Dù tình hình Covid-19 ở nhiều thị trường truyền thống như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… còn diễn biến phức tạp nhưng hoạt động xuất khẩu trên địa bàn thành phố bước đầu ghi nhận những điểm sáng tích cực. Qua hai đợt dịch, nhiều doanh nghiệp đã chủ động có các phương án để thích ứng trong tình hình mới với mục tiêu không để hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, người lao động mất việc làm.
Hoạt động xuất khẩu từ tháng 9-2020 ghi nhận những điểm sáng tích cực khi dịch bệnh trong nước được kiểm soát tốt. TRONG ẢNH: Công ty TNHH Điện tử Foster đã chủ động phương án để ổn định và giữ vững hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như việc làm, thu nhập cho người lao động. Ảnh: KHÁNH HÒA |
Gần nửa tháng nay, hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Điện tử Foster (Khu công nghiệp Hòa Cầm) đã khôi phục 100% công suất với hơn 1.000 công nhân tham gia làm việc.
Theo Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện tử Foster Nguyễn Quan Hoàng, hơn một tuần qua, đơn vị đã bắt đầu tăng thêm giờ làm để kịp tiến độ các đơn hàng từ nay đến cuối năm cũng như có kế hoạch dài hơi nhằm chủ động ứng phó với bất cứ tình huống nào xảy ra. “Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ tình hình thị trường và đưa ra các phương án như tăng thêm giờ làm nhằm tăng lượng hàng tồn kho, tăng thu nhập cho người lao động; hoàn tất việc ký kết đơn hàng trong năm 2021 ngay thời điểm này thay vì để đến cuối năm như thông lệ trước đây…
Các giải pháp này sẽ giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh và giữ cho chuỗi cung ứng không bị gián đoạn trong trường hợp dịch bệnh xảy ra, đồng thời, giúp người lao động có tiền tích lũy”, ông Nguyễn Quan Hoàng cho hay.
Ở lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, dù chịu ảnh hưởng chung do tình hình dịch bệnh kéo dài nhưng một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn thành phố khẳng định vẫn tận dụng được các cơ hội để gia tăng thị phần vào thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... khi nguồn cung từ các quốc gia vốn cạnh tranh gay gắt với nước ta như Thái Lan… bị gián đoạn.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Thuận Phước Trần Văn Lĩnh phân tích: “Covid-19 khiến chuỗi cung ứng trên toàn cầu bị gián đoạn, một số lĩnh vực sản xuất của các quốc gia (trong đó có ngành thủy sản) bị chững lại trong khi nhu cầu tiêu dùng vẫn phải duy trì khiến nhu cầu nguồn cung về thủy hải sản rất lớn. Nắm bắt được xu thế này, chúng tôi đã đẩy mạnh việc gia tăng sản lượng và sẵn sàng nhận đơn hàng từ các đối tác cũ và mới”.
Việc nhiều doanh nghiệp xuất khẩu bắt đầu khởi sắc trở lại trong hoạt động sản xuất đã kéo theo nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có được đơn hàng sau thời gian dài bị ngưng trệ. TRONG ẢNH: Công nhân tại cơ sở sản xuất mộc Hùng Nga (huyện Hòa Vang) trở lại với việc gia công hơn 4.000 sản phẩm giường nằm ở bãi biển từ cuối tháng 8. Ảnh: KHÁNH HÒA |
Cũng theo ông Lĩnh, đơn vị đang bước vào giai đoạn hoàn tất đơn hàng từ nay đến cuối năm, ước tính sản lượng vẫn tăng từ 5-10% so với năm 2019. Là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thành phố, ngành dệt may sau vài tháng bị ngưng trệ, đến nay đã bắt đầu có những chuyển biến tích cực hơn.
Tại Công ty CP Dệt may 29-3, trong khi dòng sản phẩm cao cấp chủ lực là veston (xuất khẩu đi thị trường châu Âu) phải tạm dừng dây chuyền sản xuất vì không có đơn hàng thì đơn vị đã nhanh chóng chủ động chuyển sang đẩy mạnh sản xuất dòng hàng áo quần thể thao (xuất khẩu qua Pháp và một số quốc gia châu Âu khác), đồ bảo hộ y tế (xuất khẩu qua Mỹ), nhờ đó vẫn duy trì được ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh và thu nhập cho người lao động.
“Sau Covid-19, chúng tôi phải đối mặt với cuộc cạnh tranh khốc liệt với xu thế bán hàng qua mạng về giá cả. Từ nay đến cuối năm, các đơn hàng đã cơ bản ổn định để giữ vững hoạt động của đơn vị. Dự báo phải hết tháng 5-2021, tình hình mới khởi sắc lên được”, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may 29-3 Huỳnh Văn Chính cho biết.
Thị trường xuất khẩu, các chuỗi cung ứng có dấu hiệu phục hồi không chỉ giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu có tiềm lực vững mạnh về nguồn lực nhanh chóng đẩy mạnh hoạt động sản xuất và chủ động có các phương án thích hợp về lâu dài. Đồng thời giúp không ít doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tái khởi động sau nhiều tháng sụt giảm về đơn hàng, doanh thu và phải thu hẹp quy mô hoạt động.
Đơn cử, ngay từ đầu tháng 8, khi dịch bệnh ở thành phố Đà Nẵng dần được kiểm soát tốt, cơ sở sản xuất mộc Hùng Nga (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang) đã nhận được đơn hàng gia công hơn 4.000 giường nằm ở bãi biển (xuất khẩu ra nước ngoài) từ một doanh nghiệp có trụ sở đóng ở xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang.
Ông Ngô Trường Vương, quản lý cơ sở sản xuất mộc Hùng Nga khẳng định, đơn hàng nói trên sẽ được đơn vị hoàn tất trong tháng 9 để kịp tiến độ giao hàng. Có đơn hàng, hơn 5 lao động làm việc tại cơ sở bắt đầu quay trở lại làm việc và có thu nhập nên ai cũng phấn khởi. Từ nay đến cuối năm, cơ sở cũng đã ký thêm được một số đơn hàng gia công cho các công ty xuất khẩu nên tạm thời yên tâm về việc bù đắp cho doanh thu bị sụt giảm mạnh trong vài tháng qua.
Theo báo cáo từ Sở Công thương thành phố, dù có những điểm sáng từ giữa tháng 8 và tháng 9 nhưng dự báo từ nay đến cuối năm 2020, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục giảm sâu, đáng ngại nhất là nếu tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, các thị trường chủ lực như nói trên vẫn chưa khôi phục. Dự báo đến hết năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 1,580 tỷ USD, giảm 3% so với năm 2019 (trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 872 triệu USD, giảm 2,4%). Tình hình xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực của thành phố năm 2020 ước đạt như sau: dệt may ước đạt 420 triệu USD (giảm 3,4%), thủy sản ước đạt 185 triệu USD (giảm 2,6%), thủ công mỹ nghệ và sản phẩm gỗ ước đạt 17 triệu USD (giảm 5,6%), đồ chơi trẻ em ước đạt 84 triệu USD (giảm 3,4%), cao su thành phẩm đạt 72 triệu USD (giảm 3,7%), động cơ, thiết bị điện và sản phẩm điện tử ước đạt 527 triệu USD (giảm 2,4%). Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2020 ước đạt 1,295 tỷ USD, giảm 3,7% so với năm 2019. |
KHÁNH HÒA