Độc đáo từ những chiếc cầu... không bắc qua sông

.

Từ chỗ chỉ có một hai chiếc cầu bắc qua sông sau giải phóng, đến nay thành phố Đà Nẵng đã có hàng chục chiếc cầu nối đôi bờ sông Hàn, sông Cổ Cò, sông Cu Đê… minh chứng cho sự phát triển của thành phố. Bên cạnh đó, còn nhiều chiếc cầu ở Đà Nẵng dẫu không bắc qua sông nhưng giải quyết được nạn ùn tắc giao thông, trở thành điểm tham quan độc đáo, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. 

Những chiếc cầu dù không bắc qua sông nhưng lại góp phần giải tỏa ách tắc giao thông, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. TRONG ẢNH: Cầu vượt khác mức Ngã ba Huế. Ảnh: THÀNH LÂN
Những chiếc cầu dù không bắc qua sông nhưng lại góp phần giải tỏa ách tắc giao thông, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. TRONG ẢNH: Cầu vượt khác mức Ngã ba Huế. Ảnh: THÀNH LÂN

Ấn tượng về kiến trúc  

Mới đây, trang tin tức Insider của Mỹ giới thiệu 28 cây cầu ngoạn mục và ấn tượng nhất thế giới, trong đó, cầu Vàng thuộc khu du lịch Sun World Ba Na Hills tại Đà Nẵng có tên trong danh sách này. Cầu Vàng của Đà Nẵng nằm ở độ cao 1.414m so với mực nước biển với chiều dài gần 150m, bề mặt cầu rộng 12,8m gồm 8 nhịp. Cây cầu có thiết kế độc đáo này được Tập đoàn Sun Group đầu tư xây dựng tại khu du lịch Bà Nà Hills, khai trương tháng 6-2018.

Ngay khi vừa ra mắt, cầu Vàng đã tạo nên sức hút với truyền thông quốc tế với nhiều bài viết đưa tin và ca ngợi cây cầu “độc nhất vô nhị” này. Cầu Vàng này từng được nhật báo The Guardian (Anh) vinh danh trong “Top 10 cây cầu có kiến trúc độc đáo và đẹp nhất thế giới”. Tờ tin tức Huffington Post của Mỹ khẳng định đây là “Cây cầu thú vị nhất từng thấy”…

Tháng 8-2018, chỉ hai tháng sau khai trương, cầu Vàng lọt “Top 100 điểm đến tuyệt vời nhất thế giới 2018” do tạp chí TIME (Mỹ) bình chọn. Cũng nhờ kiến trúc độc đáo, cầu Vàng được đánh giá rất cao trong mắt các kiến trúc sư, thậm chí xếp hạng ngang ngửa với cầu Langkawi Sky (Malaysia), một trong những cây cầu được bình chọn có thiết kế độc đáo và ấn tượng nhất thế giới về độ dài và chiều cao.

Ngày 29-3-2015, đúng vào ngày kỷ niệm 40 năm Giải phóng thành phố, nút giao thông Ngã ba Huế được khánh thành và đưa vào hoạt động. Đây là công trình giao thông quan trọng ở cửa ngõ phía bắc thành phố, giao nhau với đường sắt bắc - nam, từng là điểm đen về tai nạn giao thông. Công trình cũng là điểm nhấn về thời gian với tên gọi “công trình không ngủ” khi huy động trên 480.000 ngày công lao động, tương đương hơn 11,5 triệu giờ công lao động của kỹ sư, giám sát và người lao động trong liên tục 18 tháng.

Vào những lúc cao điểm lên đến hơn 1.000 người cùng hàng trăm phương tiện, thiết bị hiện đại thi công 24/24 giờ mỗi ngày, kể cả những ngày lễ, Tết… Được thiết kế trên ý tưởng kiến trúc tổng thể gồm trụ tháp hình parabol và vòng xuyến tròn bao quanh, hình dáng cách điệu cho biểu tượng Linga và Yoni của thần Silva, tượng trưng cho sức sống và sức sáng tạo mãnh liệt của nhân loại, chiếc cầu mang rất nhiều ý nghĩa: giao thông, đặc trưng vùng miền và tính thẩm mỹ cao. Nút giao thông Ngã ba Huế gồm 3 tầng, tầng mặt đất cho các nhánh rẽ với đường bộ không giao với đường sắt, cầu vượt tầng 1 là vòng xuyến trên cao với các nhánh rẽ, cầu vượt tầng 2 cho các hướng ưu tiên từ Huế về trung tâm thành phố và ngược lại.

Được khởi công năm 2004, sau 10 tháng thi công cầu vượt Hòa Cầm được chính thức thông xe, dự án cầu vượt nút giao thông Hòa Cầm thuộc gói thầu số 4 - dự án nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa. Cầu có tổng vốn đầu tư 82 tỷ đồng (phần xây lắp) bao gồm 6 nhịp, dài 252 mét, mặt đường rộng 28 mét với 6 làn xe cùng 2 làn đường đi bộ, được thi công bằng công nghệ đúc dầm SuperT (Úc). Từ ngày được đưa vào sử dụng đến nay, cầu đã góp phần rất lớn vào việc thông thương giữa thành phố Đà Nẵng với quốc lộ 14B đi các tỉnh Tây Nguyên, đồng thời giải tỏa ách tắc giao thông vốn là điểm đen lâu nay trên quốc lộ 1A.

Những công trình trong tương lai

Hiện tại, Đà Nẵng còn vài chiếc cầu không bắc qua sông được dự kiến sẽ hoàn thành và xây dựng mới trong nay mai… Đó là, cầu vượt nút giao Hòa Liên thuộc dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan (điểm đầu Km17+00 và điểm cuối tại Km17+970 đường Nam hầm Hải Vân - Túy Loan), thi công gần xong, dự kiến đưa vào hoạt động trong năm nay.

Bên cạnh đó, một chiếc cầu vượt khác nằm trong dự án cải tạo cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý, được thiết kế theo dạng nút giao thông khác mức 3 tầng. Dự án được khởi công trong dịp
29-3-2020 vừa qua, đúng vào dịp kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng thành phố. Đây cũng chính là dự án có cây cầu vượt mới nhất của thành phố được thiết kế khá đẹp mắt.

Theo quy mô phê duyệt, nút giao thông đường 2 Tháng 9 - Nguyễn Văn Trỗi - Trần Thị Lý sẽ tổ chức giao thông khác mức 3 tầng. Tầng mặt đất bố trí đảo xuyến, tầng ngầm bố trí hầm và tầng trên cùng bố trí cầu vượt 5 nhịp. Ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở Giao thông vận tải thông tin, dự án nút giao phía tây cầu Rồng cũng sẽ được đầu tư xây dựng khác mức, nhằm giải tỏa giao thông đô thị khu vực trung tâm thành phố. Vì vậy, trong tương lai hy vọng tại đây sẽ có thêm cây cầu vượt mới, hoặc hầm chui mang dáng dấp hiện đại, sẽ là điểm nhấn mới trong kiến trúc giao thông thành phố.

Cầu Tình yêu Đà Nẵng nằm dọc theo bờ đông sông Hàn, dịu dàng uốn cong hình vòng cung với chiều dài 68m, rộng 6m. Được khánh thành vào giữa năm 2015, chiếc cầu này nằm giữa cầu Rồng và cầu Sông Hàn. Cầu Tình yêu lấy ý tưởng từ những cây cầu nổi tiếng trên thế giới như: Pont des Arts (Pháp), Hohenzollern (Đức), Tretriakovsky (Nga) hay Milvio (Ý). Cầu là một trong những địa điểm du lịch được nhiều du khách lựa chọn khi đến Đà Nẵng, nét đặc biệt nhất của địa điểm du lịch này chính là cái tên cầu khóa tình yêu Đà Nẵng.

Lê Thành Lân

;
;
.
.
.
.
.