Nhiều tàu, thuyền vươn khơi đánh bắt hải sản sau bão số 13

.

Những ngày qua, tranh thủ thời tiết thuận lợi sau bão số 13, phần lớn tàu cá của ngư dân Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung đã vươn khơi đánh bắt thủy sản sau hơn 1 tháng neo đậu tránh các cơn bão.

Các tàu cá còn đang neo đậu trong âu thuyền Thọ Quang ra khơi đánh bắt hải sản. 			           Ảnh: HOÀNG HIỆP
Các tàu cá còn đang neo đậu trong âu thuyền Thọ Quang ra khơi đánh bắt hải sản. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Tại âu thuyền Thọ Quang, các xưởng đá cây hoạt động hết công suất, vừa chuyển đá xuống tàu thông qua băng chuyền và máy xay, vừa chở đá bằng các loại xe lên các cầu cảng để đưa xuống tàu. Những xe chở khách loại 12 chỗ ngồi từ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Quảng Ngãi chạy vào các tuyến đường Lê Đức Thọ, Hồ Hán Thương, Vân Đồn... vừa trả khách là ngư dân, vừa dỡ xuống các loại thực phẩm, nước uống... do chủ tàu cá chuẩn bị từ quê nhà, để có thể nhanh chóng lên tàu ra khơi.

Ngư dân Nguyễn Văn Thắng (trú huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) cho hay: “Chúng tôi đã neo tàu tại Đà Nẵng hơn 1 tháng rồi. Sau khi bão số 13 tan là chúng tôi ra khơi đánh bắt cá và tranh thủ hoàn thành chuyến biển trong 10 ngày”. Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, trước lúc ra khơi, nhiều ngư dân cho biết, do lo ngại còn xuất hiện nhiều cơn bão mạnh liên tiếp nên ngư dân tranh thủ chuyến biển trong nửa cuối tháng 11 để đánh bắt ở ngư trường các vùng biển nam Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, từ Bình Định đến Ninh Thuận, vùng biển quần đảo Trường Sa và phía đông, phía nam quần đảo Hoàng Sa.

Tranh thủ ra khơi trên con tàu vừa đóng mới, ngư dân Nguyễn Vũ (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) phấn khởi nói: “Sau các trận bão liên tiếp, “trời yên biển lặng” được hơn 10 ngày nên chúng tôi phải tranh thủ ra khơi ngay để kiếm cá nổi sau bão lớn”.

Theo ghi nhận, trong những ngày qua, nhiều ngư dân các phường Mân Thái, Thọ Quang, Nại Hiên Đông, An Hải Tây, An Hải Bắc (quận Sơn Trà); Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây, Xuân Hà (quận Thanh Khê) đã tranh thủ thời tiết thuận lợi sau bão số 13 để đánh cá, tôm, ghẹ... ở khu vực ven bờ. Nhiều ngư dân đã thu được từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng sau mỗi đêm đánh bắt.

“Thả lưới đánh bắt cá ven bờ những ngày sau bão khá hiệu quả. Đêm nào cũng được 1 thùng đầy cá, tôm, ghẹ các loại... mang lại thu nhập 1 triệu đồng/đêm, đủ để trang trải sinh hoạt qua ngày và nuôi con cái ăn học”, ngư dân Trần Quang (phường Mân Thái, quận Sơn Trà) phấn khởi nói.

Trưởng Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang Huỳnh Văn Phương thông tin, trong những ngày qua, nhiều ngư dân đã tranh thủ thời tiết không có bão trong 10 ngày để ra khơi, đánh bắt hải sản. Số lượng tàu cá của ngư dân Đà Nẵng và các tỉnh neo đậu trú bão số 13 trong âu thuyền Thọ Quang lên đến 1.038 chiếc và có 857 tàu đã ra khơi, hiện chỉ còn neo đậu trong âu thuyền 181 tàu cá.

Đặc biệt, nhiều tàu cá của ngư dân Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung đánh bắt ở các ngư trường cũng đã mang về cảng cá Thọ Quang hàng tấn hải sản các loại, cung cấp cho thị trường Đà Nẵng sau bão.

Việc có thêm thu nhập ổn định từ những chuyến ra khơi được mùa sẽ giúp ngư dân ổn định cuộc sống, vững tin hơn vào công việc vừa đánh bắt hải sản, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích