Cơ hội để làng nghề nước mắm Nam Ô phát triển và thành điểm du lịch

.

Đề án “Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng” (gọi tắt là đề án) vừa được UBND thành phố phê duyệt là tin vui không chỉ đối với những hộ dân làm nước mắm tại vùng đất Nam Ô (quận Liên Chiểu) mà còn là động lực, tạo đà để thúc đẩy làng nghề địa phương phát triển, từng bước trở thành điểm đến du lịch của thành phố.

Người dân làng nghề nước mắm Nam Ô sẽ được hỗ trợ nhiều hơn khi đề án bảo tồn làng nghề được thực  hiện. Ảnh: THU HÀ
Người dân làng nghề nước mắm Nam Ô sẽ được hỗ trợ nhiều hơn khi đề án bảo tồn làng nghề được thực hiện. Ảnh: THU HÀ

Với nhiều người dân Đà Nẵng nói chung, người dân vùng đất Nam Ô nói riêng, nước mắm Nam Ô đã trở nên thân thuộc trong mỗi bữa ăn hằng ngày. Chị Trần Thị Hương (trú phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê) cho hay, từ rất lâu rồi, gia đình chị đã quen ăn nước mắm Nam Ô do chính những người dân địa phương ủ, muối nên thông tin làng nghề được thành phố quan tâm, đầu tư để phát triển hơn nữa là điều đáng mừng cho làng nghề. 

Là một trong những đơn vị tham gia sản xuất tại làng nghề nước mắm Nam Ô, ông Nguyễn Thanh Phú, Giám đốc Công ty TNHH Mắm Hồng Hương, cho rằng được thành phố quan tâm, hỗ trợ là tín hiệu vui cho những người làm nghề, vì khi đề án được triển khai, làng nghề sẽ có cơ hội ổn định phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân địa phương.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, hiệu quả phát triển của làng nghề vẫn chưa cao. Ông Phú kỳ vọng, qua đề án này, vai trò của người dân địa phương, những người trực tiếp làm nước mắm Nam Ô sẽ được nâng cao hơn thông qua việc hỗ trợ tập huấn về kỹ thuật, tay nghề cũng như mở rộng diện tích sản xuất (do làng nghề Nam Ô hiện nay diện tích đất chật rất khó phát triển)… để tăng sản lượng nước mắm hằng năm. Bên cạnh đó, cần có giải pháp quảng bá sâu rộng, đồng thời sớm có chỉ dẫn địa lý cho làng nghề để người dân và du khách dễ dàng tìm kiếm.

Đồng quan điểm, ông Phan Công Quang, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp Ô Long (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) cho rằng, nếu đề án này hỗ trợ cho người dân làng nghề phát triển sản phẩm thì rất tốt, tạo cơ hội cho các cơ sở sản xuất giới thiệu sản phẩm ở các thị trường xa; đầu tư trang thiết bị, máy móc trong việc sản xuất nước mắm...

Theo ông Quang, việc bảo tồn làng nghề nước mắm là rất cần thiết vì nước mắm Nam Ô là thương hiệu chung của cả làng nghề. Riêng thành phẩm của mỗi đơn vị sản xuất là khác nhau vì mỗi người có một bí quyết sản xuất riêng; do đó, để gắn việc bảo tồn làng nghề với phát triển du lịch cần có định hướng phát triển cụ thể.

“Như tại HTX Dịch vụ tổng hợp Ô Long có thể mở cửa miễn phí cho khách du lịch tham quan. HTX sẽ trình diễn các thao tác lọc mắm, chiết mắm… cho du khách thấy và thử thành phẩm, để rồi du khách có thể mua về hoặc không mua cũng không sao; bởi quan điểm của HTX là khách du lịch đến chính là một kênh để quảng bá sản phẩm nước mắm. Khách thấy, thích, mua về sẽ giới thiệu với bạn bè, người thân…”, ông Quang phân tích.

