Tập trung thu hút đầu tư để thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế

.

Kinh tế thành phố đang dần thích ứng với trạng thái xã hội “bình thường mới”. Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đã chủ trì phối hợp cùng các ngành tham mưu và được cuộc họp UBND thành phố thường kỳ thông qua 3 kịch bản phát triển kinh tế năm 2020. Trao đổi với Báo Đà Nẵng, ông Trần Phước Sơn (ảnh), Giám đốc Sở KH-ĐT cho rằng cần chủ động đẩy mạnh thu hút đầu tư để thực hiện hiệu quả đối với các kịch bản tăng trưởng.

* Ông có thể cho biết tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020 của thành phố như thế nào?

- Covid-19 tác động rất mạnh và nhiều chiều lên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó 3 tác động chính vào tăng trưởng, đầu tư và thương mại; gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất quan trọng; suy giảm tiêu dùng ảnh hưởng đến dịch vụ và du lịch.

Trong bối cảnh đó, hầu hết các ngành, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều giảm, trong đó một số ngành, lĩnh vực đình trệ hoặc đóng băng, gần như không có hoạt động sản xuất, kinh doanh như các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, vận tải...

Tuy nhiên, đến nay tình hình Covid-19 cơ bản được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội đang dần được khôi phục nhưng vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức.

Qua 6 tháng đầu năm 2020, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn thành phố ước tăng trưởng âm 3,61% so với cùng kỳ 2019. Điều này đặt ra nhiệm vụ xây dựng các kịch bản tăng trưởng kinh tế để nổ lực hoàn thành mục tiêu kép là phòng, chống Covid-19 hiệu quả gắn với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

* Các kịch bản tăng trưởng kinh tế - xã hội cụ thể được xây dựng như thế nào, thưa ông?

Trên cơ sở đó, dự báo tình hình kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng, kết hợp sự rà soát, tính toán theo các chỉ tiêu các cân đối lớn của Chính phủ về tăng trưởng của Việt Nam năm 2020, Sở KH-ĐT đã phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội và Cục Thống kê thành phố tham mưu UBND thành phố xây dựng 3 kịch bản kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng.

Kịch bản thứ nhất là Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát Covid-19, hầu hết các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng khống chế được dịch trong quý 3-2020. Với tình huống này, trong quý 3-2020, kinh tế thành phố Đà Nẵng trên đà phục hồi, tuy nhiên giá trị tăng thêm của các ngành vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực của bệnh dịch nhưng tác động ở mức khoảng 50-60% so với tác động bình quân 6 tháng đầu năm 2020. Sang quý 4, giá trị tăng thêm của tất cả các ngành cơ bản dự báo sẽ trở lại như dự kiến ban đầu. Theo kịch bản này, dự kiến tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP) tăng khoảng 1,3% so với năm 2019.

Với kịch bản thứ hai, trong nước đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch bệnh, một vài quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng khống chế được dịch trong quý 3-2020, một số chỉ khống chế được dịch trong quý 4-2020.

Hiện nay kinh tế Đà Nẵng sẽ chưa thể phục hồi, giá trị tăng thêm của các ngành vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực của bệnh dịch tương đương bình quân 6 tháng đầu năm 2020. Sang đến quý 4, kinh tế mới bắt đầu phục hồi, tuy nhiên giá trị tăng thêm của các ngành vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh. Trong điều kiện này, dự kiến GRDP tăng trưởng âm khoảng 0,88% so với năm 2019.

Kịch bản thứ ba được đưa ra là Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch bệnh nhưng hầu hết các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng chưa thể khống chế được dịch trong quý 3  và kéo dài sang cuối năm 2020.

Với trường hợp này, kinh tế thành phố Đà Nẵng vẫn chưa thể phục hồi, giá trị tăng thêm của các ngành vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực của bệnh dịch tương đương bình quân 6 tháng đầu năm 2020, thậm chí ảnh hưởng mạnh hơn do hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ kéo dài. Dự kiến GRDP tăng trưởng âm khoảng 2,83% so với năm 2019.

Nhiều dự án đầu tư công đang được đẩy nhanh tiến độ. Trong ảnh: Thi công Dự án Thoát nước và xử lý nước thải khu vực phía đông thành phố. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Nhiều dự án đầu tư công đang được đẩy nhanh tiến độ. Trong ảnh: Thi công Dự án Thoát nước và xử lý nước thải khu vực phía đông thành phố. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Lãnh đạo UBND thành phố đã nhận định trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu, các kịch bản chủ yếu phụ thuộc vào bối cảnh chính là thời điểm các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, các nước ASEAN, EU khống chế được dịch bệnh.

Cùng với đó, tất cả các kịch bản cũng đã tính đến nỗ lực của chính quyền, người dân thành phố Đà Nẵng trong việc nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân trong trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, các nước trên thế giới đều được xem xét, cân nhắc một cách rất thận trọng để hạn chế sự bùng phát trở lại của Covid-19.

Khả năng kịch bản 1 là quá lý tưởng, trong khi kịch bản 3 hoàn toàn có thể xảy ra, khi hằng ngày trên thế giới vẫn có hơn 100 ngàn người mắc bệnh và trên 5 ngàn người tử vong. Do vậy, kịch bản 2 có thể là một lựa chọn phù hợp để làm định hướng phấn đấu trong xây dựng phát triển kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng trong 6 tháng cuối năm 2020

* Vậy, các giải pháp thực hiện để vận hành hiệu quả các kịch bản tăng trưởng kinh tế - xã hội trong thời gian đến là gì?

- Sở KH-ĐT đã tham mưu UBND thành phố tập trung 8 nhóm giải pháp để điều hành phát triển kinh tế-xã hội thành phố trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2020. Các nhóm giải pháp đó là, tiếp tục phối hợp với các cơ quan Trung ương hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng để kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV biểu quyết thông qua.

Thành phố tập trung hỗ trợ, duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh, góp phần hạn chế suy giảm tăng trưởng kinh tế. Tiếp đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để đẩy mạnh thu hút đầu tư  gắn mới đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án và thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2020; thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, bảo vệ môi trường; đẩy mạnh quản lý công tác thu chi và điều hành có hiệu quả ngân sách Nhà nước; tiếp tục giải quyết và phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội; tăng cường các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân; nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, tập trung công tác xây dựng chính quyền, giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo cũng như tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, an toàn giao thông và trật tự xã hội

* Còn giải pháp của ngành để đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển?

Tác động của Covid-19 làm “đứt gãy” chuỗi cung ứng toàn cầu, do vậy để tránh hệ lụy tương tự trong tương lai, nhiều tập đoàn có xu hướng chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang các thị trường khác.
Việt Nam đã chống dịch hiệu quả, môi trường đầu tư liên tục được cải thiện nên có nhiều cơ hội đón làn sóng dịch chuyển đầu tư này. Trong dòng chảy ấy, Đà Nẵng có nhiều tiềm năng, lợi thế lẫn cơ hội trong thu hút đầu tư.

Rất nhiều năm qua, Đà Nẵng đã nỗ lực xây dựng một môi trường đầu tư lành mạnh, hấp dẫn. Trước đây cứ có vốn FDI là thu hút, dù nguồn vốn và dự án nhỏ. Tuy vậy, gần đây Đà Nẵng hướng đến những dự án FDI của nhà đầu tư lớn, công nghệ cao, không tác động, ảnh hưởng đến môi trường. Đây cũng là chiến lược thu hút đầu tư trong thời gian tới của thành phố. Bởi lẽ, các dự án của tập đoàn lớn ngoài đóng góp trực tiếp còn tạo động lực thúc đẩy các dự án phụ trợ đi kèm.

Đơn cử như dự án sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ của UAC tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng không chỉ có nguồn vốn đầu tư lớn, sản phẩm tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn tạo điều kiện thu hút các dự án phụ trợ đi kèm, hình thành khu phụ trợ cho Khu Công nghệ cao. Hơn nữa, một tập đoàn có thương hiệu lớn như UAC đầu tư vào Đà Nẵng sẽ giúp quảng bá, nâng cao hình ảnh, môi trường đầu tư của thành phố.

Theo tôi, có 3 yếu tố mà các tập đoàn lớn thường cân nhắc khi đầu tư vào Đà Nẵng, đó là môi trường đầu tư công khai minh bạch, nguồn nhân lực chất lượng cao để hấp thụ được công nghệ và chi phí hạ tầng logistics. Ở cả 3 yếu tố này, Đà Nẵng không ngừng quyết tâm cải thiện. Đặc biệt, trong thu hút đầu tư, không phải cứ kéo nhà đầu tư vào được đã là xong, mà khâu đồng hành, cùng tháo gỡ khó khăn vướng mắc với nhà đầu tư trong quá trình sản xuất kinh doanh mới là điều quan trọng, bền vững.

Hình ảnh nhà đầu tư hiệu quả tại Đà Nẵng sẽ là minh chứng thuyết phục để quảng bá, thu hút các nhà đầu tư khác đến với thành phố. Xác định ý nghĩa này nên thành phố đã thiết lập kênh đối thoại trực tiếp, sẵn sàng lắng nghe, kịp thời giải quyết vướng mắc cho nhà đầu tư. Cụ thể hiện nay thành phố đang tập trung gỡ vướng về thủ tục cho nhà đầu tư để sớm triển khai hàng loạt dự án trọng điểm như Khu du lịch Làng Vân, Tổ hợp công trình phục vụ lễ hội pháo hoa quốc tế, Khu đô thị đại học tại Hòa Quý, Khu đô thị An Đồn, Tổ hợp thương mại - tài chính - giải trí Getaway...

Xin cám ơn ông.

TRIỆU TÙNG thực hiện

;
;
.
.
.
.
.