Ngành Du lịch thành phố đang khôi phục các hoạt động sau khi Covid-19 được kiểm soát. Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, thành phố chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch, đặc biệt là nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển du lịch về đêm…
Thành phố cần có thêm các sản phẩm du lịch về đêm hấp dẫn hơn nữa để thu hút du khách. Trong ảnh: Du khách mua sắm tại chợ đêm Sơn Trà, quận Sơn Trà. Ảnh: THU HÀ |
* Bà có thể cho biết ngành Du lịch thành phố đã có phương án, kế hoạch phục hồi hoạt động cụ thể như thế nào sau tác động của Covid-19?
- Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ bắt đầu nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, cho phép các dịch vụ du lịch hoạt động trở lại, Sở Du lịch đã huy động nhiều nguồn lực và chủ động phối hợp với các sở ban ngành địa phương, Hiệp hội Du lịch triển khai nhiều giải pháp kích cầu, khôi phục hoạt động du lịch trên địa bàn trong đó có chương trình kích cầu du lịch “Danang Thank You 2020” mang lại hiệu quả thiết thực.
Qua một tháng triển khai chương trình kích cầu, trong tháng 6 vừa qua thành phố đã đón và phục vụ 454.764 lượt khách tăng 85% so với thời điểm tháng 5-2020. Các đường bay nội địa đã bắt đầu hoạt động trở lại với 80/90 chuyến/ngày so với cùng kỳ. Dự kiến trong tháng 7,8 lượng khách nội địa sẽ đạt bằng so với năm 2019.
Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) dự báo ngành du lịch toàn cầu có thể bắt đầu phục hồi sau Covid-19 từ quý 4-2020 và chủ yếu vào năm 2021 theo kịch bản khả quan. Dự báo thị trường khách nội địa sẽ phục hồi nhanh chóng và sẽ là thị trường trọng điểm hiện tại và tương lai, tập trung vào du lịch nghỉ ngơi, giải trí, thăm thân, sau đó là du lịch công vụ M.I.C.E.
Xu hướng lựa chọn điểm du lịch sau dịch bệnh của khách là yêu cầu cao hơn về mức độ an toàn, chất lượng của điểm đến cũng như sự hấp dẫn các sản phẩm du lịch; chi tiêu tiết kiệm; ưu tiên các điểm đến gần nhà và các chuyến đi ngắn ngày. Trước thực tế và dự báo nêu trên, ngành Du lịch xác định một số nhiệm vụ trọng tâm để phục hồi hoạt động du lịch thành phố. Giai đoạn trước mắt tập trung tăng cường truyền thông điểm đến; kích cầu du lịch; xúc tiến và khai thác thị trường nội địa; hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục hoạt động du lịch…
Trong dài hạn, ngành sẽ chuẩn bị, chú trọng làm mới sản phẩm du lịch; rà soát và tham mưu tháo gỡ khó khăn vướng mắc, rút ngắn thủ tục thẩm định, cấp phép các dự án du lịch, hỗ trợ phát triển du lịch đường thủy.
Cùng với đó, cơ cấu lại các thị trường khách quốc tế, điều chỉnh tăng thị phần phân khúc khách chất lượng cao và thực hiện các biện pháp đa dạng hóa thị trường, hạn chế phụ thuộc vào một số thị trường; chuẩn bị phương án và quy trình kiểm soát an toàn phòng chống dịch trong hoạt động du lịch khi Chính phủ cho phép khôi phục các đường bay quốc tế; liên kết phát triển du lịch…
* Sau thị trường khách nội địa, sở đã có sự chuẩn bị như thế nào để đón các thị trường khách du lịch quốc tế khi các đường bay này được mở trở lại? Trước đây, lượng khách Hàn Quốc, Trung Quốc đến Đà Nẵng nhiều hơn lớn so với các thị trường khác, ngành có giải pháp, điều chỉnh nào nhằm thu hút đa dạng khách du lịch quốc tế trong thời gian đến hay không?
- Việc khôi phục các thị trường quốc tế phụ thuộc vào tình hình thực tế kiểm soát dịch bệnh của các quốc gia trên thế giới, khả năng kết nối các đường bay, sự an toàn và hấp dẫn của điểm đến, xu hướng và nhận thức của khách du lịch sau tác động của dịch bệnh. Để chuẩn bị đón các thị trường khách quốc tế trở lại, trong bối cảnh bình thường mới hiện nay, ngành Du lịch sẽ phối hợp với các ngành liên quan chuẩn bị phương án và quy trình kiểm soát an toàn phòng chống dịch trong hoạt động du lịch để tổ chức triển khai đến tất cả các đơn vị kinh doanh dịch vụ phục vụ du lịch trên địa bàn nhằm bảo đảm an toàn cho người dân, nhân viên phục vụ và du khách, giữ gìn thương hiệu điểm đến.
Bên cạnh đó, việc củng cố nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ đã được chúng tôi đề ra thông qua việc nghiên cứu xây dựng và tổ chức tập huấn đến các doanh nghiệp kinh doanh du lịch 10 bộ tiêu chí chuẩn chuyên nghiệp trong hoạt động và phục vụ du lịch nhằm tạo ra chuẩn sàn chuyên nghiệp về chất lượng dịch vụ, chất lượng phục vụ khách đồng bộ đối với tất cả các loại hình dịch vụ phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố.
Cùng với đó, công tác chuẩn bị các sản phẩm, dịch vụ mới phù hợp với thị hiếu của các thị trường khách truyền thống và tiềm năng, phù hợp với xu hướng thay đổi của khách sau tác động của dịch bệnh cũng được triển khai. Các hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh điểm đến Đà Nẵng an toàn và hấp dẫn sẽ được tiến hành bằng nhiều hình thức đa dạng và hiệu quả.
Đồng thời, cơ cấu lại các thị trường khách quốc tế, trong đó xác định Hàn Quốc và Trung Quốc (bao gồm Hồng Kông, Macao) vẫn là thị trường truyền thống và tiềm năng trong giai đoạn ngắn hạn. Tuy nhiên 2 thị trường này sẽ được ưu tiên xúc tiến và khai thác đối với phân khúc khách chất lượng cao, giảm phân khúc khách đi tour giá rẻ; tăng cường thị phần của các thị trường mới như Đài Loan, Nhật Bản và các nước Asean; xúc tiến mạnh mẽ vào thị trường Nga, Úc, Ấn Độ và Trung Đông.
* Hiện nay, sản phẩm du lịch về đêm vẫn chưa được như kỳ vọng. Ngành Du lịch thành phố tái cơ cấu lại và có sự thay đổi, đầu tư mới cho các sản phẩm du lịch, nhất là du lịch về đêm hay không?
- Sau khi Chính phủ có chỉ đạo nghiên cứu thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm, nhiều địa phương đã tính tới việc phát triển các hoạt động kinh doanh ban đêm để kéo dài thời gian vui chơi, giải trí, mua sắm của du khách, đồng thời tăng nguồn thu cho ngành Du lịch, trong đó có Đà Nẵng.
Sở Du lịch thành phố đề xuất định hướng phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố, với các định hướng trọng tâm, như phát triển kinh tế ban đêm theo 4 nhóm hoạt động, dịch vụ gồm: văn hóa - vui chơi giải trí; ăn uống; mua sắm và du lịch (tham quan).
Trước mắt, chọn lọc, tổ chức khai thác các khu vực, dịch vụ phục vụ kinh tế ban đêm sẵn có trên nguyên tắc bảo đảm mỹ quan, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, chất lượng, tính hấp dẫn, có khả năng phát triển và có hiệu quả; đồng thời hạn chế tối đa ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân.
Về lâu dài, thực hiện quy hoạch và dành quỹ đất cho các cụm, khu vực trọng điểm phát triển kinh tế ban đêm riêng biệt với khu dân cư để định hướng, kêu gọi đầu tư khu tổ hợp giải trí ban đêm riêng biệt đạt quy mô, hấp dẫn, chất lượng và tiêu chuẩn ngang tầm các điểm đến quốc tế nổi tiếng trên thế giới.
Bên cạnh đó, có kế hoạch tuyên truyền nhận thức về phát triển kinh tế ban đêm; nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, phát triển kinh tế ban đêm; hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế ban đêm; tăng cường xúc tiến, quảng bá giới thiệu sản phẩm, dịch vụ ...
Với yêu cầu về phát triển bền vững, đưa du lịch trở thành một trong ba trụ cột của thành phố theo Nghị quyết số 43/NQ-TW của Bộ chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng thời trước bối cảnh tác động của Covid-19, mới đây, Sở Du lịch đã trình UBND thành phố Đề án cơ cấu lại ngành Du lịch Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong đó, có đề xuất cơ cấu lại sản phẩm du lịch theo hướng nâng cấp và mở rộng quy mô 4 nhóm sản phẩm du lịch chính hiện có của Đà Nẵng, đặc biệt chú trọng sản phẩm chất lượng cao gồm nhóm sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, nhóm sản phẩm du lịch tham quan, nhóm sản phẩm du lịch MICE, nhóm sản phẩm du lịch vui chơi giải trí gắn với lễ hội và các sự kiện văn hóa
Đồng thời hình thành và phát triển các nhóm sản phẩm du lịch chính và nhóm sản sản phẩm du lịch bổ sung mới để đón bắt xu hướng phát triển của du lịch thế giới và đáp ứng nhu cầu của thị trường, chú trọng đáp ứng các nhu cầu, sở thích đặc biệt của khách du lịch, gồm nhóm sản phẩm du lịch thể thao - mạo hiểm, nhóm sản phẩm du lịch sinh thái và cộng đồng, nhóm sản phẩm du lịch thiền - chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, nhóm sản phẩm du lịch ẩm thực, mua sắm, vui chơi giải trí về đêm.
Đề xuất cơ cấu lại đầu tư sản phẩm như tăng tỷ trọng đầu tư phát triển hệ thống các cơ sở dịch vụ quy mô lớn, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh với các điểm đến quốc tế, đặc biệt là kinh tế ban đêm, dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm, ẩm thực..., giảm tỷ trọng đầu tư phát triển hệ thống cơ sở lưu trú ở phân khúc thấp từ 3 sao trở xuống.
Ngành du lịch kỳ vọng với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của các cấp lãnh đạo thành phố; sự ủng hộ, đồng thuận của người dân và sự phối hợp đồng bộ của các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, cùng với sự nỗ lực của toàn ngành, du lịch Đà Nẵng sẽ có cơ hội bức phá phát triển mạnh mẽ và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố và góp phần lan tỏa phát triển các ngành kinh tế khác.
* Xin cảm ơn bà.
THU HÀ thực hiện