Biến thách thức thành cơ hội

.

Đối mặt với những thách thức do ảnh hưởng của Covid-19, thay vì tạm ngưng hoạt động hay chuyển đổi lĩnh vực kinh doanh, một số doanh nghiệp trong ngành F&B (Food and Beverage Service - dịch vụ nhà hàng và ăn uống) tại Đà Nẵng chủ động vượt khó bằng cách linh hoạt trong việc cân bằng giữa doanh thu và chi phí, sáng tạo các sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng.

Đối mặt với những thách thức do ảnh hưởng của Covid-19, thay vì tạm ngưng hoạt động hay chuyển đổi lĩnh vực kinh doanh, một số doanh nghiệp trong ngành F&B (Food and Beverage Service - dịch vụ nhà hàng và ăn uống) tại Đà Nẵng chủ động vượt khó bằng cách linh hoạt trong việc cân bằng giữa doanh thu và chi phí, sáng tạo các sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng.
Một khách hàng mua cà phê mang đi tại The Cups Coffee (đường 2 Tháng 9, quận Hải Châu). Ảnh : MAI HIỀN

Ra mắt sản phẩm mới

Từ khi Covid-19 xuất hiện tại Đà Nẵng lần đầu vào tháng 3-2020 đến nay, trừ những lần phải ngừng hoạt động theo chỉ đạo của thành phố để phòng bệnh, khu vực bếp của nhà hàng Leman Spaghetti (quận Hải Châu) chưa bao giờ ngừng đỏ lửa. Doanh thu hằng tháng trong mùa dịch của nhà hàng giảm mạnh khoảng 80-90% nhưng chưa bao giờ chị Trương Thị An, chủ nhà hàng Leman Spaghetti nghĩ đến việc tạm ngừng hoạt động.

Doanh thu giảm mạnh khiến chị An luôn trăn trở, muốn tìm giải pháp để cải thiện tình trạng này. Tháng 7-2020, chị An cho ra mắt sản phẩm sốt bò bằm đóng chai, bước đi đầu tiên cho sự ra đời thương hiệu Bếp Cô An - cửa hàng bán đồ ăn online.

Leman Spaghetti chuyên món Âu, còn Bếp Cô An chuyên món Việt. “Sau mỗi đợt dịch, khách hàng lại càng e dè và khắc khe hơn trong việc đến ăn tại nhà hàng nên kinh doanh online là giải pháp khá hiệu quả. Trong khi đó, các món ăn của Leman Spaghetti không phù hợp để kinh doanh online vì đặc thù của món Âu là phải ăn liền ngay sau khi chế biến mới bảo đảm độ ngon. Vì vậy, tôi quyết định cho ra đời Bếp Cô An”, chị An cho hay.

Khởi động Bếp Cô An với sốt bò bằm, đến nay, thực đơn của cửa hàng nhiều không đếm xuể khi cửa hàng phục vụ món ăn theo ngày, theo mùa, theo nhu cầu của khách và theo nguồn nguyên liệu. Dịp Tết Đoan Ngọ mới đây, Bếp Cô An đã ra mắt sản phẩm mâm cúng. Ngoài ra, Bếp Cô An còn linh hoạt bổ sung vào thực đơn của cửa hàng các loại thức uống, món chè tươi mát, phù hợp với thời tiết nắng nóng như: nước mía sầu riêng, chè đậu xanh, chè thạch khoai lang tím…

Trong tháng 7 này, chị An dự kiến triển khai một dự án hoàn toàn mới - Tiệm bánh mì số 11 và định hướng sẽ nhượng quyền thương hiệu khi tiệm phát triển mạnh tại Đà Nẵng.

Giữ vững năng lượng

Là chuỗi thương hiệu cà phê có tiếng tại Đà Nẵng, The Cups Coffee của Công ty TNHH Vietart Food & Beverage không tránh khỏi những ảnh hưởng từ Covid-19. Ông Trần Hoàng Phi, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vietart Food & Beverage cho hay, doanh thu của những tháng trong mùa dịch giảm 70-80%. Công ty phải tạm ngưng hoạt động một số cửa hàng để tạo sự cân bằng giữa doanh thu và chi phí, đồng thời cắt giảm nhân viên...

Song song với việc khắc phục khó khăn, công ty không ngừng nghiên cứu, sáng tạo nhiều sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng phong phú của khách hàng. Theo đó, hiểu được tâm lý người tiêu dùng ngày càng quan tâm chăm sóc sức khỏe bằng việc dùng những thực phẩm tươi, sạch, xanh, giữa tháng 6-2021, The Cups Coffee ra mắt dòng thức uống “Vitamin xay”, gồm 3 loại: vitamin nhất dáng, vitamin nhì da, vitamin trẻ mãi không già. Đây đều là những loại thức uống được tạo nên từ sự kết hợp hài hòa giữa các loại rau, trái cây tươi.

“Hiện các sản phẩm này bán khá chạy. Trong thời gian đến, công ty sẽ ra mắt thêm nhiều thức uống mới được chế biến từ rau, củ, quả tươi”, ông Phi cho biết.

Trong khi đó, doanh thu hằng tháng của tiệm bánh Vani (quận Hải Châu), chuyên kinh doanh về bánh kem, bánh bông lan trứng muối cùng các loại bánh ngọt, giảm khoảng 15% do ảnh hưởng dịch bệnh. Khó khăn là vậy, song đầu năm 2021, tiệm bánh Vani ra mắt các loại bánh mới như: bánh mì bơ tỏi, bánh mì nho dừa, bánh mì sữa chua. Tiệm còn tri ân khách hàng bằng việc mua hỗ trợ nông dân tỉnh Vĩnh Long 200kg khoai lang tím rồi dùng chính số khoai này tặng khách hàng và gợi ý cho khách cách chế biến các món ăn từ khoai lang tím. Cách làm này của tiệm đã nhanh chóng ghi điểm và được khách hàng chia sẻ trên các trang facebook các nhân.

“Tôi chỉ nghĩ đơn giản là góp một phần nhỏ hỗ trợ nông dân tỉnh Vĩnh Long, sau là tri ân khách hàng. Món quà tuy nhỏ nhưng mang lại niềm vui cho khách, có người còn chế biến thành đồ ăn rồi mang tặng lại cho tiệm”, chị Phan Nguyễn Thùy Trâm, chủ tiệm bánh Vani kể.

Chia sẻ về quan điểm trong việc doanh nghiệp ngành F&B cần làm gì, thay đổi như thể nào để bảo đảm kinh doanh trong mùa dịch, chị Trương Thị An bày tỏ: “Theo tôi, cách duy nhất để doanh nghiệp ngành F&B cũng như các doanh nghiệp ở những ngành nghề khác tồn tại trong lúc này là giữ vững năng lượng để nghĩ ra hướng đi mới sao cho phù hợp với giai đoạn này. Việc chuyển đổi ngành nghề là không khả quan khi mà hầu như ngành nghề nào cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và cắt giảm nhân sự. Chưa kể, việc chuyển đổi sang một ngành nghề hoàn toàn mới không phải là chuyện một sớm một chiều bởi liên quan vấn đề nghiệp vụ, kinh nghiệm...”.

Còn với ông Trần Hoàng Phi, Covid-19 vừa là thách thức, vừa là cơ hội. “Trải qua nhiều đợt dịch, tôi nhận thấy Covid-19 là thách thức nhưng cũng là cơ hội để chúng tôi rà soát lại công tác tổ chức, quản trị của mình. Dự kiến sang năm, chúng tôi sẽ phát triển thêm những mô hình mới, tối ưu về chi phí đầu tư, ít rủi ro khi phải ngưng hoạt động vì dịch bệnh”, ông Phi chia sẻ.

MAI HIỀN

;
;
.
.
.
.
.