Phát triển nhãn hiệu tập thể Nước mắm Nam Ô

.

ĐNO - Để phát triển nhãn hiệu tập thể Nước mắm Nam Ô, cần quy hoạch chung khu vực sản xuất của làng nghề bảo đảm cho các hộ sản xuất; bố trí khu vực riêng để trình diễn quy trình làm mắm, trưng bày và giới thiệu sản phẩm cho các tour du lịch...

Đó là những giải pháp được đưa ra tại hội thảo khoa học “Phát triển nhãn hiệu tập thể Nước mắm Nam Ô” do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức vào ngày 20-4. Hội thảo nhằm đánh giá thực trạng sử dụng, đề ra các giải pháp phát triển sản phẩm gắn với nhãn hiệu tập thể của Làng nghề Nước mắm Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu).

Tại hội thảo, các đại biểu đã chỉ ra một số thách thức như: sự cạnh tranh của nước mắm phi truyền thống, thiếu nhân lực kế thừa nghề, yêu cầu nguyên liệu đầu vào cao, các đặc thù của yếu tố tập thể (thống nhất quy trình, xây dựng và vận hành cơ chế chống hàng giả, xây dựng chiến lược truyền thông/kinh doanh chung)…

Bên cạnh đó, đề cập đến việc các doanh nghiệp phải chủ động, tích cực tham gia xúc tiến thương mại, cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và làm quà tặng của du khách…

Hội làng nghề truyền thống Nước mắm Nam Ô được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể Nước mắm Nam Ô vào tháng 12-2009, được gia hạn vào tháng 1-2018. Năm 2019, nghề làm nước mắm Nam Ô được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận Di sản phi vật thể quốc gia.

Hiện Hội làng nghề có 61 hộ tham gia, qua đó tạo việc làm bền vững cho khoảng vài trăm lao động địa phương với mức thu nhập 3-5 triệu đồng/tháng. Cuối tháng 3-2020, đề án “Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng” được phê duyệt và triển khai nhằm đưa nước mắm Nam Ô thành sản phẩm du lịch, xây dựng làng nghề thành điểm du lịch của thành phố, khai thác các tiềm năng di tích, hoạt động văn hóa văn nghệ của địa phương.

PHONG LAN

;
;
.
.
.
.
.