Thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh

.

Phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường là xu thế tất yếu hiện nay. Thành phố đang hình thành các khu, cụm công nghiệp theo hướng tăng trưởng xanh, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường.

Theo Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp (CNC&CKCN) Đà Nẵng, trong quá trình hoạt động, đơn vị luôn tuân thủ nguyên tắc chỉ xem xét tiếp nhận các dự án đầu tư thuộc ngành nghề đã được mô tả trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, Khu CNC; không xem xét tiếp nhận đối với các dự án đầu tư có công nghệ sản xuất lạc hậu, phát sinh nhiều chất ô nhiễm. Trong năm 2019, đơn vị tiếp tục phối hợp với Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) triển khai dự án Sáng kiến KCN sinh thái hướng tới mô hình KCN bền vững đến các doanh nghiệp trong KCN Hòa Khánh.

Trước đó, dự án này đã hỗ trợ đánh giá hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn cho 29 doanh nghiệp. Các chuyên gia của dự án đã đề xuất hơn 300 giải pháp sản xuất sạch hơn; trong đó 228 giải pháp đã được thực hiện, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm hơn 14 tỷ đồng/năm, giảm gần 50.000m3 nước thải, giảm hơn 5.000 tấn khí CO2/năm... Đặc biệt, căn cứ hướng dẫn tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22-5-2018 của Chính phủ quy định về quản lý KCN và khu kinh tế, KCN Hòa Khánh đã đạt được hầu hết các tiêu chí của KCN sinh thái.

Theo thống kê của Sở Công thương, cơ cấu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp của thành phố đang chuyển dịch theo hướng các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao. Trong đó, tập trung phát triển các lĩnh vực mũi nhọn gồm: công nghệ cao, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông.

Tỷ trọng các ngành công nghiệp chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao (như luyện kim, xi-măng...) giảm từ 7,8% xuống còn 5,3% trong giai đoạn 2015-2020 và tỷ trọng một số ngành sử dụng nhiều lao động giảm từ 10,6% xuống còn 9,3%. Hầu hết các doanh nghiệp thực hiện tốt các giải pháp giảm thiểu tác động đến môi trường và các nội dung theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Trong năm 2019, qua kiểm tra, các chỉ số về chất lượng môi trường không khí đều nằm trong giới hạn cho phép. Các đơn vị đã tiến hành trồng cây xanh trong các KCN và Khu CNC; vận động các doanh nghiệp trồng cây xanh trong các nhà máy, bảo đảm diện tích cây xanh trong các KCN và Khu CNC đạt 15% tổng diện tích. Các doanh nghiệp đang được tuyên truyền, khuyến khích việc đẩy mạnh tái chế chất thải rắn công nghiệp, phấn đấu đưa tỷ lệ tái chế chất thải rắn công nghiệp đạt gần 30% trong năm 2025...

Sở Công thương nhấn mạnh, hình thành và phát triển các cụm, KCN theo hướng tăng trưởng xanh là nhiệm vụ quan trọng trong thời gian đến nhằm mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường, đô thị xanh. Về định hướng quản lý, bảo vệ môi trường giai đoạn 2021-2025, đối với các cụm, KCN mới, sẽ xây dựng trên tiêu chí thân thiện với môi trường và tham mưu thành phố có các chính sách thu hút đầu tư các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường.

Còn đối với các KCN hiện hữu và Khu CNC, sẽ tăng cường giám sát thường xuyên việc chấp hành quy định pháp luật về môi trường, nhất là trong hoạt động xả nước thải và khí thải; xây dựng cơ chế, nguồn vốn khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới dây chuyền sản xuất theo hướng sử dụng hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp hợp tác, hình thành các mạng lưới cộng sinh công nghiệp...

Bà Nguyễn Thị Kim Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố Đà Nẵng cho hay, từ năm 2015, ngân sách thành phố bố trí 6 tỷ đồng để thành lập Quỹ Bảo vệ môi trường nhằm huy động các nguồn vốn trong xã hội đầu tư bảo vệ môi trường.

Trong quá trình hoạt động, quỹ đã góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố cũng như mở rộng phạm vi hoạt động, loại hình hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, cá nhân về bảo vệ môi trường và khuyến khích tư nhân tham gia cung cấp các dịch vụ về xử lý rác thải, nước thải, chăm sóc cây xanh...

Để chủ động kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các cơ sở có nguồn thải lớn phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động liên tục và truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31-12. Đến nay, thành phố cũng đã hoàn thành xử lý triệt để 4/4 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng quy định phân vùng các nguồn tiếp nhận nước thải trên địa bàn thành phố, trong đó, quy định hệ số nguồn tiếp nhận nước thải và giá trị các thông số ô nhiễm có trong nước thải nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình áp dụng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải trên địa bàn thành phố.

Cạnh đó, thành phố cũng tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường với sự chủ động, tham gia tích cực của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân. Các phong trào, hoạt động, mô hình về bảo vệ môi trường như: “Ngày Chủ nhật xanh - sạch - đẹp”, “Chống rác thải nhựa”, “Phân loại rác tại nguồn”, “Kinh tế tuần hoàn”... đã trở nên thân thuộc và được nhiều cơ quan, tổ chức, hội, đoàn thể, doanh nghiệp, người dân tham gia hưởng ứng...

Với mục tiêu trở thành thành phố môi trường, thành phố đang tiếp cận các giải pháp về tăng trưởng xanh, mô hình thành phố carbon thấp, thành phố không phát thải khí nhà kính... và cũng đang tiếp cận rất nhiều cơ hội để ứng dụng giải quyết các thách thức về vấn đề suy giảm tài nguyên, ô nhiễm môi trường...

MINH HÀ

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích