Những mục tiêu phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

.

Tại phiên họp thứ 44 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 20 đến 28-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến vào dự thảo nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Dự thảo nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phân cấp cho thành phố về công tác quy hoạch, huy động vốn đầu tư, tài chính- ngân sách để phát triển. Trong ảnh: Không gian đô thị vệt ven biển quận Sơn Trà.Ảnh: TRIỆU TÙNG
Dự thảo nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phân cấp cho thành phố về công tác quy hoạch, huy động vốn đầu tư, tài chính- ngân sách để phát triển. Trong ảnh: Không gian đô thị vệt ven biển quận Sơn Trà.Ảnh: TRIỆU TÙNG

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Phước Sơn cho biết, thời gian qua Thành ủy, HĐND, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố đã chỉ đạo sát sao công tác chuẩn bị xây dựng dự thảo nội dung nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, các bộ, cơ quan liên quan và UBND thành phố Đà Nẵng xây dựng dự thảo nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Chính phủ cho ý kiến và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV theo quy trình một kỳ họp.

Mặc dù được Chính phủ đồng ý xây dựng theo trình tự thủ tục rút gọn nhưng Bộ KH&ĐT vẫn chủ động thực hiện theo quy trình thủ tục thông thường để đảm bảo chất lượng của hồ sơ nghị quyết khi trình Quốc hội đó là thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập. Xây dựng hồ sơ dự thảo nghị quyết đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và gửi xin ý kiến của 19 bộ, cơ quan ngang bộ.

Đồng thời, tổ chức họp thành viên ban soạn thảo, tổ biên tập và UBND thành phố Đà Nẵng; tổ chức làm việc với đại diện Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và đại diện UBND thành phố Đà Nẵng (Sở KH&ĐT) để hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết cũng như trực tiếp tổ chức tiếp thu giải trình ý kiến góp ý của các bộ, UBND thành phố Đà Nẵng và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.

Theo Bộ KH&ĐT, ngày 16-4, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã chủ trì cuộc họp cho ý kiến đối với dự thảo nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Các Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách thống nhất chủ trương về sự cần thiết phải xây dựng nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng thời, đánh giá hồ sơ dự thảo nghị quyết được xây dựng công phu, đầy đủ các nội dung, thành phần theo đúng quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự thủ tục thông qua tại một kỳ họp.

Cuộc họp đã khẳng định, việc xây dựng Nghị quyết phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 bám sát nguyên tắc bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp và tính hệ thống của pháp luật; phù hợp với Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo nghị quyết này, Bộ Chính trị đồng ý về chủ trương “cần có cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng, tạo động lực cho phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước” và “xây dựng và thực hiện Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị phù hợp với yêu cầu phát triển của thành phố và quy định của pháp luật”.

Vì vậy, việc ban hành nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách trong một số lĩnh vực khác so với một số luật hiện hành cho phù hợp với yêu cầu phát triển, quy mô kinh tế - xã hội, trình độ và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội đối với thành phố Đà Nẵng là cần thiết.

Theo Bộ KH&ĐT, nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng được xây dựng trên 4 nguyên tắc: bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp và tính hệ thống của pháp luật; phù hợp với Nghị quyết số 43-NQ/TW, phù hợp với các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết; nghị quyết chỉ quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp, thực sự cần thiết đối với yêu cầu phát triển của thành phố Đà Nẵng thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội; thực hiện việc phân cấp mạnh hơn, nhưng gắn với trách nhiệm của chính quyền thành phố trong một số lĩnh vực như: quy hoạch, huy động vốn đầu tư, tài chính - ngân sách, hỗ trợ phát triển khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu và phát triển; thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị.

 Khu vực đô thị phía tây thành phố là khu trung tâm hỗ trợ sáng tạo gắn kết với các Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung. 							 Ảnh: TRIỆU TÙNG
Khu vực đô thị phía tây thành phố là khu trung tâm hỗ trợ sáng tạo gắn kết với các Khu Công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Dự thảo nghị quyết cũng đẩy mạnh phân cấp, tăng tính tự chủ, tăng trách nhiệm của chính quyền thành phố Đà Nẵng; đồng thời bảo đảm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của các cơ quan Trung ương và địa phương.

Việc thí điểm ban hành các chính sách mới phải có sự đồng thuận của người dân và doanh nghiệp, bảo đảm sự ổn định và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, không ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh.

