất, kinh doanh bởi Covid-19, doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ cấu trúc lại hoạt động từ nội lực lẫn các gói tài chính hỗ trợ doanh nghiệp phát triển ở các quốc gia. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng các phương án tái cấu trúc nền kinh tế, đây là tín hiệu tích cực để BĐS công nghiệp là điểm đến thu hút dòng vốn lớn đầu tư trong và ngoài nước.

“Những thành công trong việc kiềm chế, ngăn chặn Covid-19 của Việt Nam lan tỏa trong cộng đồng quốc tế, đưa Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn”, ông Lâm Quang Bình nói thêm. Theo ông Bình, các nhà đầu tư hiện cũng ngần ngại đầu tư vào những dự án chưa có mặt bằng sạch, chưa có hạ tầng kỹ thuật mà tập trung lựa chọn đầu tư thông qua việc thuê nhà xưởng, đất sản xuất tại các khu công nghiệp đã hoàn thiện hạ tầng.

Việc đầu tư này mang lại hiệu quả về thời gian và chi phí cho các nhà đầu tư; tối đa hóa việc sử dụng tài nguyên phát triển; sự bền vững trong phát triển cơ sở hạ tầng. Covid-19 không phải là vấn đề mang tính cấu trúc hay chu kỳ nên thực tế không ảnh hưởng nhiều đến BĐS công nghiệp và các doanh nghiệp trong và ngoài nước vẫn không ngần ngại đổ vốn đầu tư.

Báo cáo từ Công ty Nghiên cứu thị trường BĐS trong nước và quốc tế nhìn nhận Đà Nẵng đang là đầu mối từ các tuyến đường cao tốc; việc đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu, nâng cấp nhà ga T3 sân bay quốc tế Đà Nẵng sẽ thúc đẩy sự phát triển công nghiệp, trong đó BĐS công nghiệp là phân khúc nhiều tiềm năng phát triển.

Đánh giá về tiềm năng phát triển BĐS công nghiệp năm 2020, ông Trương Đình Đức, Tổng Giám đốc Công ty VietGroup nhận định, phân khúc này sẽ là lĩnh vực phát triển nóng trong kỳ cuối năm 2020 và những năm tiếp theo, bởi giai đoạn này Việt Nam đã và đang tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (FTA) đã được ký kết trong năm 2019. Việt Nam cũng có cơ hội thu hút nguồn vốn đầu tư FDI từ các hiệp định, trong đó Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu tại Việt Nam thông qua việc gỡ bỏ 99% thuế quan với hàng hóa.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc các cụm, khu công nghiệp của Việt Nam ngày càng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư, qua đó thúc đẩy nhu cầu đối với BĐS công nghiệp trong nước cũng như thành phố Đà Nẵng.

Phát triển bất động sản công nghiệp cũng thúc đẩy phát triển đô thị phía tây bắc thành phố. TRONG ẢNH: Phối cảnh các công trình hạ tầng đô thị phụ trợ chuẩn bị được Công ty CP Phát triển Khu Công nghệ thông tin Đà Nẵng (DITP) đầu tư trong năm 2020-2021. 	               Ảnh: TRIỆU TÙNG
Phát triển bất động sản công nghiệp cũng thúc đẩy phát triển đô thị phía tây bắc thành phố. TRONG ẢNH: Phối cảnh các công trình hạ tầng đô thị phụ trợ chuẩn bị được Công ty CP Phát triển Khu Công nghệ thông tin Đà Nẵng (DITP) đầu tư trong năm 2020-2021. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Theo ông John Campbell, tư vấn cấp cao dịch vụ công nghiệp Savills Việt Nam, BĐS công nghiệp phát triển tác động tích cực và trực tiếp đến các thị trường khác như nhà ở, văn phòng cho thuê... Các tập đoàn đa quốc gia sẽ đem theo một đội ngũ rất lớn chuyên gia, người lao động đến khu vực mà họ đặt nhà máy, văn phòng làm việc, từ đó các phân khúc này được dự báo sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới.

Ở thành phố, việc đầu tư phát triển BĐS công nghiệp từ nhiều nguồn. Trong khi Công ty CP Long Hậu đầu tư trên 1.000 tỷ đồng vào các dự án nhà xưởng tại Khu Công nghệ cao, thì Công ty CP Phát triển Khu CNTT Đà Nẵng (DITP) đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng vào dự án đầu tư hạ tầng, phát triển các BĐS nhà ở đô thị cho chuyên gia có diện tích giai đoạn 1 là 131ha.

Ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch HĐQT DITP, đã đề nghị UBND thành phố sớm chỉ đạo các đơn vị liên quan hoàn tất các thủ tục để công ty triển khai giai đoạn 2 dự án, tạo động lực cho thu hút đầu tư sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững cho địa phương. Bên cạnh đó, theo ông Thịnh, cần nâng cao chất lượng hạ tầng, nguồn nhân lực, nâng cao năng lực cạnh tranh từ việc phát triển hạ tầng, công nghiệp phụ trợ để thu hút BĐS công nghiệp; thúc đẩy phát triển đô thị phía tây bắc thành phố.

Về nguồn lực đầu tư công, thành phố sớm triển khai đầu tư các khu công nghiệp Hòa Cầm mở rộng, Hòa Nhơn, Hòa Ninh và các cụm công nghiệp nhỏ. Từ đây, tháo gỡ vướng mắc, tạo bước tiến mới trong việc cung cấp mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó gắn đầu tư hạ tầng với việc xây dựng nhà xưởng đúng chuẩn, hiện đại, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.

Trong kế hoạch phát triển, thành phố vừa đưa vào nội dung lập điều chỉnh quy hoạch chung trên 102 ha để lập dự án Khu công nghiệp hỗ trợ Khu Công nghệ cao Đà Nẵng và đề xuất Chính phủ cho phép thành phố đầu tư dự án theo đầu tư công.

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.