Linh hoạt cung ứng hàng hóa cho người dân

.

Các cấp chính quyền quận Sơn Trà đã chủ động triển khai các phương án, cố gắng bảo đảm nguồn hàng cung ứng cho người dân, đặc biệt là người trong khu vực cách ly y tế. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa và người ra, vào chợ, bảo đảm an toàn cho tiểu thương, người dân trên địa bàn.

Lực lượng tình nguyện viên tại phường Nại Hiên Đông nhanh chóng tiếp nhận và giao cho từng hộ gia đình ngay khi đơn vị cung cấp hàng hóa giao hàng cho khu vực cách ly y tế.         Ảnh: PHAN CHUNG
Lực lượng tình nguyện viên tại phường Nại Hiên Đông nhanh chóng tiếp nhận và giao cho từng hộ gia đình ngay khi đơn vị cung cấp hàng hóa giao hàng cho khu vực cách ly y tế. Ảnh: PHAN CHUNG

Không để thiếu hàng hóa

Từ 16 giờ ngày 3-8, UBND quận Sơn Trà đã ra quyết định thiết lập vùng cách ly y tế đối với một số phường trên địa bàn để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19. Trước tình hình chợ Phước Mỹ tạm đóng cửa do nằm trong khu vực cách ly, để đáp ứng nhu cầu về lương thực, thực phẩm của người dân, UBND phường thiết lập 3 chợ tạm (bên ngoài khu vực cách ly) tại 3 điểm gồm: Trường Mầm non Bạch Yến (góc đường Tô Hiến Thành), Trường THCS Phan Bội Châu (số 1 Thạch Lam) và số 26 đường Võ Văn Kiệt. Thời gian mở bán buổi sáng từ 6 đến 10 giờ, buổi chiều từ 14 đến 19 giờ. Theo đó, người dân vẫn sử dụng phiếu đi chợ đúng theo các ngày trong phiếu với tần suất 3 ngày/lần để hạn chế việc ra ngoài trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 05/CT-UBND của UBND thành phố.

Đối với người dân trong vùng cách ly y tế, địa phương nhanh chóng triển khai kế hoạch đi chợ giúp dân. Người dân có nhu cầu mua lương thực, thực phẩm có thể gửi phiếu đăng ký cho tổ trưởng tổ dân phố để lập danh sách gửi cho nhà cung ứng. Các mặt hàng đều niêm yết giá cụ thể, rõ ràng cho người dân lựa chọn theo nhu cầu. Chủ tịch UBND phường Phước Mỹ Phan Tất Tỉnh khẳng định, nếu đơn vị cung ứng nào chậm trễ việc cung cấp hàng hóa, phường sẽ lập tức ngưng hợp đồng và làm việc với đơn vị khác, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu hàng hóa trong khu vực cách ly y tế. Mặt khác, địa phương đã huy động và nhận được sự ủng hộ, chia sẻ của nhiều nhà hảo tâm, doanh nghiệp. Hiện các lực lượng của phường đang tiến hành hỗ trợ cho người dân, nhất là những hộ nghèo, các trường hợp khó khăn, công nhân ở nhà thuê không có việc làm... để không có ai bị bỏ lại phía sau.

Tương tự, tại phường An Hải Bắc, UBND phường đã phân chia thành 5 khu vực giao, nhận thực phẩm, thuận tiện cho người dân tại các trạm dân phòng như: An Nhơn (số 33 An Nhơn 3), An Đồn (số 103 Hoàng Đức Lương), An Tân (K02/3 Nguyễn Thế Lộc), Trường Mẫu giáo Hoàng Yến (số 56 An Hải 17) và trạm dân phòng An Cư (số 122 Dương Trí Trạch). Ông Nguyễn Văn Hoàn, Tổ trưởng Tổ tiếp nhận thực phẩm khu vực An Cư cho biết, tổ có gần 100 thành viên tích cực tham gia hỗ trợ người dân. Ngay khi đơn vị cung cấp hàng hóa giao hàng, các thành viên trong tổ nhanh chóng tiếp nhận, phân chia theo đơn và giao hàng cho từng hộ gia đình. Trong quá trình giao hàng, các thành viên phải mang trang phục bảo hộ, giữ khoảng cách khi đến nhà các hộ dân, kết hợp tuyên truyền người dân không ra khỏi nhà, chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch.

Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND phường An Hải Bắc thông tin, qua thực tế, một số nhà cung ứng không đủ một số mặt hàng cung cấp đến người dân, dẫn đến tình trạng nhiều đơn hàng bị thiếu. Để giải quyết tình trạng này, địa phương đã kết nối với nhiều đơn vị cung cấp, phân phối hàng hóa, bảo đảm nhu cầu của người dân. Đồng thời, trong quá trình tiếp nhận đơn hàng, nếu hộ dân nào không đủ kinh phí sẽ được tạm ứng. Hiện phường đã lên danh sách, đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà để trao số tiền hỗ trợ 40.000 đồng/ngày/người, nhận theo chu kỳ 5 ngày/lần với số tiền là 200.000 đồng.

Tăng cường bảo vệ “chợ xanh”

Trong khi đó, ghi nhận đến ngày 8-8, trên địa bàn quận còn 2 chợ chưa tạm dừng hoạt động là chợ Hà Thân (phường An Hải Tây) và chợ An Hải Đông (phường An Hải Đông). Trung bình mỗi ngày có 300-400 người đi chợ. Để tăng cường và siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời bảo đảm đủ lượng hàng hóa cung cấp cho người dân, Ban quản lý các chợ đã nhanh chóng triển khai thực hiện nhiều biện pháp. Cụ thể, kiểm tra, giám sát chặt chẽ người đi chợ bằng thẻ QR Code, tuyệt đối không để tình trạng người dân không có thẻ vẫn vào chợ được; thực hiện bán hàng bảo đảm khoảng cách, không quá 50% số lượng tiểu thương/ngày; tiếp tục áp dụng giờ hoạt động chợ với khung giờ mới từ 6 đến 10 giờ sáng, buổi chiều từ 14 đến 17 giờ...

Ông Trần Định, Tổ trưởng Tổ quản lý chợ An Hải Đông cho hay, hiện nay xung quanh chợ có 3 chốt chặn, mỗi chốt gồm 2 bảo vệ và lực lượng tăng cường của UBND phường. Tại đầu mỗi chốt, Tổ quản lý chợ đều trang bị loa tuyên truyền cho người dân. Mặt khác, yêu cầu tiểu thương chấp hành nghiêm túc việc bán hàng, không đầu cơ tích trữ, tăng giá đột biến. Một số mặt hàng hết hàng cục bộ do nhu cầu của người dân tăng cao, tuy nhiên, các tiểu thương tại chợ cũng đã bổ sung hàng hóa, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng. Được biết, tiểu thương buôn bán tại chợ đa số sinh sống trên địa bàn phường. Đối với các tiểu thương đến từ các địa phương khác, Tổ quản lý chợ cũng khuyến cáo tạm thời ngừng bán để bảo đảm an toàn, hạn chế đi lại giữa các vùng.

Phó ban quản lý chợ quận Sơn Trà Phan Mạnh Hân nhận định, nguy cơ dịch bệnh xuất hiện tại 2 chợ vẫn rất cao. Chính vì vậy, các tổ quản lý chợ phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; lập biên bản đình chỉ buôn bán nếu có tiểu thương vi phạm; tiến hành tuyên truyền, giải thích rõ về mẫu giấy đi đường mới và yêu cầu tiểu thương chấp hành nghiêm túc “1 đoạn đường, 2 điểm đến”. Bên cạnh đó, ban quản lý thường xuyên kiểm tra trực tiếp, tiến hành cập nhật và đánh giá mức độ an toàn trong hoạt động phòng, chống Covid-19 tại chợ vào mỗi tuần theo phần mềm của Bộ Công thương.

Ngày 11-8, UBND phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) có thông báo về việc tiêu thụ cá nuôi lồng bè nhằm giải quyết nhu cầu thực phẩm tươi sống cho nhân dân trên địa bàn phường đang thực hiện cách ly y tế và giúp các hộ nuôi thủy sản lồng bè tiêu thụ hải sản để sớm chấm dứt theo chủ trương của thành phố. Theo đó, người dân có nhu cầu mua hải sản tươi sống liên hệ các tổ trưởng tổ dân phố để đặt mua cá sủ bạc từ 0,5-0,7kg có giá 100.000 đồng/kg, cá bớp từ 2,5-3kg có giá 150.000 đồng/kg; cá dìa từ 0,4-0,6kg có giá 200.000 đồng/kg. (HOÀNG HIỆP)

VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.