Nghị quyết cũng xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố Đà Nẵng trên cơ sở huy động đa dạng các nguồn lực xã hội để tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, từng bước giải quyết các thách thức, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới.

Trong đó, quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách trên các lĩnh vực quản lý về quy hoạch, huy động vốn đầu tư, tài chính - ngân sách, hỗ trợ phát triển khởi nghiệp sáng tạo, nghiên cứu, phát triển và thí điểm mô hình chính quyền đô thị đối với thành phố Đà Nẵng.

Trên cơ sở nội dung dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã thống nhất và ban hành Nghị quyết số 24/NQ-CP ngày 4-3-2020 thông qua dự thảo nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Phiên họp thứ 44 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Triển khai thí điểm một số cơ chế, chính sách tạo động lực để Đà Nẵng phát triển nhanh, bền vững hơn

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 44, sáng 24-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các đại biểu cho rằng việc ban hành nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách trong một số lĩnh vực khác so với một số luật hiện hành cho phù hợp với yêu cầu phát triển thành phố Đà Nẵng là cần thiết nhằm tạo điều kiện cho thành phố có thêm cơ hội huy động nguồn lực, tập trung đầu tư, tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, đóng góp lớn hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách chung của cả nước.

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đề xuất cho phép thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng theo hướng xây dựng mô hình tổ chức 1 cấp chính quyền địa phương (cấp thành phố) và 2 cấp hành chính (quận, phường). Theo mô hình này, tổ chức chính quyền cấp thành phố là một cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc lựa chọn thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị là phù hợp với Điều 111 của Hiến pháp, cụ thể hóa quy định Khoản 14, Khoản 17 Điều 2 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đây là mô hình chính quyền mà thành phố Đà Nẵng đã được chọn thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND tại 7 quận, huyện, 45 phường và có kết quả tốt trong giai đoạn 2009-2016, tạo được sự đồng thuận của cán bộ, công chức, viên chức, người dân thành phố.

Bên cạnh đó, bộ máy cơ cấu tổ chức của các quận, phường gọn nhẹ hơn, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn, cơ quan hành chính ở quận, phường tích cực, chủ động điều hành, quyết định nhanh chóng những vấn đề cấp bách của địa phương trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm của mỗi trị trí việc làm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, đại diện cơ quan thẩm tra, cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban tán thành với sự cần thiết ban hành nghị quyết của Quốc hội cho phép Đà Nẵng thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị cũng như cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Đà Nẵng cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng để bảo đảm tính tương quan, tương đồng giữa các thành phố trong cả nước, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ cho việc thực hiện và giám sát.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, Đà Nẵng là địa phương phát triển năng động, là động lực cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Do vậy, cần có cơ chế cho Đà Nẵng phát triển mạnh hơn, phù hợp với vị trí và chiến lược vốn có. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chỉ rõ, diện tích tự nhiên của Đà Nẵng chỉ hơn 1.000 km2, số lượng đơn vị hành chính không nhiều (chỉ có 6 quận, 1 huyện và 1 huyện đảo), dân cư ít, chưa kể đến đặc thù hạ tầng kinh tế - xã hội, tỷ trọng phát triển công nghiệp - dịch vụ - thương mại. Vì thế, việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng là phù hợp.

Tuy vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chư Lưu lưu ý, cần xác định rõ cơ cấu tổ chức bên trong. Mô hình chính quyền đô thị phải có điểm khác, phải được phân cấp, phân quyền; cơ cấu tổ chức bên trong cũng cần xem xét lại để phát huy được tiềm năng, lợi thế của Đà Nẵng. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải quy định ngay trong dự thảo nghị quyết việc giao cho Chính phủ quy định chi tiết chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn ở quận, phường.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng dự thảo nghị quyết cần phân tích rõ hơn những đặc điểm đặc thù của thành phố Đà Nẵng so với các thành phố trực thuộc Trung ương; làm rõ vai trò trung tâm, động lực của cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, tuy Đà Nẵng trước đây đã thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường nhưng hiện nay cũng cần rà soát lại việc này để bảo đảm đúng quy định. Vấn đề ngân sách, thuế, phí cũng cần được xem xét kỹ để không tạo ra sự chênh lệch quá lớn so với mặt bằng chung của cả nước. Ngoài ra, đây là địa bàn đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh. Vì thế, trong nghị quyết cần đánh giá bổ sung thêm về mô hình chính quyền đô thị có thuận lợi, khó khăn gì trong vấn đề bảo đảm quốc phòng - an ninh.              

 TTXVN

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.