Xử lý nuôi thủy sản trái phép trên sông, vịnh: Cần giải pháp đồng bộ

.

Những năm qua, UBND thành phố có nhiều văn bản yêu cầu chấm dứt việc nuôi cá bằng lồng, bè trên các sông Cẩm Lệ, Cổ Cò và vịnh Mân Quang. Tuy nhiên đến nay, tình trạng này vẫn còn tiếp diễn. Hiện nay, các địa phương đang khẩn trương rà soát, chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy, hải sản trên các sông, vịnh và xử lý dứt điểm trong năm 2021.

Các địa phương đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân chấm dứt việc nuôi cá lồng bè trên sông. TRONG ẢNH: Người dân nuôi cá lồng bè dưới cầu Nguyễn Tri Phương, quận Cẩm Lệ. 						           Ảnh: VĂN HOÀNG
Các địa phương đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân chấm dứt việc nuôi cá lồng bè trên sông. TRONG ẢNH: Người dân nuôi cá lồng bè dưới cầu Nguyễn Tri Phương, quận Cẩm Lệ. Ảnh: VĂN HOÀNG

Bài 1: Nhiều lồng bè nuôi thủy sản trái phép

Hiện nay, tình trạng nuôi cá bằng lồng bè trái phép trên sông mặc dù đã được các địa phương kiểm tra, chấn chỉnh nhưng chưa chấm dứt.

Ghi nhận thực tế trên địa bàn quận Cẩm Lệ, ngay từ chân cầu Hòa Xuân đến lưu vực sông Vĩnh Điện (bến Đò Toản, phường Hòa Xuân), hàng chục hộ dân tập trung nuôi cá lồng bè trên tuyến sông này. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ Võ Thiên Sinh, trước đây, các hộ nuôi cá trên địa bàn đều làm ngư nghiệp, chủ yếu đánh bắt cá. Sau giải tỏa đền bù, do chuyển đổi ngành nghề không phù hợp, nhiều người đã quay trở lại bám nghề bằng việc nuôi cá lồng bè.

Những năm qua, thực hiện chỉ đạo của các cấp thành phố, quận đã nhiều lần thông báo, tuyên truyền đến người dân về việc chấm dứt hoạt động nuôi trồng thủy sản trên sông; đồng thời, tập trung kiểm soát, không cho phát sinh các hộ nuôi mới. Tính đến nay, đã có 7 hộ dân tự nguyện dừng việc nuôi cá, chuyển đổi sang ngành nghề khác. Hiện vẫn còn 44 hộ nuôi cá với 52 bè, 248 lồng tại tuyến sông Cẩm Lệ.

Nhiều năm nuôi cá lồng bè tại lưu vực sông Cổ Cò, ông Ngô Khỏa (trú phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) cho hay, cuộc sống gia đình ông trước đây khá khó khăn. Từ khi chuyển sang nuôi cá, kinh tế ổn định, gia đình ông thoát cảnh nghèo khó và có điều kiện để lo cho con cái ăn học. Nhiều lần được địa phương tuyên truyền, vận động, ông Khỏa cũng muốn dừng việc nuôi cá trên sông nhưng đây là nguồn sinh kế chính của gia đình, vốn đầu tư ban đầu nhiều.

Vì vậy, nếu không nuôi cá nữa, ông cũng không biết làm nghề gì để ổn định cuộc sống, một phần do tuổi tác cũng đã lớn, quen làm tự do và không có nguồn vốn để kinh doanh, buôn bán. Hiện tại, ông Khỏa đang nuôi 8 lồng bè cá diêu hồng trên sông Cổ Cò với phương pháp xoay vòng nhiều lứa cá.

Đại diện Phòng Kinh tế quận Ngũ Hành Sơn cũng cho biết, tính đến tháng 1-2021, qua công tác kiểm tra, rà soát, trên địa bàn quận hiện có 38 lồng bè nuôi cá tự phát, trong đó, chủ yếu nuôi tại lưu vực sông Cổ Cò. Phòng Kinh tế quận đã lập hồ sơ, thông tin của từng hộ nuôi; nhiều lần tổ chức tuyên truyền, vận động người dân chấm dứt việc nuôi trồng thủy sản trên lưu vực sông Cổ Cò.

Tuy nhiên, đối với các hộ nuôi cá có địa chỉ thường trú tại các quận, huyện khác, việc liên lạc hoặc gặp mặt khá khó khăn vì các hộ né tránh, khiến việc xác nhận chính xác thông tin các hộ đang neo đậu trên sông Cổ Cò bị chậm lại.

Được biết, trong quá trình tuyên truyền, vận động, UBND quận Ngũ Hành Sơn cũng nhận được nhiều kiến nghị của nhân dân, chủ yếu về các vấn đề chuyển đổi ngành nghề; hỗ trợ kinh phí đầu tư lồng, bè nuôi ban đầu; qua đó đề xuất UBND thành phố có chủ trương nghiên cứu, xem xét quy hoạch phát triển vùng nuôi trồng thủy sản để người dân có thể tiếp tục bám trụ với nghề.