Trong chuyến tham gia khảo sát phát triển du lịch cộng đồng tại Nam Ô mới đây, ông Phạm Hải Quỳnh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch cộng đồng Việt Nam đánh giá, muốn du lịch cộng đồng phát triển, làng nghề phải phát triển bền vững, cộng đồng dân cư phải sống được nhờ làng nghề đó.

Làng nghề nước mắm Nam Ô có nhiều lợi thế vì đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận nằm trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019, giờ lại được thành phố Đà Nẵng ban hành đề án bảo tồn làng nghề gắn với phát triển du lịch, tức là được sự quan tâm của các cấp, ngành…

Đề án Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng sẽ là cú hích để làng nghề phát triển. Trong ảnh: Người dân ở làng nghề nước mắm Nam Ô đang cho ra lò một mẻ sản phẩm mới. 		                 Ảnh: THU HÀ
Đề án Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng sẽ là cú hích để làng nghề phát triển. Trong ảnh: Người dân ở làng nghề nước mắm Nam Ô đang cho ra lò một mẻ sản phẩm mới. Ảnh: THU HÀ

Như vậy, nước mắm Nam Ô là một thương hiệu nổi tiếng, để thu hút khách du lịch, cần các sản phẩm dịch vụ xoay quanh trục thương hiệu này. Nghĩa là du khách đến tham quan làng nghề, có thể trải nghiệm dịch vụ, thưởng thức sản phẩm, mua về. Muốn làm được thì cần có sự chung tay của cộng đồng, phải tạo ra một sản phẩm chuẩn của nước mắm Nam Ô, có nơi để người dân trưng bày, giới thiệu sản phẩm, người dân phải được đào tạo các kỹ năng phát triển du lịch…

Có thể lúc đầu chưa nhiều người biết đến và mua sản phẩm, nhưng dần dần khi trở thành điểm đến, du khách sẽ tới nhiều hơn và sẽ mua sản phẩm… Quyền lợi của cộng đồng được bảo đảm thì làng nghề sẽ phát triển ổn định, lâu dài.

Ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu cho hay, việc đề án được phê duyệt cho thấy thành phố rất quan tâm đến làng nghề. Người dân làng nghề vui mừng khi làng nghề được quan tâm, đầu tư. Ở góc độ địa phương, quận sẽ sớm triển khai các hạng mục trong thẩm quyền để đề án sớm đi vào hiện thực.

Điều quan trọng ở đây không chỉ là ở bảo tồn làng nghề theo hướng bền vững mà còn phải bảo đảm để những người dân làm nghề sống được bằng nghề làm nước mắm Nam Ô. Có phát triển bền vững thì mới có thể khai thác du lịch bền vững, đưa làng nghề trở thành sản phẩm du lịch, một điểm đến được đông đảo du khách trong nước và quốc tế biết tới. Đây được coi là “cú hích” để vùng đất Nam Ô thức giấc và phát triển.

Đề án “Bảo tồn làng nghề nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng” được Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh phê duyệt ngày 31-3-2020. Tổng kinh phí dự trù 4,665 tỷ đồng (chưa tính kinh phí chỉnh trang đô thị trong làng nghề và đầu tư khu trưng bày làng nghề).

Đề án có các mục tiêu cụ thể như: đưa sản phẩm nước mắm Nam Ô trở thành sản phẩm du lịch, trong đó đạt sản lượng nước mắm tiêu thụ từ 200.000 - 250.000 lít/năm; nâng cao chất lượng mẫu mã, bao bì, nhãn mác của sản phẩm để tạo thương hiệu; tăng thu nhập bình quân đầu người từ nghề đạt 3 - 4 triệu đồng/người/tháng năm 2021 và đạt 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng vào năm 2025...; xây dựng làng nghề nước mắm Nam Ô trở thành điểm du lịch của thành phố nhằm giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm nước mắm và các sản phẩm liên quan của làng nghề; khai thác các tiềm năng di tích, phong cảnh cũng như các hoạt động văn hóa văn nghệ của địa phương...

THU HÀ

 

;
;
.
.
.
.
.