Đầu tháng 11 vừa qua, thành phố Đà Nẵng đã có buổi làm việc với đại diện Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam về báo cáo đầu kỳ dự án khảo sát thu thập số liệu nghiên cứu dự án phát triển cảng Liên Chiểu, trong đó có hạng mục công trình bến cảng Liên Chiểu. Tại đây, Đà Nẵng mong muốn phía JICA nhanh chóng hoàn thành khảo sát dự án để sớm khởi động trong năm 2021.
Khu vực dự kiến xây dựng bến cảng Liên Chiểu. Ảnh: THÀNH LÂN |
Liên quan đến dự án này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cũng vừa có công văn về việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn dự án bến cảng Liên Chiểu với tổng vốn đầu tư phần cơ sở hạ tầng dùng chung hơn 3.426 tỷ đồng. Cụ thể, Bộ KH&ĐT đang dự kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ và Quốc hội xem xét hỗ trợ 2.000 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương hỗ trợ dự án liên vùng trong giai đoạn 2021-2025, trong đó kế hoạch năm 2021, dự kiến bố trí 200 tỷ đồng để thực hiện dự án; về ngân sách Trung ương hỗ trợ số vốn tính điểm (theo nguyên tắc tiêu chí, định mức hỗ trợ địa phương) là gần 995 tỷ đồng, số vốn còn lại của hạng mục xây lắp, thành phố Đà Nẵng có trách nhiệm bố trí trong kế hoạch trung hạn 2021-2025 và huy động nguồn ngân sách địa phương để hoàn thành dứt điểm dự án.
Động thái này cho thấy Chính phủ và các ngành chức năng quyết tâm đẩy nhanh triển khai dự án bến cảng Liên Chiểu. Theo Chánh Văn phòng Sở KH&ĐT thành phố Trần Văn Hoàng, trong Đồ án điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xác định rõ nhiệm vụ sớm triển khai xây dựng cảng Liên Chiểu thành cảng loại 1A theo quy hoạch hệ thống cảng quốc gia, mở rộng và chuyển đổi cảng Tiên Sa thành cảng du lịch quốc tế.
Phối cảnh dự án bến cảng Liên Chiểu. Ảnh: THÀNH LÂN |
Theo định hướng phát triển kết cấu hạ tầng đô thị ngành giao thông vận tải, đơn vị tư vấn sẽ nghiên cứu phát triển cảng Liên Chiểu, khu đô thị cảng và nghiên cứu mô hình cơ quan quản lý cảng thống nhất phù hợp với định hướng của quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Việc nghiên cứu này phải hoàn thành ngay trong năm 2020 để dự án có thể khởi động ngay trong năm 2021, phù hợp với giai đoạn phát triển 5 năm 2021-2025 của thành phố.
Bên cạnh mục tiêu của dự án là đáp ứng nhu cầu tăng cao về vận chuyển hàng hóa, bảo đảm phát triển bền vững kinh tế - xã hội của Đà Nẵng và trong khu vực, tăng cường kết nối trong khu vực tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, dự án còn góp phần giảm tải cho khu bến cảng Tiên Sa và Sơn Trà, giảm áp lực giao thông đường bộ đi qua nội đô Đà Nẵng. Đồng thời có tính chất kết nối liên vùng và khu vực Đông Nam Á, thúc đẩy phát triển thông thương hàng hóa của tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây, tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội cho vùng miền Trung và Tây Nguyên.
Phó Chủ tịch Hội Cầu đường thành phố Trần Dân cho biết, cảng Tiên Sa giờ không còn phù hợp, hàng hóa ra cảng phải đi qua trung tâm thành phố, vì vậy, việc cấp bách xây dựng cảng Liên Chiểu là rất cần thiết. Đại diện JICA tại Việt Nam Shinraku Takaaki cho biết, do tình hình Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động nghiên cứu, khảo sát dự án bến cảng Liên Chiểu. Tuy nhiên, dựa trên cơ sở nhu cầu sản xuất, vận tải thực tế và dự báo, các định hướng phát triển, đồ án của tư vấn sẽ đề xuất một quy hoạch bến cảng Liên Chiểu theo hướng hiện đại; công nghệ quản lý vận hành cảng mới nhất; đánh giá tính khả thi tài chính của dự án; phân định rõ khu vực đầu tư công và và khu vực đầu tư tư nhân, đề xuất hướng tuyến đường nối phù hợp với cảng Liên Chiểu và kết cấu hạ tầng đường hiện hữu… Mục tiêu cuối cùng là xây dựng cảng Liên Chiểu tăng được tính hấp dẫn, khả năng thu hút đầu tư cùng khả năng cạnh tranh với các cảng khác.
Được biết, hiện công việc triển khai dự án đã đi đến công đoạn cuối cùng. Theo báo cáo của Sở KH&ĐT năm 2018, căn cứ hồ sơ trình của UBND thành phố Đà Nẵng, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã chủ trì lấy ý kiến của các bộ ngành liên quan và có báo cáo thẩm định nghiên cứu tiền khả thi dự án. Tiếp đó, trên cơ sở tờ trình của UBND thành phố, Bộ KH&ĐT đã tổ chức thẩm định và có báo cáo kết quả thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn dự án.
Đến ngày 31-3, UBND thành phố có tờ trình trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Ngày 4-5-2020, Văn phòng Chính phủ có công văn số truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng giao Bộ KH&ĐT hướng dẫn về nguồn vốn, Bộ GTVT thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ. Ngày 15-5, Bộ GTVT có công văn đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở ban ngành phối hợp Cục Hàng hải Việt Nam nghiên cứu, hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu gửi Bộ GTVT thẩm định các nội dung liên quan theo quy định. Ngày 5-6, Bộ KH&ĐT có ý kiến về cơ cấu nguồn vốn giai đoạn 2016-2020 và hướng dẫn bố trí nguồn vốn giai đoạn 2021-2025.
Tiếp đến, ngày 19-6, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ về bổ sung kết quả thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu (phần cơ sở hạ tầng dùng chung). Ngày 5-11-2020, Bộ KH&ĐT đã có công văn về việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn dự án bến cảng Liên Chiểu và hiện Ban Quản lý các dự án công trình giao thông đã trình Sở Xây dựng thẩm định quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 dự án.
Dự án cảng Liên Chiểu Đà Nẵng gồm 2 phần: phần cơ sở hạ tầng dùng chung và phần kêu gọi đầu tư. Trong đó, đối với phần cơ sở hạ tầng dùng chung cảng Liên Chiểu sẽ đáp ứng yêu cầu cơ sở hạ tầng cho phát triển 2 bến ban đầu, có khả năng tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 TEU; bảo đảm lượng hàng thông qua từ 3,5-5,0 triệu tấn/năm và phát triển các bến tiếp theo theo quy hoạch... Dự kiến, tổng mức đầu tư cho hợp phần này 3.426 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 2.995 tỷ đồng, còn lại là chi phí giải phóng mặt bằng, quản lý dự án, tư vấn và dự phòng. |
THÀNH LÂN