Thành phố kiên quyết xử lý tình trạng nuôi cá bằng lồng bè trái phép nhằm bảo đảm cảnh quan, môi trường. TRONG ẢNH: Những bè nuôi cá nhếch nhác đã tồn tại nhiều năm trên vịnh Mân Quang, quận Sơn Trà. Ảnh: QUỲNH TRANG
Thành phố kiên quyết xử lý tình trạng nuôi cá bằng lồng bè trái phép nhằm bảo đảm cảnh quan, môi trường. TRONG ẢNH: Những bè nuôi cá nhếch nhác đã tồn tại nhiều năm trên vịnh Mân Quang, quận Sơn Trà. Ảnh: QUỲNH TRANG

Mất mỹ quan, ảnh hưởng môi trường

Tại vịnh Mân Quang (quận Sơn Trà) hiện có 484 lồng bè, 110 rò nghêu, 106 chòi canh, nhà tạm của 234 hộ nuôi trồng thủy sản các loại, chủ yếu là các loại như: cá, hàu, vẹm, nghêu, bợp bợp... Khu vực vịnh có diện tích nhỏ nhưng tỷ lệ các bè dày đặc, san sát, không chỉ mất mỹ quan mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường nước.

Ông Võ Đình Công, Chủ tịch UBND phường Thọ Quang cho biết, từ năm 2019 đến nay, UBND phường đã nhiều lần mời các hộ dân nuôi trồng thủy sản trái phép gặp mặt, vận động các hộ dân nuôi trồng thủy sản trái phép tự tháo dỡ lồng bè. Qua đó, cam kết không được thả con giống mới, không sửa chữa, làm mới và sang nhượng lồng bè. Tuy nhiên, hầu hết các hộ này có hoàn cảnh khó khăn, xưa nay sống bám vào biển, vào nghề nuôi cá lồng bè trên vịnh Mân Quang nên khó bỏ nghề.

“Địa phận vịnh Mân Quang (do UBND phường Thọ Quang quản lý) có 128 hộ nuôi, trong đó có 59 hộ không phải là người địa phương. Mặc dù chúng tôi thường xuyên tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhưng vấn đề cốt lõi là chuyển đổi ngành nghề cho người dân thì chưa làm được nên việc tuyên truyền không đạt hiệu quả như mong đợi”, ông Công nói.

Theo ông Cao Đình Hải, Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông, từ năm 2019 đến nay, phường gửi thông báo hằng tháng đến các hộ nuôi cá bằng lồng, bè dừng thả cá trên vịnh Mân Quang với tần suất dày đặc: 1 tháng/thông báo. Trong quý 1, UBND phường đã nhiều lần thông báo, vận động, tuyên truyền các hộ đang nuôi trồng tại vịnh Mân Quang nắm rõ chủ trương của thành phố để thực hiện tháo dỡ. Trong trường hợp chủ hộ không nhận được thông báo hoặc không có mặt tại địa phương thì niêm yết thông báo tại UBND phường. Dự kiến trong quý 2-2021, địa phương sẽ tổ chức ra quân tháo dỡ xong. Sau đó, phường phối hợp giao cho Đồn Biên phòng Sơn Trà tham gia giám sát, không để phát sinh mới lồng bè trái phép tại vịnh Mân Quang khi đã tiến hành tháo dỡ.

Nhằm thể hiện quyết tâm xóa bỏ tình trạng nuôi cá lồng bè trên sông, vịnh, UBND quận Sơn Trà đã có kế hoạch ra quân tháo dỡ chòi, lồng bè nuôi trồng thủy sản trái phép tại vịnh Mân Quang. Ông Nguyễn Trần Bang, Đội trưởng Đội Kiểm tra quy tắc đô thị quận Sơn Trà cho hay: “Chúng tôi đã thông báo đến các hộ nuôi trồng bằng mọi cách phải thu hoạch cá trước ngày 20-5-2021. Sau thời gian được thông báo, nếu các hộ dân không chấp hành tháo dỡ, UBND hai phường sẽ tiến hành tháo dỡ theo kế hoạch của UBND quận. Dự kiến, hai phường ra quân đồng loạt vào ngày 25-5 và kéo dài khoảng 20 ngày”.

Tại buổi kiểm tra vào chiều 17-3 vừa qua, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị UBND thành phố sớm lấy ý kiến của UBND các quận, huyện và có báo cáo Thường trực Thành ủy về hướng xử lý dứt điểm tình trạng nuôi cá bằng lồng, bè trong năm 2021 nhằm bảo đảm môi trường, cảnh quan sông nước trên địa bàn thành phố.
Từ năm 2006 đến nay, UBND thành phố không có chủ trương phát triển nuôi thủy sản lồng bè trên các tuyến sông; đồng thời giao trách nhiệm cho UBND các quận có biện pháp quản lý, không cho người dân tăng số lượng và kích thước lồng, bè nuôi; yêu cầu xử lý dứt điểm việc nuôi trồng thủy sản tại khu vực sông Cổ Cò và sông Cẩm Lệ (Công văn số 1839/UBND-QLĐTư ngày 28-3-2006, Thông báo số 76/TB-VP ngày 28-3-2006, Công văn số 9339/UBND-KTN ngày 7-11-2012, Công văn số 9254/UBND-KTN ngày 18-10-2013, Công văn số 3055/UBND-KT ngày 27-4-2018, Công văn số 5365/UBND-KT ngày 12-7-2018 của UBND thành phố Đà Nẵng).

QUỲNH TRANG - VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.