Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng khá

.

Với mức tăng 3,54% trong 6 tháng đầu năm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì sự ổn định và đóng góp vào tăng trưởng chung của ngành công nghiệp thành phố trong thời gian qua.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, ngành chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 42,7% so với cùng kỳ năm ngoái. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng. Ảnh: KHÁNH HÒA
Trong 6 tháng đầu năm 2021, ngành chế biến gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 42,7% so với cùng kỳ năm ngoái. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Lâm sản xuất khẩu Đà Nẵng. Ảnh: KHÁNH HÒA

Theo báo cáo của Sở Công thương, trong tháng 6, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố dần đi vào ổn định do dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát. Các doanh nghiệp tích cực tìm kiếm, ký kết các đơn hàng mới để thúc đẩy sản xuất trở lại nhằm bảo đảm doanh thu của doanh nghiệp và đời sống của người lao động.

Chỉ số sản xuất công nghiệp thành phố (IIP) trong tháng 6-2021 dự kiến tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,36%, sản xuất và phân phối điện tăng 2,85%, cung cấp nước và xử lý rác thải giảm 8,1%, khai khoáng tăng 12,17%. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, chỉ số IIP thành phố dự kiến tăng 3,79% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,54%.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có nhiều lĩnh vực sản xuất tăng trưởng khá như: sản xuất săm, lốp cao su (tăng 57,5%); phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ và động cơ xe (tăng 45,2%); chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ (tăng 42,7%); sơn, véc ni (tăng 38,1%); thiết bị điện (tăng 29,2%); dụng cụ thể thao, đồ chơi, trò chơi (tăng 29,4%); giường, tủ, bàn, ghế (tăng 24,9%); giày dép (tăng 22,1%); sản phẩm điện tử (tăng 18,9%); giấy và sản phẩm từ giấy (tăng 15,1%); kim loại (tăng 10,3%)...

Tại Công ty TNHH Bắc Đẩu, từ đầu năm đến nay, hoạt động sản xuất và xuất khẩu thủy sản vẫn giữ vững được sự ổn định, dù trước tháng 6-2021, nguồn cung nguyên liệu không được dồi dào. Theo ông Nguyễn Văn Chín, Giám đốc Công ty TNHH Bắc Đẩu, qua tháng 6, đơn hàng của đơn vị nhiều hơn khi nguồn nguyên liệu bước vào thời điểm dồi dào. Nhờ giữ ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh nên dù trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, công ty vẫn duy trì được lương, thưởng cho hơn 300 công nhân đang lao động với mặt bằng thu nhập chung từ 7-7,5 triệu đồng/tháng.

“Hiện nay, các thị trường xuất khẩu chính của chúng tôi như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… vẫn duy trì đơn đặt hàng ổn định. Từ nay đến cuối năm, dự báo tình hình xuất khẩu vẫn tiếp tục khả quan. Chúng tôi kỳ vọng dịch bệnh sớm được kiểm soát tốt trong nước cũng như trên thế giới để chuẩn bị cho mùa vụ sản xuất cuối năm”, ông Nguyễn Văn Chín cho biết.

6 tháng đầu năm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì sự ổn định trong hoạt động sản xuất-kinh doanh. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Bắc Đẩu. Ảnh: KHÁNH HÒA
6 tháng đầu năm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì sự ổn định trong hoạt động sản xuất-kinh doanh. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Bắc Đẩu. Ảnh: KHÁNH HÒA

Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ Huỳnh Đức là đơn vị chuyên sản xuất và gia công các thiết bị công nghiệp, tự động hóa, gia công chế tạo khuôn mẫu, sản xuất, lắp ráp các thiết bị tự động hóa. Đây cũng là nhà cung ứng các thiết bị hỗ trợ hoạt động sản xuất như: băng chuyền, băng tải, bồn, bàn, ghế, kệ, tủ, xe đẩy, đường ống, bếp ăn công nghiệp, thùng cách âm, thùng hút bụi, tủ sấy nguyên liệu… Hiện nay, đơn vị là đối tác cung ứng của các công ty đang hoạt động trong các khu công nghiệp ở Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng... cũng như một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn của nước ngoài như: Mabuchi, Nok, Nidec, Yonezawa (Nhật Bản); Intel, Onsemi (Mỹ); Marigot, Groz-beckert (châu Âu)…

Theo báo cáo đánh giá từ Sở Công thương, thời gian qua, cơ cấu giá trị tăng thêm nội ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thành phố tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao (điện tử, thiết bị điện, cơ khí chế tạo máy móc-thiết bị, sản xuất lắp ráp ô-tô, phương tiện vận tải khác) từ 25,5% năm 2015 lên khoảng 30% năm 2020; tỷ trọng một số ngành/sản phẩm có lợi thế cạnh tranh (chế biến thực phẩm (thủy sản, sữa), đồ uống (bia, nước ngọt)…) tăng từ 11,4% lên khoảng 16,5%. Trong đó, giá trị gia tăng của ngành công nghiệp công nghệ cao hiện chiếm khoảng 0,5% giá trị toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích