Giữ vững chuỗi cung ứng hàng hóa

.

Mặc dù tình hình dịch bệnh tại các tỉnh phía nam diễn biến phức tạp, việc vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn nhưng những ngày qua, ghi nhận thị trường hàng hóa tại các chợ, siêu thị trên địa bàn thành phố cho thấy nguồn cung vẫn dồi dào, giá cả ổn định, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.

Những ngày này, hàng hóa về chợ đầu mối Hòa Cường dồi dào, giá cả ổn định. Ảnh: QUỲNH TRANG
Những ngày này, hàng hóa về chợ đầu mối Hòa Cường dồi dào, giá cả ổn định. Ảnh: QUỲNH TRANG

Hàng hóa phong phú, giá cả phù hợp

Tại một số chợ truyền thống, hầu hết các mặt hàng lương thực, thực phẩm đều rất đa dạng, không có dấu hiệu tăng giá (trừ một số mặt hàng gia vị tăng nhẹ). Theo các tiểu thương, thời điểm này, thời tiết nhìn chung ổn định, nắng ấm nên lượng rau, củ, quả cung ứng tới các chợ rất phong phú.

Cụ thể, dưa leo có giá 15.000 đồng/kg, bí đỏ có giá 22.000 đồng/kg, bí đao có giá 18.000 đồng/kg, khổ qua có giá 25.000 đồng/kg, chanh có giá 15.000 - 20.000/kg, gừng có giá 25.000/kg; các loại rau ăn lá ổn định có giá từ 10.000 - 12.000 đồng/bó. Tương tự, thịt heo ba chỉ, mông, nạc vai, sườn có mức giá dao động có giá từ 120.000 - 160.000 đồng/kg.

Tại chợ Túy Loan, các mặt hàng nông sản về chợ khá nhiều, tươi ngon. Chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh (quầy rau xanh chợ Túy Loan) cho hay: “Nông dân Hòa Vang đang vào vụ thu hoạch nông sản nên nguồn cung bảo đảm, không lo chuyện khan hiếm hàng. Mặt hàng lagim có tăng nhẹ, còn các loại rau xanh thì không tăng giá. Trong khi đó, sức mua tại chợ khá chậm”.

Tương tự, chị Minh Tuyên (chuyên bán thịt bò ở chợ Mới) nói: “Hàng hóa đầy ắp chợ. Trong chợ, chỉ có giá trứng gà, trứng vịt là tăng giá do nhu cầu cao, còn lại các mặt hàng khác đều không tăng giá”. Bên cạnh đó, lượng hàng hóa tại chợ đầu mối Hòa Cường vẫn dồi dào, không có tình  trạng khan hiếm, trữ hàng, đẩy giá bán. Ông Diệp Hoàng Thông Anh, Trưởng ban quản lý chợ đầu mối Hòa Cường cho biết, mỗi ngày, lượng hàng về chợ trên dưới 300 tấn, giá thành ổn định, thậm chí, nhiều mặt hàng giảm giá.

Tại hệ thống siêu thị và các chuỗi bán lẻ, các loại rau, củ, thịt lợn, gà, bò… cũng đầy trên các quầy, kệ. Ông Phan Thống, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Đà Nẵng cho hay, mỗi ngày, đơn vị nhập về 500 - 800kg rau, củ các loại; thịt heo từ 400 - 600kg. Lượng hàng dự trữ có thể cung cấp ít nhất 20 ngày nếu không bổ sung, tuy nhiên, hàng hóa tươi sống đều được bổ sung liên tục. Nhìn chung tình hình lưu chuyển hàng hóa thuận lợi.

“Hàng hóa tại các đơn vị bán lẻ lớn như siêu thị đều là hàng rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là thực phẩm, rau củ quả thường có nhà cung cấp cố định cho cả chuỗi siêu thị. Đơn vị tuân thủ nghiêm túc các quy định của thành phố để bảo đảm phòng, chống dịch. Vấn đề trung chuyển hàng hóa (đưa xe nhỏ đến trạm kiểm soát để trung chuyển hàng hóa - PV) khó khăn thời điểm trước, nay cũng đã được khắc phục. Chúng tôi luôn bảo đảm nguồn hàng kịp thời lên kệ phục vụ nhu cầu người tiêu dùng”, ông Thống nói.

