Kỳ vọng sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh

.

Hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp” do Thành ủy và UBND thành phố tổ chức diễn ra hôm nay 24-9, nhằm kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc và tiếp nhận các ý kiến góp ý, hiến kế của doanh nghiệp nhằm phục hồi kinh tế sau dịch bệnh. Báo Đà Nẵng ghi nhận ý kiến của một số doanh nghiệp, đại diện các hội, hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp” nhằm nắm bắt khó khăn, vướng mắc và tiếp nhận ý kiến góp ý, hiến kế của doanh nghiệp.  Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Universal Alloy Corporation Việt Nam (Khu Công nghệ cao, huyện Hòa Vang). Ảnh: M.QUẾ
Hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp” nhằm nắm bắt khó khăn, vướng mắc và tiếp nhận ý kiến góp ý, hiến kế của doanh nghiệp. TRONG ẢNH: Sản xuất tại Công ty TNHH Universal Alloy Corporation Việt Nam (Khu Công nghệ cao, huyện Hòa Vang). Ảnh: M.QUẾ

Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Đà Nẵng: Có thể xây dựng đề án hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó, vượt qua khó khăn do Covid-19

Do dịch bệnh kéo dài nên cộng đồng doanh nghiệp hiện gặp rất nhiều khó khăn, không thể phục hồi sản xuất trong một sớm, một chiều. Thiết nghĩ, thành phố có thể xây dựng một đề án như hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó, vượt qua khó khăn do Covid-19 trong giai đoạn 2021-2025. Đề án này nhằm tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Song song đó, thành phố vừa ban hành, thực thi các chính sách hỗ trợ mới, chính sách đã ban hành hiệu quả hơn nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực phát triển, tiết giảm chi phí đầu vào, gia tăng cơ hội cho đầu ra sản phẩm, tiếp cận thị trường.

Mặt khác, thành phố cũng cần đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, sản xuất công nghiệp nhằm gia tăng cả tỷ trọng ngành sản xuất, công nghiệp trong GRDP của thành phố; đồng thời có chính sách nâng cấp lĩnh vực dịch vụ, du lịch để cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế của thành phố thích ứng tốt hơn, chống chịu tốt hơn với những cú sốc, trong đó có dịch bệnh trong hiện tại và tương lai.

Ông Ikeda Naoatsu, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản - Chi hội Đà Nẵng: Cần có phương án để lưu thông hàng hóa thông suốt

Nhằm giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, hiệp hội cho rằng các quy định về di chuyển, lưu thông hàng hóa cần được áp dụng thống nhất trong cả nước. Tránh tình trạng mỗi địa phương thực hiện các quy định về lưu thông hàng hóa khác nhau, thiếu nhất quán, gây ách tắc khi vận chuyển hàng hóa qua các địa phương. Quy trình cấp giấy thông hành cần rõ ràng, đơn giản, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp hoạt động.

Mặc dù Bộ Giao thông vận tải và Chính phủ đã triển khai các giải pháp liên quan đến việc này, tuy nhiên hiện nay vẫn còn vướng mắc. Ngoài ra, hiệp hội mong muốn sớm đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin, ưu tiên cho bảo vệ chuỗi cung ứng, người lao động trong các ngành then chốt, lực lượng lao động chủ chốt của doanh nghiệp.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng: Tìm giải pháp phục hồi du lịch theo tiến độ

Dịch bệnh đã khiến các doanh nghiệp ngành du lịch gặp rất nhiều khó khăn trong gần 2 năm qua, do đó hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp” lần này là cơ hội để các doanh nghiệp được nói lên tiếng nói của mình. Hiện nay, hơn 90% trong số gần 400 doanh nghiệp trực thuộc Hiệp hội Du lịch thành phố đang phải tạm thời đóng cửa; gần 4.000 hướng dẫn viên đang thất nghiệp, các doanh nghiệp chỉ duy trì được khoảng 20% trên tổng số lao động tại thời điểm quý 1-2021. Nếu tình trạng này kéo dài thêm và doanh nghiệp không tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ phía Chính phủ và lãnh đạo địa phương, cũng như nhanh chóng triển khai các giải pháp phục hồi thì nguy cơ doanh nghiệp du lịch phải đóng cửa, giải thể, phá sản đã hiển hiện trước mắt.

Cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn thành phố đã sẵn sàng và mong mỏi được nhanh chóng phục hồi hoạt động. Chúng tôi đang bàn bạc với Sở Du lịch thành phố trong việc lên kế hoạch trở lại lần này, dựa trên tiến độ phục hồi các nguồn khách tại chỗ, nguồn khách trong nước và sau đó là nguồn khách nước ngoài theo chỉ đạo của Chính phủ và tình hình kiểm soát dịch bệnh của địa phương. Chúng tôi đã có lộ trình để khi thị trường phục hồi thì hệ thống dịch vụ luôn trong trạng thái sẵn sàng ở mức độ cao, đáp ứng các nhu cầu của du khách cũng như tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp” nhằm nắm bắt khó khăn, vướng mắc và tiếp nhận ý kiến góp ý, hiến kế của doanh nghiệp.  Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH ICT Vina (Khu Công nghệ cao, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang). Ảnh: M.QUẾ
Hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp” nhằm nắm bắt khó khăn, vướng mắc và tiếp nhận ý kiến góp ý, hiến kế của doanh nghiệp. TRONG ẢNH: Sản xuất tại Công ty TNHH ICT Vina (Khu Công nghệ cao, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang). Ảnh: M.QUẾ

Ông Ciprian Bota, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Universal Alloy Corporation Việt Nam, Khu Công nghệ cao (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang): Mong muốn 100% lực lượng lao động của doanh nghiệp đi làm trở lại

Chúng tôi mong muốn thành phố sớm có quyết định cho 100% lực lượng lao động của doanh nghiệp sản xuất trong Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp có thể đi làm trở lại. Đồng thời hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động người nước ngoài là nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp, giám đốc điều hành nhập cảnh vào thành phố để làm việc. Ngoài ra, trong thời gian tới, doanh nghiệp mong muốn thành phố nghiên cứu xây dựng thêm các chung cư cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội gần khu vực Khu Công nghệ cao để người lao động có thể đi làm thuận tiện hơn. Thành phố cần đẩy mạnh phát triển mảng công nghiệp phụ trợ để không phụ thuộc vào bên ngoài.

Ông Nguyễn Tuấn Phương, Chủ tịch Công ty TNHH Phần mềm FPT - chi nhánh Đà Nẵng: Thành phố thông minh cần doanh nghiệp và nhân lực thông minh

Hiện Đà Nẵng đang chủ trương xây dựng thành phố thông minh và tập trung chuyển đổi số. Để làm được như vậy, thành phố cần những doanh nghiệp và nhân lực thông minh. Thực tế, nhân lực cho ngành công nghiệp phần mềm đang rất thiếu, vì vậy, thành phố nên có những chính sách hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục, hỗ trợ các sinh viên chuyển đổi ngành nghề nếu có nguyện vọng. Ví dụ như sinh viên ngành du lịch, dịch vụ nếu muốn chuyển sang công nghệ thông tin sẽ được hỗ trợ đào tạo ban đầu…

Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, mặc dù có rất nhiều tác động tiêu cực nhưng cũng tạo động lực trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa các dữ liệu. Đây là một trong những vấn đề mà thành phố đã quan tâm, đầu tư trong những năm qua và nên tiếp tục đẩy mạnh theo hướng thiết kế, xây dựng một nền tảng chung cơ sở dữ liệu, liên quan đến công tác quản lý, thủ tục hành chính, đất đai, y tế, giáo dục, kinh tế…

Ông Carl Volschenk, Tổng quản lý khách sạn Sheraton Grand Danang Resort (quản lý bởi tập đoàn Marriott International), thuộc tập đoàn BRG: Sẵn sàng đồng hành để các hoạt động sớm trở lại bình thường

Hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp” là cơ hội để doanh nghiệp được bày tỏ các nguyện vọng mong muốn của mình. Chúng tôi rất tin tưởng và kỳ vọng vào sự lãnh đạo của chính quyền địa phương và luôn sẵn sàng đồng hành cùng thành phố để nhanh chóng đưa mọi hoạt động trở lại bình thường sớm nhất có thể. Trong đó, chúng tôi chú trọng ủng hộ, hỗ trợ các chính sách mở cửa trở lại với các tiêu chuẩn quản lý, vận hành phù hợp với chính sách cơ quan, ban ngành đưa ra; tham gia hỗ trợ hết mình với chiến dịch vắc-xin.

Ngoài ra, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các hoạt động marketing, quảng bá điểm đến thành phố và chương trình du lịch Marriott Bonvoy. Đây là một chương trình lớn nhất trên thế giới hiện tại, với gần 150 triệu thành viên chắc chắn sẽ là là yếu tố thúc đẩy mạnh mẽ cho hoạt động du lịch quốc tế quay trở lại. Đặc biệt chúng tôi có chương trình cam kết tiêu chuẩn vệ sinh “Commitment to Clean”, đây được xem là kim chỉ nam vận hành để bảo đảm an toàn cho các du khách trải nghiệm tại khách sạn cũng như điểm đến khi các hoạt động được trở lại bình thường.

MAI QUẾ - THU HÀ

Hôm nay, Đà Nẵng tổ chức hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp”

Trung tâm Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư cho biết đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho hội nghị “Đối thoại doanh nghiệp” diễn ra vào ngày 24-9 do Thành ủy và UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức.

Chủ trì hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh. Đồng thời, có sự tham gia của gần 150 khách mời trực tiếp mỗi phiên và 500-1.000 đại biểu tham dự qua hệ thống hội nghị trực tuyến. Cụ thể, từ 8 giờ đến 11 giờ: đối thoại với hội, hiệp hội, doanh nghiệp trong nước; từ 14 giờ đến 17 giờ: đối thoại với hội, hiệp hội, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Hội nghị với mục đích lắng nghe những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp do ảnh hưởng của Covid-19; tiếp nhận các ý kiến kiến nghị, đề xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội thành phố trong thời gian đến.

Trong dịp này, UBND thành phố sẽ khen thưởng các doanh nghiệp tiêu biểu trong việc vượt qua khó khăn, sản xuất kinh doanh tốt trong bối cảnh Covid-19 và có đóng góp lớn trong công tác phòng, chống dịch bệnh của thành phố. (TRIỆU TÙNG)

 

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích