Nhiều doanh nghiệp tại Đà Nẵng đã linh động bố trí, sắp xếp nơi ăn, chốn ở cho công nhân dưới nhiều hình thức, tạo điều kiện cho công nhân lao động ngoại tỉnh cư trú và làm việc ổn định.
Các doanh nghiệp đã linh động bố trí, sắp xếp cho người lao động ăn, ở, làm việc tại chỗ để bảo đảm hoạt động sản xuất. TRONG ẢNH: Công nhân Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng xếp hàng giãn cách, sát khuẩn trước khi vào nhà ăn. Ảnh: L.P |
Hiện nay, số lượng công nhân lao động (CNLĐ) quê tỉnh Quảng Nam làm việc tại các công ty, nhà máy trên địa bàn thành phố khá lớn. Trong số đó, nhiều CNLĐ trú tại các địa phương lân cận như: thị xã Điện Bàn, huyện Đại Lộc, thành phố Hội An... chọn cách đi, về trong ngày. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh, tỉnh Quảng Nam có các biện pháp hạn chế người lao động trở về từ thành phố Đà Nẵng. Trước tình hình đó, các doanh nghiệp có CNLĐ người Quảng Nam đã chủ động triển khai phương án ăn, ở tại chỗ cho công nhân.
Theo ông Trần Văn Hưng, Trưởng phòng Quản lý doanh nghiệp và lao động, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp (KCN), hiện nay có 13 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có công nhân ở Quảng Nam không đi, về trong ngày với hơn 400 lao động. Trong đó, tại KCN Hòa Cầm, Công ty TNHH Fujikura Automotive Việt Nam có 230 lao động, Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng có 100 lao động, Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường có 40 lao động, Công ty TNHH Apple Film Đà Nẵng có 20 lao động…
Bà Phan Thị Hoa, cán bộ chuyên trách Công đoàn Công ty TNHH Fujikura Automotive Việt Nam cho biết, với 230 CNLĐ quê Quảng Nam không thể đi, về trong ngày, công ty triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ công nhân. Theo đó, hơn 100 CNLĐ đăng ký ở tại các nhà trọ do công ty thuê. Số còn lại ở nhờ nhà người thân, họ hàng. “Công ty thuê các khách sạn, homestay trên địa bàn quận Cẩm Lệ để bố trí nơi ở miễn phí cho công nhân theo hình thức “1 cung đường, 2 điểm đến”. Ngoài 1 bữa ăn ca tại công ty, CNLĐ có thể mua các suất ăn do căng-tin nấu để ăn tại chỗ trước khi về nhà trọ nghỉ ngơi”, bà Hoa cho biết.
Tại Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng, từ giữa tháng 7-2021, công ty triển khai “3 tại chỗ” (sản xuất tại chỗ, ăn uống tại chỗ, nghỉ ngơi tại chỗ) cho hơn 64 CNLĐ quê Quảng Nam. Theo Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Foster Đà Nẵng Bùi Minh Vũ, trước đây, khi chưa có dịch, CNLĐ quê Quảng Nam đi làm về trong ngày.
Còn hiện nay, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, công ty tổ chức cho công nhân quê Quảng Nam ăn, ở, làm việc tại công ty để bảo đảm an toàn cho người lao động. Theo ông Vũ, công ty bố trí khu vực lưu trú cho công nhân tại nhà xưởng, cung cấp mỗi người 1 lều ngủ; đồng thời trang bị các tiện nghi cơ bản như nhà tắm, quạt điện, nước uống, ti-vi, wifi..., bảo đảm điều kiện sinh hoạt đầy đủ, chu đáo cho công nhân.
Bên cạnh đó, công ty phục vụ miễn phí 3 bữa ăn/ngày với chất lượng tương đương suất ăn đặc biệt; cung cấp 2 hộp sữa/ngày/người cho toàn bộ CNLĐ thực hiện “3 tại chỗ”. Ngoài ra, CNLĐ được trả lương và tiền tăng ca theo đúng quy định; Công đoàn công ty hỗ trợ một lần số tiền 100.000 đồng/người.
Trong khi đó, tại Công ty CP Dệt may 29-3, để bảo đảm hoạt động sản xuất ổn định, công ty linh hoạt bố trí ăn, ở, tạo điều kiện cho 170 CNLĐ quê Quảng Nam và CNLĐ trong vùng phong tỏa “cứng” tham gia sản xuất. Chỗ ở của CNLĐ được bố trí tại khu vực hội trường với đầy đủ trang thiết bị, cơ sở vật chất sinh hoạt thiết yếu; đồng thời phục vụ 3 bữa ăn/ngày cho tất cả CNLĐ.
“Với đặc thù sản xuất theo dây chuyền, để không gián đoạn, đứt gãy chuỗi sản xuất, đồng thời tạo điều kiện cho CNLĐ các tỉnh lân cận có việc làm, thu nhập ổn định, các giải pháp bố trí cho người lao động ăn, ở, làm việc tại chỗ là rất cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh còn nhiều phức tạp”, ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may 29-3 chia sẻ.
LAM PHƯƠNG