KỶ NIỆM 46 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG (29-3-1975 - 29-3-2021)

Xứng đáng với kỳ vọng là mũi nhọn chiến lược

.

Qua 25 năm xây dựng và phát triển, Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp (KCNC&CKCN) Đà Nẵng đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung, ngành công nghiệp thành phố nói riêng, đóng góp quan trọng làm gia tăng tỷ trọng trong cơ cấu GRDP của thành phố qua từng năm.

Công nghiệp công nghệ cao ngày càng đóng góp vào tỷ trọng kinh tế thành phố. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Universal Alloy Corporation Vietnam (Khu Công nghệ cao). (Ảnh chụp cuối tháng 2-2021) 				  	                    Ảnh: K.NINH
Công nghiệp công nghệ cao ngày càng đóng góp vào tỷ trọng kinh tế thành phố. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Universal Alloy Corporation Vietnam (Khu Công nghệ cao). (Ảnh chụp cuối tháng 2-2021). Ảnh: K.NINH

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kim ngạch xuất khẩu

Theo Ban Quản lý KCNC&CKCN Đà Nẵng, trong 15 năm qua, các dự án đầu tư trong nước và đầu tư FDI đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Riêng giai đoạn 2016-2020, hoạt động thu hút đầu tư vào các KCN, KCNC đạt được nhiều kết quả nổi bật. Lũy kế đến nay, KCNC&CKCN đã thu hút 490 dự án, trong đó 362 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn hơn 1,1 tỷ USD và 128 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 1,59 tỷ USD.

Cũng trong giai đoạn này, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đóng góp bình quân hơn 9% giá trị gia tăng toàn nền kinh tế; khu vực ngoài Nhà nước đóng góp hơn 49,5% và khu vực FDI đóng góp 10,39% nguồn vốn đầu tư phát triển; tạo việc làm cho gần 10.000 lao động và thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thành phố.

Hoạt động hiệu quả của KCNC&CKCN góp phần tăng bình quân 10%/năm vào tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố giai đoạn 2016-2020 với xấp xỉ 5,9 tỷ USD. Riêng khu vực FDI đã đóng góp bình quân 53,07% tổng giá trị xuất khẩu. Trong đó, KCNC được kỳ vọng là một trong 3 mũi nhọn thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố trong thời gian đến.

Theo ông Phạm Trường Sơn, Trưởng ban quản lý KCNC&CKCN thành phố, trên cơ sở triển khai Kết luận số 30-KL/TU ngày 26-4-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về đẩy mạnh thu hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016-2020 và chủ đề “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư”, liên tiếp trong 3 năm, (2018-2020) tình hình thu hút đầu tư vào KCNC&CKCN có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, KCNC Đà Nẵng là 1 trong 3 KCNC của cả nước được Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù.

“Sự có mặt của các dự án, nhà đầu tư trong và ngoài nước đã góp phần làm gia tăng năng lực sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Bên cạnh đó, việc xây dựng thương hiệu điểm đến đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài đã thúc đẩy hội nhập quốc tế và thiết lập quan hệ hợp tác của Đà Nẵng với nhiều quốc gia trên thế giới trên nhiều lĩnh vực”, ông Sơn đánh giá.

Là một trong những nhà đầu tư có mặt sớm nhất tại Đà Nẵng, ông Ikeda Naoatsu, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam chia sẻ: “Thời gian chúng tôi đến xây dựng nhà máy đầu tiên (vào năm 2005), cả khu vực quận Liên Chiểu (hiện nay) chỉ là những đồi cát và hàng phi lao chạy dọc bờ biển. Khu công nghiệp Hòa Khánh chỉ có vài nhà máy mới hình thành.

Sau 15 năm, tôi chứng kiến sự đổi thay ngoạn mục của Đà Nẵng. Quận Liên Chiểu hiện nay là khu phố sầm uất với dân cư đông đúc, nhà máy mọc lên rất nhiều. Đặc biệt, thành phố hình thành KCNC với những định hướng đúng đắn. Công tác thu hút đầu tư được quan tâm cho thấy quyết tâm, khát vọng của thành phố đối với việc đầu tư, phát triển kinh tế, trong đó có ngành công nghiệp”.

Đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển KCNC đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, định hướng phát triển KCNC Đà Nẵng bảo đảm 3 cấu thành cơ bản, liên quan chặt chẽ gồm: khu nghiên cứu và phát triển làm nhiệm vụ dẫn dắt các nghiên cứu, thí nghiệm chuyển giao ứng dụng công nghệ, đào tạo đội ngũ chuyên gia công nghệ cao; khu sản xuất các sản phẩm CNC theo nhu cầu của các cơ sở công nghiệp, khoa học và công nghệ trong nước và khu vực; khu thương mại- dịch vụ làm nhiệm vụ thương mại hóa các sản phẩm công nghệ, kiểm định, giao dịch, thương mại, chuyển giao công nghệ và các sản phẩm CNC, đầu mối xuất nhập khẩu và trung chuyển các sản phẩm công nghệ. Dựa trên những định hướng đó, thời gian tới, Đà Nẵng ưu tiên thu hút vốn FDI vào các ngành nghề đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0 như: công nghiệp công nghệ thông tin, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, công nghệ cao và các dự án về nghiên cứu và phát triển...

Để thúc đẩy ngành công nghiệp nói chung, trong đó hạt nhân là KCNC, thành phố đã phê duyệt Đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển các KCN thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Trong đó, đặt mục tiêu giai đoạn 2020-2025 sẽ thu hút ít nhất 3 dự án có quy mô vốn hơn 100 triệu USD, có sức lan tỏa vào KCNC, tỷ lệ đóng góp của KCNC Đà Nẵng vào GRDP của thành phố đạt tối thiểu 10% đến năm 2025. Đến năm 2030, phát triển KCNC Đà Nẵng đồng bộ với các KCNC Hòa Lạc và KCNC Thành phố Hồ Chí Minh, trở thành hạt nhân phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Để đạt mục tiêu nói trên, thành phố đang đẩy mạnh triển khai nhiều giải pháp, trong đó, quyết liệt rà soát và có sử dụng quỹ đất đầu tư không hiệu quả trong và ngoài KCN, KCNC; tập trung tháo gỡ vướng mắc và bảo đảm triển khai đúng tiến độ dự án KCNC và điều chỉnh, mở rộng KCNC; đẩy nhanh thủ tục thành lập, lựa chọn nhà đầu tư và hoàn thiện hạ tầng đưa vào sử dụng các khu, cụm công nghiệp mới.

Đồng thời phát triển hệ thống nhà ở xã hội, các thiết chế văn hóa- xã hội hỗ trợ cho công nhân tại các KCN; phát triển hạ tầng logistics mang tầm quốc gia và quốc tế để đảm nhận vai trò dẫn dắt thị trường và hội tụ doanh nghiệp; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; nhân rộng mô hình KCN tự đào tạo nghề, gắn kết các trường nghề với nhu cầu của doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong sản xuất.

“Qua hơn 25 năm xây dựng và phát triển, các KCN, đặc biệt KCNC đã đóng góp một phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Riêng KCNC được xác định là một trong 3 mũi đột phá chiến lược của Đà Nẵng. Thời gian đến, Đà Nẵng tập trung phát triển các ngành công nghiệp sạch có hàm lượng CNC, các sản phẩm thân thiện với môi trường, khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng sạch trong hoạt động sản xuất và phát triển các công nghệ ít phát thải. Phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường là một trong những yêu cầu quan trọng và ưu tiên hàng đầu của thành phố Đà Nẵng”, ông Phạm Trường Sơn cho hay.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.