Tăng mức giảm trừ gia cảnh, giảm khó khăn cho người nộp thuế

.

Đầu tháng 6 vừa qua, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân, có hiệu lực thi hành từ 1-7-2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020. Đây được xem là một động thái tích cực nhằm chia sẻ với những người có thu nhập nằm trong diện chịu thuế.

Người nộp thuế đánh giá tích cực về việc nâng mức giảm trừ gia cảnh. Trong ảnh: Hỗ trợ người nộp thuế tại bộ phận một cửa Cục Thuế thành phố.Ảnh: MAI QUẾ
Người nộp thuế đánh giá tích cực về việc nâng mức giảm trừ gia cảnh. Trong ảnh: Hỗ trợ người nộp thuế tại bộ phận một cửa Cục Thuế thành phố.Ảnh: MAI QUẾ

Chị Ngô Thanh Hằng (ở phường Hòa An, quận Cẩm Lệ) vui mừng khi biết thông tin mức giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân vừa được nâng lên. Chị Hằng chia sẻ: “Do ảnh hưởng của Covid-19 nên công việc ở công ty du lịch của chồng tôi cũng không ổn định nên tôi là lao động chính trong nhà, lại phải nuôi con nhỏ mới 1 tuổi. Theo tôi, mức thu nhập từ 10-20 triệu đồng/tháng hiện nay không quá cao nếu so với việc giá cả các mặt hàng tiêu dùng đều “leo thang”. Vì vậy, việc thay đổi mức giảm trừ gia cảnh trong giai đoạn này là hợp lý”.

Theo quy định mới được thông qua, mức giảm trừ gia cảnh đối với bản thân người nộp thuế được tăng từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng, mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc sẽ tăng từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng. Như vậy, trước lúc nâng mức giảm trừ gia cảnh, khi phát sinh mức thu nhập từ 12,6 triệu đồng trở lên mỗi tháng (do có 1 người phụ thuộc), chị Hằng phải đóng gần 70.000 đồng tiền thuế thu nhập cá nhân/tháng và mỗi năm là 840.000 đồng.

Còn theo quy định mới, chị Hằng thuộc diện không phải đóng thuế thu nhập cá nhân nữa. Tương tự, anh Nguyễn Tuấn Anh (trú tổ 10, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê) cho rằng, việc nâng mức giảm trừ gia cảnh chính là sự chia sẻ phù hợp của chính quyền đối với người dân. Nếu nhìn vào một tháng có thể không nhiều nhưng tính theo năm thì cũng là hỗ trợ tích cực cho người nộp thuế.

Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố Hà Đức Hùng cho biết, nhìn chung người lao động đều thấy được lợi ích khi nâng mức giảm trừ gia cảnh, có thể xem như một khoản thu nhập tăng thêm từ việc tiết kiệm được một phần thuế thu nhập cá nhân phải nộp hằng tháng. Chính sách cũng góp phần khuyến khích lao động tăng gia sản xuất, tăng thêm sản phẩm làm ra, đây là một phương án khả thi để “tiếp sức” thêm cho thị trường lao động ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, việc nâng lên mức 11 triệu đồng/người/tháng có thể là cao so với khu vực nông thôn, song chưa bảo đảm mức sống tối thiểu ở những thành phố lớn.

Theo Phó Cục trưởng Cục Thuế Trương Công Khoái, hiện chưa xác định được việc nâng mức giảm trừ gia cảnh sẽ hỗ trợ bao nhiêu tiền thuế cho người nộp thuế thu nhập cá nhân trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, đối tượng được áp dụng là rất rộng, trong đó, một phần lớn số người nộp thuế ở bậc 1 sẽ chuyển sang diện không phải nộp thuế. Nghị quyết cũng quy định sẽ hoàn lại tiền với những trường hợp đã tạm nộp thuế theo mức giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng một tháng.

Với việc khoản khấu trừ thu nhập chịu thuế được tăng thêm 2 triệu đồng, một người phải chịu thuế thu nhập cá nhân ở mức thuế suất cao nhất sẽ tiết kiệm được một khoản thuế phải nộp khoảng 700.000 đồng/tháng, tương đương 8,4 triệu đồng/năm. Khoản tiết kiệm này có thể nhiều hơn nếu người nộp thuế có người phụ thuộc đủ điều kiện để được giảm trừ gia cảnh, giả sử một người nộp thuế có 2 người phụ thuộc có thể được giảm tới 15 triệu đồng/năm.

MAI QUẾ
 

;
;
.
.
.
.
.