Để bảo đảm an toàn trong đợt cao điểm chống dịch, các chợ truyền thống cũng như địa phương quản lý địa bàn cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Y tế cũng như chỉ đạo của thành phố về phòng, chống Covid-19 tại cộng đồng.
Ban quản lý các chợ trên địa bàn thành phố cần tuân thủ nghiêm ngặt, tuyệt đối không lơ là phòng, chống dịch. TRONG ẢNH: Lực lượng bảo vệ chợ Cồn thực hiện đo nhiệt độ, quét mã QR Code đối với người ra vào chợ. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Ghi nhận trong sáng 20-7, tại các chợ trên địa bàn thành phố, mặc dù ban quản lý các chợ đã áp dụng việc kiểm soát theo những biện pháp đã được quán triệt để phòng, chống Covid-19 nhưng vẫn có tình trạng chủ quan, lơ là của người dân và tiểu thương khi mua bán.
Chưa tuân thủ nghiêm ngặt
Qua khảo sát của phóng viên, những ngày này, các chợ truyền thống vẫn có số lượng người qua lại đông đúc, hoạt động mua bán trao đổi bằng lời nói. Không chỉ vậy, rất nhiều tiểu thương ở nhiều địa phương khác nhau kinh doanh, di chuyển từ nhiều khu vực. Sau một thời gian áp dụng việc phải khai báo và có thẻ ra/vào chợ, hiện nay, hình thức này không còn áp dụng ở một số chợ, nhất là các chợ nhỏ thuộc phường quản lý.
Bên cạnh đó, lực lượng kiểm soát có phần lơ là, nhiều người không mang phiếu đi chợ vẫn được vào chợ. Có mặt tại chợ Mân Thái, chợ Phước Mỹ (quận Sơn Trà) vào cuối giờ tan chợ (khoảng 11 giờ trưa), khi không thấy lực lượng quản lý ở các chốt trực, người dân tự do ra/vào chợ và không tuân thủ quy định 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế).
Trong khi đó, tìm hiểu tại các chợ lớn như chợ Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) - nơi có đông lực lượng công nhân lưu trú, thường xuyên mua bán ở các quầy hàng bên ngoài chợ không bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Tiểu thương vô tư bày bán cá, tôm, thịt, rau, trái cây… xung quanh chợ những lúc vắng bóng lực lượng quy tắc đô thị thực thi nhiệm vụ. Qua quan sát cho thấy, một số người đeo khẩu trang nhưng để tụt xuống cằm hoặc có khi trao đổi bán hàng quên kéo lên che miệng.
Tại 4 chợ trung tâm thành phố là chợ Cồn, chợ Đống Đa, chợ Hàn, chợ Đầu mối Hòa Cường, người dân khi ra/vào chợ cũng đã quen với việc mang khẩu trang, thực hiện sát khuẩn, sử dụng thẻ QR. Tuy nhiên, không phải thời điểm nào, người dân cũng thực hiện đúng các yêu cầu về công tác phòng, chống dịch tại các chợ.
Theo Trưởng Ban quản lý (BQL) chợ Đống Đa Nguyễn Công An, thời gian qua, BQL đã nhắc nhở hơn 30 trường hợp tiểu thương vi phạm công tác phòng, chống dịch. Đặc biệt là đã tiến hành đình chỉ hoạt động kinh doanh 5 ngày đối với 3 tiểu thương có hành vi mang khẩu trang không đúng cách, nhắc nhở vi phạm nhiều lần...
Lực lượng quản lý chợ Cồn thực hiện quét mã QR Code trên thẻ đi chợ cho người dân. (Ảnh chụp ngày 20-7). Ảnh: VĂN HOÀNG |
Nâng cao công tác kiểm soát tại các chợ
Ông Nguyễn Đắc Hùng, Trưởng BQL chợ Cồn cho biết, trung bình mỗi ngày có khoảng 650-700 người sử dụng thẻ QR để vào chợ. Đối với tiểu thương, hộ kinh doanh, người giao hàng sỉ…đều được cấp một loại thẻ riêng để ra/vào chợ buôn bán. Đồng thời, yêu cầu người giao, nhận hàng cho các tiểu thương ra/vào chợ đúng khung thời gian được in trên phiếu. Tương tự, tại chợ Đống Đa (quận Hải Châu), hằng ngày, BQL chợ cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát, thực hiện tuyên truyền bằng loa phóng thanh, loa cầm tay cho người dân và tiểu thương.
