Gói hỗ trợ lần 2 cho doanh nghiệp: Cần kịp thời và dễ tiếp cận

.

Covid-19 bùng phát trở lại khiến doanh nghiệp Đà Nẵng nói riêng và doanh nghiệp cả nước nói chung tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều bộ, ngành đã đề xuất một số phương án, giải pháp về thực thi gói hỗ trợ lần 2 cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp mong muốn gói hỗ trợ lần 2 nếu được ban hành sẽ tiếp cận dễ hơn. Trong ảnh: Hoạt động sản  xuất tại Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (Ảnh do Công ty cung cấp).
Doanh nghiệp mong muốn gói hỗ trợ lần 2 nếu được ban hành sẽ tiếp cận dễ hơn. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Daiwa Việt Nam. Ảnh do Công ty cung cấp

Cuối tháng 8 vừa qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) đã có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất gói hỗ trợ lần 2 dành cho doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do Covid-19 với kinh phí 18.600 tỷ đồng, trong đó ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hợp tác xã và hộ kinh doanh. Thời gian áp dụng từ tháng 9-2020 đến 9-2021, lãi suất 3,96%/năm.

Bên cạnh đó, nhiều chính sách cho người lao động, người có con nhỏ dưới 6 tuổi bị mất việc làm… cũng được đề xuất trong văn bản. Bộ Tài chính cũng đang đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, xem xét đề xuất giảm thuế thu nhập cá nhân…

Thực tế, trong lần ảnh hưởng của Covid-19 vào đầu năm 2020, theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 9-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19, UBND thành phố đã triển khai Kế hoạch số 2918/KH-UBND ngày 5-5-2020; trong đó có kế hoạch hỗ trợ người sử dụng lao động gặp khó khăn do Covid-19 để trả lương ngừng việc cho người lao động trong 3 tháng, từ ngày 1-4 đến 30-6 với lãi suất 0%.

Đây là chính sách từ gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng của Chính phủ và được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện. Tuy nhiên, theo Ngân hàng chính sách xã hội thành phố, đến khi hết thời gian triển khai vẫn không có hộ kinh doanh, doanh nghiệp nào nộp hồ sơ xin vay nguồn vốn này. Qua tìm hiểu từ doanh nghiệp, nhiều ý kiến được nêu ra như điều kiện khó đáp ứng, việc triển khai trễ, thủ tục nhiều bước…

Phó Giám đốc Công ty Vật liệu Xây dựng DNC (quận Thanh Khê) Nguyễn Trần Hoàng Anh cho biết, ông đã nộp hồ sơ xem xét giãn nợ ngân hàng từ ngay khi Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng Covid-19 được ban hành vào tháng 3-2020.

Tuy nhiên, đến nay công ty không nhận được thông báo nào về giãn nợ hay được hỗ trợ từ các chính sách cho người lao động. Giám đốc Công ty CP Kỹ thuật Xây dựng Dinco, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố Lê Trường Kỹ cho hay, công ty đã được 3 ngân hàng thương mại đối tác giãn nợ vay ngân hàng trong đợt ảnh hưởng đầu tiên do Covid-19. Thế nhưng, việc tiếp cận được chính sách giãn nợ hay giảm lãi vay hay không là do ngân hàng thương mại xem xét theo mức độ ảnh hưởng do Covid-19 tới doanh thu.

Thực tế có nhiều doanh nghiệp không được giãn nợ hay giảm lãi vay. Còn trong lần ảnh hưởng thứ 2 của Covid-19 vẫn chưa có chính sách nào từ phía các ngân hàng dù đã trôi qua tới giữa tháng 9. Đối với hỗ trợ vay 0% để trả lương cho người lao động, mặc dù đây là một gói hỗ trợ lớn, nhưng để doanh nghiệp tiếp cận được cũng không hề dễ dàng vì phải chứng minh là mấy tháng doanh nghiệp không có doanh thu, người lao động phải đóng BHXH, bảo hiểm y tế như thế nào... Đặc biệt là quy định phải có từ 20% người lao động đang tham gia BHXH bắt buộc ngừng việc từ 1 tháng trở lên.

Theo Giám đốc NHNN Việt Nam - chi nhánh Đà Nẵng Võ Minh, đơn vị vẫn đang kiến nghị với Trung ương việc điều chỉnh Thông tư 01/2020/TT-NHNN, trong đó mở rộng thêm đối tượng được hỗ trợ là các khoản vay phát sinh sau ngày 23-1-2020 (Thông tư hiện nay quy định chỉ cơ cấu lại nợ các khoản vay trước ngày 23-1-2020), hiện vẫn đang chờ quyết định.

Đối với việc hỗ trợ cho người lao động trong doanh nghiệp, Phó Giám đốc Sở LĐ, TB&XH Nguyễn Văn An cho biết, theo Công văn số 5945/UBND-LĐTBXH, những lao động bị ảnh hưởng do Covid-19 lần thứ hai có thể làm đơn đề nghị hỗ trợ để được hỗ trợ 2 tháng (8 và tháng 9) theo mức quy định; về đề xuất hỗ trợ lần hai, nếu Chính phủ và thành phố có văn bản triển khai thì Sở LĐ, TB&XH sẽ thực hiện.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố Nguyễn Hùng Anh thông tin thêm, cuối tháng 8 vừa qua, BHXH thành phố có công văn về việc tiếp tục tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất đến hết tháng 12-2020, thủ tục hồ sơ theo hướng dẫn Liên ngành số 699/HDLN-BHXH-LĐTBXH ngày 15-4-2020 về việc tạm dừng đóng BHXH bắt buộc vào quỹ hưu trí, tử tuất. Tính đến ngày 31-8, có 26 doanh nghiệp (với hơn 44.000 người lao động) đã làm hồ sơ tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với tổng số tiền hơn 12 tỷ đồng.

Nhìn chung, các doanh nghiệp trên bị ảnh hưởng nặng nề do Covid-19, trên 50% thu nhập hoặc phải tạm dừng sản xuất thì BHXH thành phố mới có thể thông qua việc tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất. Khi tình hình dịch bệnh qua đi, BHXH thành phố sẽ tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử thành phố để nắm bắt nguyện vọng của doanh nghiệp, từ đó có đề xuất phù hợp với cơ quan Trung ương.

Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thành phố cũng đã gửi văn bản tới Văn phòng Chính phủ đề nghị sớm ban hành chính sách hỗ trợ lần thứ hai trước ảnh hưởng của Covid-19. Trong văn bản, Hiệp hội DNNVV đề cập đến việc nhiều doanh nghiệp không thể tiếp cận được các chính sách hỗ trợ đợt 1, đặc biệt là các chính sách về hỗ trợ lương cho người lao động hay BHXH.

Ngoài ra, các gói hỗ trợ doanh nghiệp có thể tiếp cận thì đa số đã hết thời hạn, trong khi doanh nghiệp Đà Nẵng lại tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề trong lần bùng phát trở lại của Covid-19. Theo Chủ tịch Hiệp hội DNNVV thành phố Phạm Bắc Bình, Chính phủ cần sớm có những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp với yêu cầu không quá khắt khe, không nên để điều kiện là doanh nghiệp dừng sản xuất hoặc ảnh hưởng trên 50% doanh thu hay có quá nhiều lao động phải nghỉ việc thì mới được tiếp cận được chính sách.

Các giải pháp như giãn nợ, giảm lãi suất vay, gia hạn thuế, không điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng do Nhà nước kiểm soát giá… nếu được thực hiện sớm và đơn giản thủ tục hành chính sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thời điểm này.

MAI QUẾ

 

;
;
.
.
.
.
.