Tương tự, mỗi ngày, Siêu thị Big C Đà Nẵng nhập 3,5-4 tấn rau, củ các loại, chưa kể trái cây. Siêu thị này cũng tiến hành dự trữ các mặt hàng như: gạo, đường, muối, mỳ, bún, phở, dầu ăn, nước mắm… với khối lượng tăng gấp đôi ngày thường. Về các mặt hàng thiết yếu để phòng, chống dịch như: khẩu trang, dung dịch sát khuẩn…, siêu thị cũng đã dự trữ nguồn hàng đủ để tiêu thụ trong 4 tháng tiếp theo. Bà Võ Thị Thu Thủy, Giám đốc Siêu thị Big C khẳng định: “Chúng tôi tăng cường kết nối với các nhà cung cấp để tăng lượng hàng hóa nhằm bảo đảm cung ứng hàng liên tục, không để xảy ra khan hiếm hàng hóa”.

Không để đứt gãy chuỗi cung ứng

Hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố hiện có 8 trung tâm thương mại, 71 siêu thị tổng hợp, siêu thị chuyên doanh, hơn 400 cửa hàng tiện lợi, tự chọn, 74 chợ truyền thống được phân bố tương đối đồng đều. Hiện nay, 10 siêu thị lớn trên địa bàn (Co.opmart, BigC, Lotte Mart, Vinmart, MM Mega...) tham gia dự trữ, cung ứng các mặt hàng thiết yếu như: gạo, mỳ gói, muối, dầu ăn, thịt các loại, thủy hải sản, nước đóng chai, khẩu trang sát khuẩn, giấy vệ sinh…với giá trị hơn 51,2 tỷ đồng/1 đợt dự trữ.

Cụ thể: 235 tấn gạo, 66 tấn thịt heo, 33 tấn thịt gà, hơn 82 tấn thủy hải sản, hơn 426 tấn rau củ quả, hơn 448.000 lít nước đóng chai, hơn 1.280 hộp khẩu trang kháng khuẩn, hơn 37.600 lít nước sát khuẩn… Thời gian lưu chuyển hàng hóa theo chu kỳ từ 2-3 ngày/lần; nếu tính trong 21 ngày, số hàng hóa dự trữ, cung ứng khoảng 307,7 tỷ đồng. Ngoài ra, trong trường hợp cấp thiết, các đơn vị có thể điều động trực tiếp tại các địa phương lân cận, bảo đảm bổ sung kịp thời để đáp ứng nhu cầu của nhân dân thành phố.

Tại các chợ truyền thống trên địa bàn, lượng hàng hóa thiết yếu hiện có khoảng 10 tỷ đồng; thời gian lưu chuyển hàng hóa tại chợ theo chu kỳ từ 1 đến 2 ngày/lần. Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) thông tin thêm, riêng đối với mặt hàng gạo, ngoài số lượng 235 tấn gạo các loại do các siêu thị cung cấp, các cơ sở, cửa hàng kinh doanh gạo tại các quận, huyện trên địa bàn thành phố có khả năng huy động gạo ứng phó dịch bệnh dự kiến khoảng 1.834 tấn gạo các loại.

Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Hữu Hạnh cho hay, trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, để góp phần vào công tác phòng, chống dịch, sở đã gửi văn bản đề nghị các trung tâm thương mại, siêu thị, doanh nghiệp, cơ sở cung ứng hàng hóa… tăng cường dự trữ và cung ứng nhằm bảo đảm nguồn hàng phục vụ người dân trên địa bàn thành phố thường xuyên, liên tục; không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến hay khan hiếm; trong đó lưu ý giải pháp điều động nguồn cung từ các tỉnh, thành phố khác.

Ngoài ra, Sở Công thương cũng đề nghị Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng, Ban Quản lý các chợ trên địa bàn quận, huyện, thành phố tập trung triển khai tuyên truyền, vận động tiểu thương tại chợ tăng cường dự trữ các mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm; đồng thời theo dõi, giám sát hàng hóa tại chợ, phối hợp với các ngành chức năng xử lý nghiêm các trường hợp tiểu thương có hành vi găm hàng chờ tăng giá hoặc lợi dụng tình hình dịch bệnh để nâng giá bán cao hơn giá hằng ngày.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.