Còn tại chợ Đầu mối Hòa Cường (phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu), trung bình mỗi ngày có từ 300-350 tấn hàng hóa từ các nơi về chợ. Trước lượng người dân, tiểu thương, tài xế xe hàng ra/vào chợ đông đúc, BQL đã chủ động triển khai nhiều biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát. Cụ thể, đối với các xe hàng hóa, yêu cầu tài xế, phụ xe phải có giấy xác nhận kiểm soát ra/vào cửa ngõ thành phố; giấy xét nghiệm Covid-19; khai báo y tế theo mẫu phiếu của BQL. Bên cạnh đó, BQL còn bố trí một nhà vệ sinh riêng cho tài xế xe hàng, yêu cầu tài xế, phụ lái chỉ ngồi trên xe, không tiếp xúc với lực lượng bốc xếp. Sau khi hàng hóa được giao xong thì phải đi ngay, không được vào chợ tiếp xúc với các tiểu thương.
Giám đốc Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng Đàm Văn Tẩu - đơn vị quản lý chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa và chợ Đầu mối Hòa Cường cho biết, vì nhân lực không nhiều nên các chợ đã đóng khoảng 2/3 số lượng cửa vào chợ, chỉ mở cổng chính và 1 hoặc 2 cổng phụ. Hiện đơn vị đã đề nghị các phường hỗ trợ lực lượng dân quân giúp công tác kiểm soát người ra vào, đặc biệt là những tiểu thương không thuộc kiểm soát của BQL các chợ, bán hàng dọc các lề đường.
Đơn vị đã chỉ đạo 4 chợ trực thuộc tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra các biện pháp phòng, chống dịch, thực hiện nghiêm túc các quy định của thành phố như: không cho phục vụ ăn uống tại chỗ đối với các hộ kinh doanh mặt hàng ăn uống, giải khát; dừng hoạt động các hộ kinh doanh cắt tóc gội đầu, làm đẹp nhằm hạn chế tình trạng tối đa lây lan dịch bệnh ra cộng đồng; nghiêm cấm các hộ bán hàng rong, bán dạo khu vực trong và xung quanh chợ. Đối với việc vận chuyển hàng hóa thường xuyên ra vào các chợ, đội tự quản, đội xe thồ cũng được lấy mẫu xét nghiệm đều cho kết quả âm tính.
Tính đến ngày 15-7, số lượng thẻ QR được khai báo tại 4 chợ thuộc Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng là hơn 49.200 thẻ, số lượng thẻ giấy là khoảng 115.800 thẻ. Ngoài việc yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết thực hiện đúng các quy định phòng, chống dịch, các tiểu thương cũng đều có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính, 100% các hộ kinh doanh tại 4 chợ đã thực hiện khai báo y tế điện tử.
Về phía địa phương, Phó Chủ tịch UBND quận Hải Châu Phan Thị Thắng Lợi thông tin, để ngăn chặn tình trạng bán hàng xung quanh chợ, UBND quận đã yêu cầu các phường tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý vi phạm. Đối với các hộ kinh doanh xung quanh chợ, yêu cầu ký cam kết tuân thủ, bảo đảm 5K trong quá trình buôn bán. Đối với những trường hợp buôn bán trên vỉa hè, gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch, các phường cũng yêu cầu các lực lượng tịch thu, xử lý hành chính ở mức phạt cao nhất để răn đe. Đồng thời, bố trí lực lượng thường xuyên túc trực, kiểm soát toàn bộ các hoạt động tại chợ bảo đảm công tác phòng, chống dịch.
Tính tới ngày 20-7, chợ Hòa An (quận Cẩm Lệ) đã đóng cửa 5 ngày sau khi có ca mắc Covid-19 đi chợ. Trưởng Ban quản lý các chợ quận Cẩm Lệ Đoàn Văn Hòa cho hay, hiện 282 mẫu xét nghiệm của các tiểu thương và 1 số hộ lân cận quanh chợ đang chờ kết quả xét nghiệm Covid-19 lần 2. Dự kiến, khi chợ được mở cửa trở lại sẽ tạm đóng các quầy hàng không thiết yếu và khử khuẩn chợ mỗi ngày để bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh. |
MAI QUẾ - VĂN HOÀNG