Hàng hóa thực phẩm tăng giá do hậu quả mưa lũ

.

Trước thông tin về cơn bão số 9 dự kiến đổ bộ vào một số tỉnh, thành, trong đó có Đà Nẵng, trong chiều 26 và ngày 27-10, không khí mua sắm tại các chợ, siêu thị, cửa hàng kinh doanh các mặt hàng phòng, chống bão lụt... trở nên tấp nập. Theo ghi nhận, nguồn hàng hóa cơ bản vẫn ổn định, tuy vậy giá một số mặt hàng tăng.

Sức mua các mặt hàng thực phẩm tại chợ Đống Đa tăng mạnh trong sáng 27-10.            Ảnh: KHÁNH HÒA
Sức mua các mặt hàng thực phẩm tại chợ Đống Đa tăng mạnh trong sáng 27-10. Ảnh: KHÁNH HÒA

Giá rau xanh tăng mạnh

Khảo sát tại các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố như chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu), chợ Cẩm Lệ (quận Cẩm Lệ), chợ Túy Loan (huyện Hòa Vang), chợ Cồn, chợ Đống Đa, chợ Mới, chợ Hàn (quận Hải Châu), các chợ ở quận Sơn Trà... vào sáng 27-10, nguồn hàng hóa về chợ cơ bản giữ được sự ổn định, không có tình trạng khan hàng. Tuy vậy, do ảnh hưởng từ đợt mưa lũ kéo dài ở các tỉnh miền Trung khiến nguồn cung các mặt hàng rau xanh sụt giảm khiến giá cả tăng lên đáng kể. 

Theo bà Huỳnh Thị Mỹ, tiểu thương kinh doanh mặt hàng rau hành laghim tại chợ Đống Đa, những ngày qua, nguồn rau về chợ giảm 30-40% sản lượng do nguồn cung chủ lực từ các vựa rau ở tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Huế cũng như ở huyện Hòa Vang mất mùa; riêng các loại củ (khoai tây, cà rốt...) chủ yếu là hàng từ Đà Lạt, Hải Dương, Lâm Đồng... vẫn dồi dào.

Cùng với mặt hàng rau xanh, giá các loại thủy hải sản cũng tăng lên khi lượng tàu, thuyền đánh bắt giảm xuống do ảnh hưởng của mưa bão.  Trong khi đó, giá các mặt hàng thịt heo và thịt bò không có nhiều biến động so với thời điểm trước đây.

Trong khi đó, tại các siêu thị lớn trên địa bàn thành phố như siêu thị Big C Đà Nẵng, Co.opmart, MM Mega Market, Lotte Mart... cũng như hệ thống các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa ghi nhận không khí hoạt động mua sắm đã “nóng” lên từ tối 26-10. Đại diện truyền thông của siêu thị Big C Đà Nẵng cho biết, lượng người đến mua sắm hàng hóa tăng đột biến với các mặt hàng bán chạy nhất là đồ hộp, mì ăn liền, gạo, đồ ăn nhanh... các loại.

Bà Lê Thị Hiền, Giám đốc siêu thị Co.opmart Sơn Trà cho hay, nguồn cung hàng hóa tại siêu thị rất dồi dào, giá cả ổn định nên người dân yên tâm đến mua sắm, không cần phải tích trữ quá nhiều. Theo ông Diệp Hoàng Thông Anh, Trưởng ban quản lý chợ Đầu mối Hòa Cường, nguồn hàng về chợ trong sáng 27-10 đối với mặt hàng rau hành laghim có sụt giảm khoảng 10% do một số nguồn cung từ các tỉnh lân cận bị thiệt hại do đợt mưa bão vừa qua.

Cũng trong sáng 27-10, nhiều người dân đổ xô đi mua các loại vật dụng nhằm gia cố nhà cửa để chống bão như bao bì dùng đựng cát, phủ bọc vật dụng trong gia đình, dây thừng, đinh tán... Tại quầy hàng bảo hộ lao động ở số 332 Ông Ích Khiêm ghi nhận sức mua tăng vọt trong sáng 27-10. Ông Nguyễn Cường, nhân viên bán hàng tại đây cho biết đã tiêu thụ hàng trăm chiếc bao tải, bao nilon với mức giá từ 2.500 đồng - 3.000 đồng/ chiếc, các loại bạt cũng “cháy hàng” với giá dao động từ 6.500 - 9.000 đồng/m2. Tương tự, tại cửa hàng Yến Tâm ở số 204 đường Ông Ích Khiêm, lượng người đến mua các loại vật dụng như kể trên tăng lên đáng kể từ tối 26-10. “Sức mua tăng từ 60-80% so với ngày thường. Chúng tôi bán với giá cũ, không phải vì mưa bão mà nâng giá lên cao” ông Tâm, chủ cửa hàng Yến Tâm nói.

Bảo đảm nguồn cung hàng hóa khi có sự cố về thiên tai

Ngay trong sáng 27-10, Ban quản lý các chợ trên địa bàn thành phố nhanh chóng triển khai các biện pháp tuyên truyền tiểu thương chủ động bảo vệ tài sản, đồng thời, tiến hành chèn chống, gia cố phần mái, các cửa ra vào... nhằm bảo đảm an toàn về tài sản tại các chợ.

Ông Đàm Văn Tẩu, Giám đốc Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng cho biết, trước dự báo về độ nguy hiểm của cơn bão số 9, đơn vị đã yêu cầu tất cả các tiểu thương tại 4 chợ trực thuộc gồm chợ Hàn, chợ Đống Đa, chợ Đầu mối Hòa Cường và chợ Cồn phải hoàn tất việc chằng chống, phủ bạt các lô quầy trước 3 giờ chiều 27-10 và khuyến cáo các tiểu thương nghỉ bán sớm nhất có thể, riêng sáng 28-10 không đến chợ.

Sở Công thương thành phố Đà Nẵng cho biết, công tác dự trữ hàng hóa chuẩn bị ứng phó cơn bão số 9 đã hoàn tất với nguồn hàng hóa dự trữ có tổng trị giá khoảng 8 tỷ đồng, trong đó mặt hàng gạo khoảng 165 tấn (khoảng hơn 2 tỷ đồng), 1 triệu gói mì ăn liền với tổng tiền hơn 3,5 tỷ đồng, 300.000 chai nước uống đóng chai với tổng trị giá 2,4 tỷ đồng. Trong đó, dự trữ sẵn có mặt hàng gạo ở các trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ truyền thống và các cơ sở, hộ kinh doanh tại 6 quận, huyện trên địa bàn là 438 tấn gạo.

Năng lực sản xuất trên địa bàn thành phố mặt hàng mì ăn liền là 1.750.000 gói/ngày, lương khô 1.000 thùng/ngày; nước uống đóng chai 48.000 lít/ngày. Mặt hàng xăng dầu và chất đốt, trong đó xăng có 1.005.000 lít; dầu diesel 2.000.500 lít; dầu hỏa 20.500 lít (tổng giá trị dự trữ mặt hàng xăng dầu là 54,12 tỷ đồng).

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích