Điều chỉnh kế hoạch xúc tiến, truyền thông

.

Ngành du lịch thành phố đã điều chỉnh kế hoạch xúc tiến, truyền thông điểm đến phù hợp với tình hình thực tế.

Ngành du lịch tiếp tục truyền thông hình ảnh điểm đến thông qua các video ghi hình trước đó. TRONG ẢNH: Hình ảnh từ clip “Đà Nẵng nhớ bạn” được Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng thực hiện tháng 12-2020. Ảnh: THU HÀ
Ngành du lịch tiếp tục truyền thông hình ảnh điểm đến thông qua các video ghi hình trước đó. TRONG ẢNH: Hình ảnh từ clip “Đà Nẵng nhớ bạn” được Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng thực hiện tháng 12-2020. Ảnh: THU HÀ

Đại diện một số doanh nghiệp du lịch cho rằng, truyền thông có vai trò rất quan trọng trong việc thông tin, giới thiệu về điểm đến. Khách ở xa không biết địa phương đó như thế nào, chỉ thông qua các kênh truyền thông, báo chí để có thông tin. Vì vậy, việc điều chỉnh kế hoạch truyền thông này sẽ giúp ngành du lịch cung cấp thông tin của thành phố trước, trong và sau thời điểm dịch bệnh xảy ra đến du khách.

Theo bà Huỳnh Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng, do ảnh hưởng bởi Covid-19, ngành du lịch đã xây dựng lại kế hoạch xúc tiến, quảng bá du lịch năm 2021 (từ tháng 5 đến tháng 12), chia thành các giai đoạn triển khai khác nhau. Cụ thể, giai đoạn 1, khi dịch bệnh tại Đà Nẵng chưa kiểm soát được (từ 1-5 đến 15-6), ngành tập trung cập nhật, cung cấp thông tin tình hình dịch bệnh và truyền thông các video phòng, chống dịch trên trang thông tin điện tử của trung tâm và fanpage; đồng thời tiến hành điều tra xu hướng, thay đổi tâm lý du khách nội địa do ảnh hưởng của các đợt dịch để từ đó xây dựng sản phẩm du lịch, tiến hành các chiến dịch xúc tiến quảng bá, kích cầu du lịch nội địa.

Trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 9, ngành du lịch sẽ chủ trì, hợp tác với các đơn vị triển khai “Chiến lược phát triển thương hiệu vùng theo mô hình đa điểm đến cho 4 địa phương Quảng Bình - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030”; tổ chức các trò chơi nhỏ gợi nhớ về Đà Nẵng như: 10 điều nhất định phải làm ở Đà Nẵng khi hết dịch; chơi ô chữ, ghép hình, đuổi hình bắt chữ… Dự kiến trong tháng 6 sẽ phát động cuộc thi “Những điều nhất định sẽ làm tại Đà Nẵng khi hết dịch”.

Trong giai đoạn 2 khi dịch bệnh được kiểm soát (dự kiến từ 15-6 đến 15-7), ngành du lịch sẽ tăng cường truyền thông trên các kênh, lan tỏa truyền thông điểm đến Đà Nẵng đã kiểm soát được dịch bệnh qua các video đã xây dựng trước đó.

Dự kiến trong tháng 6, ngành sẽ phối hợp với Sở Ngoại vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Pháp và Hãng hàng không Qatar Aiways tổ chức hội thảo trực tuyến giới thiệu du lịch Đà Nẵng, miền Trung Việt Nam đến thị trường châu Âu (Pháp); tháng 7 tổ chức hội thảo trực tuyến với các công ty chuyên tổ chức các chuyến bay thuê chuyến (charter) Trung Quốc đến Đà Nẵng.

Đồng thời, phối hợp với những người nổi tiếng chuyên về ẩm thực tạo chuỗi dạy nấu ăn online các món ăn của Đà Nẵng dưới hình thức phát trực tiếp (livestream). Dự kiến tháng 8 sẽ ra mắt ứng dụng công nghệ thực tế ảo VR360 các điểm đến du lịch Đà Nẵng (giai đoạn 1). Song song đó, sẽ truyền thông chương trình Đà Nẵng về đêm, các chương trình kích cầu, khuyến mãi của doanh nghiệp du lịch…

Giai đoạn 3, khi thành phố trở lại hoạt động bình thường, phục hồi du lịch (dự kiến từ 15-7 đến 31-12), ngành du lịch thành phố sẽ tập trung tuyên truyền Đà Nẵng an toàn, Đà Nẵng đã sẵn sàng các dịch vụ và sản phẩm mới để chào đón du khách quay trở lại. Thông điệp Danang - Always Ready (Đà Nẵng luôn sẵn sàng) sẽ tiếp tục truyền thông các video đã thực hiện giai đoạn 2; đẩy mạnh các bài viết, bộ ảnh về thành phố, video clip ngắn về sự sẵn sàng của ngành du lịch chào đón du khách quay trở lại, truyền thông chương trình kích cầu, các sản phẩm du lịch và các sự kiện của thành phố.

Đồng thời, tổ chức đón đoàn famtrip MICE là các nhà sử dụng dịch vụ đến khảo sát; các đoàn presstrip là báo chí đến tham quan, viết bài về điểm đến Đà Nẵng, giao lưu, kết nối để hỗ trợ truyền thông cho Đà Nẵng; tiếp tục thực hiện khảo sát và đánh giá tâm lý hành vi của khách du lịch nội địa, khách các thị trường quốc tế trọng điểm (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) đối với điểm đến du lịch Đà Nẵng, đặc biệt dưới tác động của Covid-19; dự báo tình hình, đưa ra định hướng thời gian đến.

Ngành du lịch phối hợp Quỹ Xúc tiến phát triển du lịch, hiệp hội du lịch, các hãng hàng không, doanh nghiệp du lịch (khách sạn, lữ hành, vận chuyển, khu điểm...) đồng bộ truyền thông điểm đến Đà Nẵng cùng một thông điệp; có chiến dịch tặng quà cho các đoàn khách du lịch với số lượng lớn đầu tiên khi quay trở lại Đà Nẵng.

Bà Huỳnh Thị Hương Lan cho biết thêm, cùng với kế hoạch truyền thông, sau khi dịch bệnh được khống chế hoàn toàn, ngành du lịch thành phố sẽ tập trung vào xúc tiến, quảng bá du lịch tại thị trường nội địa gần như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế; các thị trường có đường bay trực tiếp như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh,  Cần Thơ, Đắk Lắk và chú trọng phân khúc thị trường du lịch chất lượng cao như nghỉ dưỡng biển, gofl, du lịch MICE (hội thảo, hội nghị, du lịch học đường), gia đình, giới trẻ…; mở rộng các thị trường Tây Bắc, Phú Quốc (Kiên Giang), Đà Lạt (Lâm Đồng), Hải Phòng, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Riêng với thị trường quốc tế, sẽ tùy vào tình hình dịch bệnh, từng bước khôi phục lại các thị trường quốc tế đã kiểm soát được dịch bệnh và có tỷ lệ hoàn thành tiêm vắc-xin cao. Những kịch bản trên sẽ mang lại hiệu quả, góp phần đưa ngành du lịch thành phố phát triển sau Covid-19.

THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.