Bảo đảm cung ứng thịt, cá cho thị trường

.

Chợ đầu mối thủy sản Đà Nẵng, cảng cá Thọ Quang tạm dừng hoạt động 1 tuần kể từ phiên chợ trưa 26-7 và Trung tâm Chế biến gia súc, gia cầm Đà Nẵng (lò mổ Đà Sơn) cũng đã tạm dừng hoạt động 2 dây chuyền mổ heo để tập trung phòng, chống Covid-19. Tuy vậy, việc cung ứng thịt, cá phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người dân thành phố đang được các đơn vị triển khai thực hiện, bảo đảm không để đứt gãy chuỗi cung ứng.

Hoạt động giao thương ở chợ Mới vào sáng 27-7. Ảnh: QUỲNH TRANG
Hoạt động giao thương ở chợ Mới vào sáng 27-7. Ảnh: QUỲNH TRANG

Số lượng giao dịch giảm

Trong phiên chợ cuối cùng (trưa 26-7) của chợ đầu mối thủy sản Đà Nẵng trước khi tạm dừng hoạt động, tiểu thương các chợ dù muốn mua số lượng nhiều hơn để đưa về nhà lưu giữ, phục vụ bán trong ngày 27-7 và những ngày tiếp theo nhưng cũng chỉ mua được hơn 50 tấn cá tươi sống từ các tàu cá và chủ vựa cung cấp vì số lượng tàu cá đi đánh bắt về cập cảng cá Thọ Quang không nhiều. Một số chủ vựa cá xuất khỏi kho lạnh một vài tấn cá cấp đông để bán cho tiểu thương, còn lại lưu giữ trong các kho lạnh tại chợ đầu mối thủy sản khoảng 250 tấn cá cấp đông các loại.

Bà Trần Thị Thúy Diễm, chủ vựa cá Xí Diễm thông tin: “Tôi còn lưu giữ khoảng 20 tấn cá tiếp tục bảo quản trong kho đông lạnh tại chợ. Khi nào cần thiết và được sự cho phép của các cơ quan chức năng, chúng tôi vào chợ để xuất cá trong kho đông lạnh để phục vụ nhu cầu tiêu thụ cá của người dân thành phố”.

Theo Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, tất cả bà con thương nhân, ngư dân chấp hành chủ trương tạm dừng hoạt động cảng cá Thọ Quang và chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang. Mặt hàng thủy sản đông lạnh tiếp tục được dự trữ trong các kho đông lạnh. Hiện nay, đơn vị đang phối hợp Đồn Biên phòng Sơn Trà tiếp tục thông báo, hướng dẫn cho tàu đến các cảng cá khác để bán cá, bốc dỡ hải sản, không vào cảng cá Thọ Quang. Ban quản lý cũng phối hợp với các đơn vị xây dựng phương án cung ứng trực tiếp mặt hàng thủy sản đến các chợ truyền thống và cơ sở bán cá trên địa bàn thành phố.

Trong khi đó, theo ghi nhận thực tế tại chợ Mới, chợ Nguyễn Tri Phương, chợ Cồn…, số lượng tiểu thương hàng cá đi bán giảm đáng kể. Các loại cá được bày bán cũng không phong phú, chủ yếu là một số loại cá lớn đông lạnh như cá thu, ngừ…

Trưởng ban quản lý chợ Mới Đặng Ngọc Vinh thông tin: “Chiều 25-7, UBND quận Hải Châu tổ chức xét nghiệm cho tất cả tiểu thương kinh doanh ngành hàng cá, thịt tại các chợ trên địa bàn; yêu cầu tiểu thương chưa đi bán lại nếu chưa có kết quả xét nghiệm. Vì vậy, trong sáng 26-7, quầy cá, thịt tại chợ đóng cửa. Sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính toàn bộ, Ban quản lý chợ đã thông báo ngay cho tiểu thương mở bán lại nhưng đến sáng 27-7, cũng chỉ chưa đến một nửa tiểu thương ngành hàng cá bán hàng”. Tại chợ Cồn, có gần 100 tiểu thương kinh doanh hàng cá nhưng trong sáng 26-7, chỉ có 15 tiểu thương mở bán và sáng 27-7 cũng chưa đến 30 tiểu thương bán cá.

Trưởng ban quản lý chợ Cồn Nguyễn Đắc Hùng cho biết: “Các quầy cá mở bán được là do một số tiểu thương liên hệ lấy cá trực tiếp từ ngư dân hoặc cá cấp đông từ công ty. Tuy vậy, các loại cá cũng không phong phú. Mặt khác, dẫu nghe thông tin cảng cá Thọ Quang tạm đóng cửa 7 ngày, người đi chợ không có tâm lý trữ cá nên không có hiện tượng đổ xô đi mua”.

Còn tại chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu), ngành hàng cá khá đông người mua bán; giá các loại cá “nhỉnh” hơn so với mọi ngày. Cụ thể, cá nục nhỏ có giá 80.000 đồng/kg (giá cũ là 50.000 đồng/kg); cá ngừ có giá 80.000 đồng/kg (giá cũ là 70.000 đồng/kg); cá chim trắng có giá 150.000 đồng/kg (giá cũ là 130.000 đồng/kg)…

Tiểu thương kinh doanh hàng cá Đinh Thị Quý cho hay: “Sáng nay, cá đông lạnh về chợ nhiều hơn cá tươi. Người dân mua đồ tươi sống đông hơn mấy hôm trước nhưng không còn tâm lý trữ hàng. Các đầu nậu cũng thông báo tiểu thương không lo thiếu hàng, họ sẽ vận chuyển đến tận nơi”.

Tương tự, tại chợ An Hải Đông (quận Sơn Trà), các loại cá về chợ không được phong phú, tươi ngon như mọi ngày, tuy nhiên, sản lượng vẫn bảo đảm cung ứng cho người dân. Tiểu thương Đinh Thị Gái cho biết: “Tôi xuống bến cá từ 2 giờ sáng nhưng chợ cá đã vắng, tôi chỉ “giành” được vài ký cá bớp, cá nục, cá chim. Mỗi loại cá đều có giá cao hơn mọi ngày từ 10.000-30.000 đồng/kg cá”.

Một số tiểu thương các chợ mua cá tươi sống ở ven bờ vịnh Mân Quang vào trưa 27-7 để đưa vào bán  ở các chợ. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Một số tiểu thương các chợ mua cá tươi sống ở ven bờ vịnh Mân Quang vào trưa 27-7 để đưa vào bán ở các chợ. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Không để đứt gãy chuỗi cung ứng thủy sản

Khi cảng cá Thọ Quang và chợ đầu mối thủy sản Đà Nẵng dừng hoạt động, các tàu cá đánh bắt xa bờ phải cập cảng ở tỉnh khác, việc cung ứng mặt hàng thủy sản cho thành phố được thực hiện từ các ngư dân đánh bắt ven bờ, người nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố. Các chủ vựa chở thủy sản tươi sống từ các tỉnh vào thành phố và xuất hàng từ các kho đông lạnh hiện có trên địa bàn thành phố.

Cảng cá Thọ Quang tuy đã tạm đóng cửa trong 7 ngày nhưng vào trưa và chiều 27-7, một số tàu cá ngoại tỉnh được cho phép vào cảng để bán cá sau khi có chủ trương của Chủ tịch UBND thành phố giao cho các đơn vị chức năng linh động chấp thuận cho cập cảng cá Thọ Quang đối với một số trường hợp đặc biệt như: hết nhiên liệu, hết đá lạnh để bảo quản, hết lương thực và nước uống, trường hợp cần cứu nạn... và một số trường hợp có lý do đặc biệt, khó khăn khác.

Do các tiểu thương, chủ vựa không vào được khu vực cảng cá Thọ Quang để phục vụ phòng, chống Covid-19 nên Công ty CP Bắc Đẩu được chấp thuận vào thu mua 50 tấn cá (cá đổng son, bánh đường, mối, nục...) của các tàu cá này để chế biến sản phẩm surimi xuất khẩu và phần còn lại được sơ chế, cấp đông phục vụ nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn thành phố.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Phú Ban cho biết, hiện nay, Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang đang xây dựng phương án cung ứng trực tiếp mặt hàng thủy sản đến các chợ truyền thống và cơ sở bán cá trên địa bàn thành phố và gửi cho các địa phương tham gia ý kiến. Khi triển khai phương án này, sẽ bảo đảm cung ứng mặt hàng thủy sản phục vụ nhu cầu tiêu thụ của người dân thành phố. Tương tự, việc cung ứng thịt heo, bò, gà cũng đang được kiến nghị triển khai theo phương án cung ứng trực tiếp về các chợ, cơ sở tiêu thụ để vừa bảo đảm công tác phòng chống Covid-19, vừa chủ động bảo đảm cung cấp khối lượng thịt theo nhu cầu tiêu thụ.

HOÀNG HIỆP - QUỲNH TRANG

Không sợ thiếu thịt heo

Đối với mặt hàng thịt heo, hiện trên địa bàn thành phố có 8 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó số lượng heo được được giết mổ tại lò mổ Đà Sơn chiếm khoảng 90% tổng nhu cầu tiêu thụ thịt heo thành phố. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt heo, bò, gà gia tăng do việc tạm dừng hoạt động cảng cá Thọ Quang và chợ đầu mối thủy sản Đà Nẵng, các chủ nậu, đơn vị kinh doanh thịt heo, bò, gà tại lò mổ này đã gia tăng số lượng hàng. Riêng trong rạng sáng 27-7, tại lò mổ Đà Sơn đã giết mổ 543 con heo, 27 con bò và 450 con gà; tăng hơn so với rạng sáng 26-7.

Giám đốc Trung tâm Chế biến gia súc gia cầm Đà Nẵng (lò mổ Đà Sơn) Phạm Tuấn Anh cho biết: “Chúng tôi có 15 dây chuyền giết mổ heo nhưng chỉ mới tạm dừng 2 dây chuyền để bảo đảm phòng, chống Covid-19. Vì vậy, năng lực giết mổ heo để cung ứng thịt cho nhu cầu tiêu thụ của thành phố là bảo đảm, không sợ thiếu thịt heo. Số lượng heo, bò, gà đang được các đơn vị, tư nhân kinh doanh đưa vào lò mổ tăng lên”. (HOÀNG HIỆP)

 

;
;
.
.
.
.
.