Những năm qua, thành phố có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ và ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm tạo nền tảng vững chắc, góp phần phát triển ngành công nghiệp nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nói chung.
Để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, thời gian qua thành phố triển khai nhiều chương trình, chính sách thiết thực, hiệu quả. TRONG ẢNH: Các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham quan các gian hàng giới thiệu sản phẩm tại “Hội nghị kết nối công nghiệp hỗ trợ Đà Nẵng năm 2019”. Ảnh: KHÁNH HÒA |
Theo Sở Công thương, hiện thành phố có khoảng 110 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chiếm khoảng 6,3% tổng số doanh nghiệp công nghiệp đang hoạt động. Trong đó, có 29 doanh nghiệp FDI, chiếm 1/4 số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Doanh nghiệp trong nước chiếm gần 1/2, tập trung nhiều ở lĩnh vực cơ khí chế tạo máy. Giai đoạn 2016 - 2020, thành phố thu hút số lượng đáng kể các dự án đầu tư mới trong ngành công nghiệp hỗ trợ, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong các lĩnh vực sản xuất linh kiện, bộ phận, phụ tùng, nguyên vật liệu, máy móc phục vụ sản xuất, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh... Trong đó, các khu công nghiệp, Khu Công nghệ cao thu hút 24 dự án công nghiệp hỗ trợ, gồm 9 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 1.402 tỷ đồng và 15 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 311,9 triệu USD (tương đương khoảng 7.640 tỷ đồng).
Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thị Thúy Mai cho biết, với các chính sách chung của cả nước và chính sách riêng của thành phố Đà Nẵng, giai đoạn 2016-2020, ngành công nghiệp hỗ trợ của thành phố đang dần phát triển, thu hút khá nhiều dự án đầu tư mới, đầu tư bổ sung, trong đó khối doanh nghiệp FDI đóng vai trò quan trọng. Giá trị tăng thêm của công nghiệp hỗ trợ tăng lên, làm tăng tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo, góp phần từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong thời gian tới, khi các dự án công nghiệp hỗ trợ quy mô lớn đang triển khai đi vào hoạt động sẽ tạo ra thay đổi lớn về tỷ trọng của công nghiệp hỗ trợ trong cơ cấu giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp thành phố nói chung và công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng.
Tuy vậy, cũng theo bà Nguyễn Thị Thúy Mai, ngành công nghiệp hỗ trợ của Đà Nẵng còn nhiều hạn chế như: số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói chung, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh nói riêng ít, quy mô nhỏ; trình độ công nghệ ở mức trung bình, năng lực hấp thu công nghệ mới hạn chế; sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm công nghiệp hỗ trợ yếu, giá thành cao, chất lượng không ổn định. Doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực gia công, lắp ráp là chủ yếu. Tuy có công nghệ tiến tiến hơn nhưng hầu như chỉ sản xuất sản phẩm phục vụ cho nhu cầu nội bộ của công ty mẹ, hoặc xuất khẩu.
Để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, Đà Nẵng đang tích cực hoàn thành và sớm đưa vào hoạt động Khu Công nghiệp hỗ trợ Khu Công nghệ cao Đà Nẵng; đầu tư nhà xưởng xây sẵn theo quy chuẩn quốc tế trong các khu công nghiệp, khu công nghệ cao; quy hoạch, hình thành các phân khu chức năng dành riêng cho phát triển công nghiệp hỗ trợ trong các khu công nghiệp tại thành phố, nhất là các khu công nghiệp mới; chủ động làm việc với Bộ Công thương về việc xây dựng Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng tại Khu Công nghiệp hỗ trợ Khu Công nghệ cao… Đồng thời, thành phố tiếp tục thực hiện chính sách cho vay với lãi suất ưu đãi đối với dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ ưu tiên từ Quỹ Đầu tư phát triển thành phố; tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương và các tổ chức quốc tế để phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố…
Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, để thu hút đầu tư trong lĩnh vực này, cần chú trọng thu hút các công ty, tập đoàn đa quốc gia trong và ngoài nước, dự án đầu tư FDI quy mô lớn có gắn với chính sách phát triển nhà cung cấp nội địa trên cơ sở mức độ ưu đãi và hỗ trợ được hưởng; đồng thời nghiên cứu xây dựng và thực hiện thí điểm một số chính sách hỗ trợ đặc thù đối với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong Khu Công nghiệp hỗ trợ Khu Công nghệ cao Đà Nẵng …
Sở Công thương cho biết, trong giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn đến 2045, thành phố xác định thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ theo hướng tăng số lượng và năng lực sản xuất, tạo ra các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao với định hướng lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển gồm: công nghiệp công nghệ cao, điện tử - viễn thông, sản xuất - lắp ráp ô-tô, cơ khí trọng điểm. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, tăng số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại thành phố, trong đó có ít nhất 10% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp; thu hút ít nhất một công ty, tập đoàn đa quốc gia sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh đầu tư vào Đà Nẵng; công nghiệp hỗ trợ chiếm khoảng 30% giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. |
KHÁNH HÒA