Chuyển nhượng bất động sản qua hoạt động mua bán, sáp nhập

.

Thị trường bất động sản bị tác động bởi Covid-19, nhiều chủ đầu tư dự án rơi vào tình trạng khó khăn... Đây cũng chính là cơ hội mua bán - sáp nhập các dự án bất động sản cho nhà đầu tư có tiềm lực mạnh về tài chính. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản (BĐS) ở thành phố có tiềm lực không ngừng săn tìm quỹ đất mới thông qua các thương vụ mua bán - sáp nhập.

Công ty CP Đầu tư Đà Nẵng - miền Trung chuyển nhượng đầu tư dự án phía nam cầu Tiên Sơn (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) cho Công ty CP Đất Xanh miền Trung.                    Ảnh: TRIỆU TÙNG
Công ty CP Đầu tư Đà Nẵng - miền Trung chuyển nhượng đầu tư dự án phía nam cầu Tiên Sơn (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) cho Công ty CP Đất Xanh miền Trung. Ảnh: TRIỆU TÙNG

M&A là viết tắt của 2 cụm từ Mergers (sáp nhập) và Acquisitions (mua lại). Hoạt động M&A là hoạt động sáp nhập hay mua lại cổ phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp khác. Tại thành phố Đà Nẵng, thị trường M&A trên lĩnh vực BĐS diễn ra sôi động vào đầu năm 2017 bởi hàng loạt các dự án hạ tầng BĐS nghỉ dưỡng nhân dịp Đà Nẵng tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.

Hàng loạt các dự án có vốn đầu tư trên hàng ngàn tỷ đồng được mua bán, sát nhập. Ví dụ tại dự án Biệt thự và Khách sạn Đông Phương vốn do Tập đoàn VinaCapital đầu tư, nhưng sau đó chuyển sang doanh nghiệp khác với 3 cổ đông là Vietnam Property Limited (đơn vị thuộc VinaCapital), Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Tân Tiến và Công ty TNHH Đầu tư Dịch vụ Kim Ngân.

Tháng 8-2017, Công ty CP Biệt thự và khách sạn biển Đông Phương đã thông qua việc cổ đông sáng lập là Vietnam Property Limited chuyển nhượng 24,4 triệu cổ phần (tương ứng 97,73% vốn điều lệ) cho Công ty CP Đầu tư Dịch vụ Du lịch Đại An và triển khai mới dự án khách sạn Sheraton Danang Resort tại Đà Nẵng, với tổng vốn hơn 888 tỷ đồng, xấp xỉ 55,6 triệu USD.

Sheraton Ðà Nẵng là tổ hợp khách sạn được xây mới hoàn toàn với chất lượng đẳng cấp quốc tế, bảo đảm đủ tiêu chuẩn phục vụ các sự kiện thuộc Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Cũng tại thành phố, hàng loạt các dự án của Tập đoàn VinaCapital như: dự án Azura, Trung tâm thương mại Thế giới; Tập đoàn Indochina với dự án Indochina Riverside Tower tại số 74 đường Bạch Đằng chuyển sang doanh nghiệp khác...

Hiện những doanh nghiệp BĐS ở thành phố như: Đất Xanh miền Trung, Danh Khôi, Phú Gia Thịnh cũng đang đẩy mạnh các hoạt động M&A. Đồng thời với việc phát triển dự án hiện hữu, nhiều doanh nghiệp địa ốc đang không ngừng săn tìm quỹ đất mới thông qua các thương vụ mua bán - sáp nhập. Trong bối cảnh thị trường BĐS đang gặp nhiều khó khăn, dư địa phát triển còn nhiều nhưng quỹ đất ngày càng eo hẹp, với các doanh nghiệp BĐS có tiềm lực tài chính, việc sở hữu quỹ đất nhằm phục vụ chiến lược phát triển dài luôn được đặt ra.

Hiện mỗi doanh nghiệp BĐS đều có một chiến lược săn tìm dự án, tùy theo định hướng phát triển và khả năng tài chính của mình. Chẳng hạn, với Tập đoàn Danh Khôi, một trong những doanh nghiệp mới nổi trên thị trường M&A, đang chọn thâu tóm những quỹ đất “vàng” tại các thành phố lớn để phát triển dòng sản phẩm BĐS cao cấp, trong đó có nhiều dự án BĐS tại thành phố Đà Nẵng.

Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, Danh Khôi đã tiến hành M&A khá nhiều dự án lớn với mỗi thương vụ lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là thương vụ mua lại 100% vốn từ Công ty TNHH một thành viên Đầu tư Sun Frontier để trở thành chủ dự án Sun Frontier tại khu vực đường Bạch Đằng nối dài. Được biết, chủ đầu tư cũ của dự án trên là công ty thành viên của Tập đoàn Sun Frontier Fudousan Co., Ltd - một trong những doanh nghiệp BĐS hàng đầu tại Nhật Bản.

Trước đó, năm 2018 Danh Khôi cũng đã chi hàng ngàn tỷ đồng để thâu tóm dự án Đà Nẵng Hotel and Resort có quy mô diện tích 7,5 ha từ Công ty CP Đầu tư Du Lịch Hà Nội Non Nước (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn). VinaCapital Đà Nẵng và Tập đoàn Quốc Cường - Gia Lai cũng có sự hợp tác với Công ty CP Đất Xanh miền Trung đầu tư, chia sẻ phát triển dự án Khu đô thị Bến du thuyền Đà Nẵng tại quận Sơn Trà. Dự án đang được triển khai theo chiều hướng tích cực với việc điều chỉnh quy hoạch, lập tư vấn thiết kế đầu tư Khu phức hợp BĐS và bến du thuyền cao cấp - Marina Complex.

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2020 của UBND thành phố, về thu hút đầu tư trong nước, từ đầu năm đến nay, thành phố đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 6 dự án đầu tư trong nước ngoài khu công nghiệp có tổng vốn đầu tư trên 16.000 tỷ đồng (gấp 6,78 lần về vốn so với cùng kỳ). Lũy kế đến  ngày 15-7-2020 thành phố có 339 dự án đầu tư trong nước ngoài khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư là 120.898 tỷ đồng mà phần lớn hoạt động đầu tư mới qua thị trường M&A.

Xét ở góc độ thành công của một thương vụ M&A thì nhà đầu tư mới không phải sẵn tiền chốt thương vụ là thành công, mà phải nói đến khả năng quản lý dòng tiền và năng lực phát triển dự án. Bởi nếu dự án được M&A mà không ra được thành phẩm để bán, thì lợi thế này sẽ biến thành gánh nặng tồn kho, chôn vốn.

Ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Danh Khôi cho rằng, M&A là con đường ngắn nhất để các chủ doanh nghiệp đẩy nhanh việc phát triển quỹ đất sạch, thực hiện dự án. Thông qua các thương vụ M&A, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong việc hoàn thành các thủ tục pháp lý, cũng như giải quyết những vấn đề liên quan đến đền bù, giải tỏa mặt bằng.

Theo bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, hiện nay M&A sẽ gia tăng mạnh do tác động từ kinh tế chung và việc giới hạn tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn đang gây ra tình trạng khan vốn cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, với việc không bán được sản phẩm do Covid-19, thị trường đã xuất hiện tình trạng một số chủ đầu tư yếu năng lực tài chính đang tìm kiếm, chào mời nhà đầu tư để chuyển nhượng dự án.

TRIỆU TÙNG

 

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích
The Nexus Cho thuê căn hộ Cardinal Court Phú Mỹ Hưng Quận 7 khai hoan prime Cách Xây dựng nền tảng uy tínBảng giá The Senique Hanoi CapitalandTrang thông tin batdongsancentral tin sở hữu kỳ nghỉ alma mới nhấtDự án Eaton park