Xuất khẩu khối doanh nghiệp nội địa khởi sắc

.

Dù chịu nhiều ảnh hưởng do tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng trong 4 tháng đầu năm nay, hoạt động xuất khẩu của thành phố ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 10,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, khối doanh nghiệp trong nước tăng 10,2% so với cùng kỳ, tiệm cận với mức tăng 10,6% của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Hoạt động xuất khẩu của khối doanh nghiệp nội địa trong 4 tháng đầu năm 2021 có nhiều tín hiệu khởi sắc.  Trong ảnh: Công nhân đang sản xuất tại Công ty CP xuất khẩu miền Trung. Ảnh: KHÁNH HÒA
Hoạt động xuất khẩu của khối doanh nghiệp nội địa trong 4 tháng đầu năm 2021 có nhiều tín hiệu khởi sắc. TRONG ẢNH: Công nhân đang sản xuất tại Công ty CP xuất khẩu miền Trung. Ảnh: KHÁNH HÒA

Tăng trưởng trên hai con số

Theo báo cáo của Sở Công thương, trong 4 tháng đầu năm 2021, hoạt động xuất khẩu của thành phố có nhiều tín hiệu tích cực. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 514 triệu USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Cụ thể, kim ngạch một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thành phố gồm: hàng dệt may ước đạt 143 triệu USD, tăng 10,4%; thủy sản ước đạt 63 triệu USD, tăng 10,5%; thủ công mỹ nghệ và sản phẩm gỗ ước đạt 6,1 triệu USD, tăng 10%; đồ chơi trẻ em ước đạt 26,6 triệu USD, tăng 10,4%; cao su thành phẩm ước đạt 21,7 triệu USD, tăng 14%; động cơ, thiết bị điện và sản phẩm điện tử ước đạt 181 triệu USD, tăng 10,4% (so với cùng kỳ năm 2020).

Khối doanh nghiệp nội địa tăng trưởng khá tốt với tổng kim ngạch xuất khẩu qua 4 tháng ước đạt 235,3 triệu USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong khi đó, khối doanh nghiệp FDI có tổng kim ngạch xuất khẩu lũy kế 4 tháng ước đạt 278,7 triệu USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo phân tích từ Sở Công thương, các lĩnh vực hàng dệt may, thủy sản, thủ công mỹ nghệ, sản phẩm gỗ, cao su thành phẩm… vẫn là thế mạnh của xuất khẩu nội địa, có đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh xuất khẩu đã góp phần giúp kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2020.

Đơn cử, nếu năm 2020, ngành dệt may gặp nhiều khó khăn thì nay đã có sự phục hồi nhờ vào các đơn hàng bắt đầu tăng trở lại trong từ quý 1-2021. Những đơn vị tên tuổi trong ngành như Tổng Công ty Dệt may Hòa Thọ, Công ty CP Dệt may 29-3... đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng về doanh thu ở mảng kinh doanh trong nước cũng như xuất khẩu.

Là doanh nghiệp nhiều năm liền có đóng góp lớn cho ngân sách thành phố, trong những tháng qua, hoạt động xuất khẩu của Công ty CP Cao su Đà Nẵng tiếp tục đà phục hồi. Doanh thu thuần trong quý 1-2021 đạt khoảng 800 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận trước thuế vượt kế hoạch đã đặt ra khoảng 66 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ 2020.

Các sản phẩm chủ lực của đơn vị ghi nhận sản lượng xuất khẩu tốt. Nếu tình hình sản xuất, kinh doanh tiếp tục khả quan, kỳ vọng cả năm 2021, Công ty CP Cao su Đà Nẵng hướng đến mục tiêu đạt mức doanh thu 4.130 tỷ đồng, trong đó, lợi nhuận trước thuế đạt gần 474 tỷ đồng, lần lượt tăng 13,3% và 47,8% so với năm 2020.

Tiếp tục duy trì tốt hoạt động xuất khẩu, nhất là mặt hàng tôm, các doanh nghiệp thủy sản lớn hàng đầu của thành phố như: Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, Công ty CP Thủy sản miền Trung… liên tiếp đón nhận tin vui với doanh thu quý 1-2021 đạt tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2020.

Riêng Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước được Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) bình chọn nằm trong top 10 doanh nghiệp thủy sản của cả nước có kim ngạch xuất khẩu thủy sản lớn trong tháng 2 và tăng so với cùng kỳ năm 2020.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho biết, nhờ duy trì tốt hoạt động sản xuất kinh doanh và chọn hướng đi đúng trong việc đẩy mạnh xuất khẩu qua thị trường các nước châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… nơi thiếu hụt nguồn cung thủy hải sản do ảnh hưởng của Covid-19 nên đơn vị đã bảo đảm được đơn hàng trong dài hạn. Kỳ vọng trong năm nay, doanh thu của công ty sẽ đạt hơn 30% so với năm trước.

Ở lĩnh vực xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ, theo ông Trương Phi Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vinafor Đà Nẵng, thị trường xuất khẩu vẫn khá ổn định, nhờ đó doanh thu xuất khẩu 4 tháng đầu năm của đơn vị tăng từ 6-8%, chủ yếu qua thị trường Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, theo ông Cường, hiện nay giá nguyên liệu đầu vào đang có xu hướng tăng nên ảnh hưởng đến chi phí trong quá trình sản xuất.

Hiện nay, dệt may, thủy sản, thủ công mỹ nghệ, cao su thành phẩm... là những sản phẩm xuất khẩu chủ lực có thế mạnh của thành phố. Trong ảnh: Công nhân đang sản xuất tại Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ. Ảnh: KHÁNH HÒA
Hiện nay, dệt may, thủy sản, thủ công mỹ nghệ, cao su thành phẩm... là những sản phẩm xuất khẩu chủ lực có thế mạnh của thành phố. TRONG ẢNH: Công nhân đang sản xuất tại Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ. Ảnh: KHÁNH HÒA

Phòng, chống dịch kết hợp ổn định sản xuất

Nhìn nhận về hoạt động xuất khẩu của khối doanh nghiệp nội địa trong thời gian qua, bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công thương, chỉ rõ những kết quả tích cực, đó là khối doanh nghiệp trong nước ngày càng gia tăng tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố, từng bước rút ngắn khoảng cách với khối doanh nghiệp FDI.

Đồng thời, vươn lên khẳng định thương hiệu, đóng góp lớn vào tổng thu ngân sách, an sinh xã hội của địa phương. Trong đó, giai đoạn 2017-2020, hàng hóa của doanh nghiệp Đà Nẵng đã xuất khẩu đi hơn 120 quốc gia, vùng lãnh thổ (chiếm khoảng 65-70% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố), chinh phục được các thị trường “khó tính” như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản...

Ở một khía cạnh khác, theo ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Đà Nẵng, chính sự nỗ lực tự thân và chiến lược kiên trì, đúng đắn trong việc đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng thị trường đã giúp nhiều doanh nghiệp trong nước ở Đà Nẵng chinh phục được lĩnh vực xuất khẩu, nhất là ở các mảng ngành như: cao su, dệt may, thủy sản... vốn chịu sức ép cạnh tranh lớn từ doanh nghiệp của các quốc gia như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan...

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ về xúc tiến thương mại được thành phố tổ chức ngày càng quy mô, bài bản; các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)... dần có hiệu lực đã góp phần mang lại những thuận lợi, lợi thế cho doanh nghiệp xuất khẩu trong nước nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng.

Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn, cho đến khi dịch bệnh trong nước và thế giới được đẩy lùi, các đơn vị xác định cùng lúc thực hiện mục tiêu kép: vừa siết chặt công tác phòng, chống dịch vừa chủ động tìm hướng đi nhằm phấn đấu đạt mức tăng trưởng đã đề ra trong năm 2021. Đây được đánh giá là giải pháp khả thi nhất.

“Với mục tiêu tăng trưởng đề ra trong năm 2021, chúng tôi chủ động các giải pháp để giải quyết tốt bài toán về nguồn nguyên liệu đầu vào cũng như tiếp tục duy trì công tác phòng, chống dịch từ các nhà máy đến cả khâu vận chuyển, giao hàng...”, ông Trương Phi Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Vinafor cho hay.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.