Nhiều chợ trên địa bàn quận Sơn Trà chuẩn bị hoạt động trở lại

.

Hiện nay, quận Sơn Trà là quận xanh thứ hai trên địa bàn thành phố. Sau khi nghiên cứu bản đồ dịch tễ của địa bàn quận và các yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của hệ thống các chợ hạng 2, Ban Quản lý (BQL) chợ quận Sơn Trà đã phối hợp với UBND các phường (nơi có chợ) thống nhất các nội dung cụ thể và lập phương án khôi phục hoạt động 4 chợ: Nại Hiên Đông (dự kiến ngày 23-9), Hà Thân (22-9), chợ Mai (24-9) và Mân Thái (25-9). Trước đó, chợ An Hải Bắc và chợ Phước Mỹ trên địa bàn quận này đã đi vào hoạt động.

Theo nội dung phương án mà BQL đã xây dựng, toàn bộ hàng hóa khi về chợ được tập kết phía trước các chợ, BQL chợ bố trí trang thiết bị, nhân lực để khử khuẩn phương tiện, hàng hóa tại khu vực giao nhận hàng; giám sát, yêu cầu các tiểu thương và các đơn vị cung ứng bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch trong suốt quá trình giao, nhận hàng; đóng tất cả cổng chợ phụ, chừa một lối ra và một lối vào riêng biệt; tạo lối đi một chiều trong cả quá trình vào, ra khỏi chợ.

Trong thời gian mới khôi phục hoạt động, 30% tiểu thương ngành hàng thiết yếu (thuốc tây, gạo, gia vị, rau, củ, cá, thịt…) được kinh doanh; các chợ được mở cửa buổi sáng từ 6-11 giờ hằng ngày; thời gian hoạt động chợ cả ngày chỉ được thực hiện sau khi nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch theo quyết định của UBND quận Sơn Trà.

Ông Phạm Tấn Thành, Trưởng BQL chợ quận Sơn Trà cho biết: “Tất cả các điểm kinh doanh được bố trí, phải có khoảng cách tối thiểu 5 mét về vị trí bán hàng của tiểu thương. Riêng chợ Mai có 24 hộ kinh doanh hàng thịt, chia 3 nhóm bán hàng, có phân lịch cụ thể với tần suất bán hàng 3 ngày/lượt bán, (tức là bán 1 ngày thì nghỉ 2 ngày), mỗi ngày có 8 người bán. Hoặc trường hợp nếu tiểu thương thống nhất có thể bố trí lịch bán với tần suất 6 ngày/2 lượt bán (tức bán 2 ngày thì nghỉ 4 ngày), nhằm mục đích để tiểu thương có thể cân đối lượng hàng bán, tránh tình trạng dư thừa, hư hỏng hàng hóa”.

Tính đến thời điểm này, tình hình Covid-19 trên địa bàn thành phố cơ bản được kiểm soát. Để giảm áp lực cho hệ thống siêu thị, tổ đi chợ hộ và tạo điều kiện cho người dân được đến chợ để mua hàng hóa thiết yếu, các địa phương (thuộc vùng xanh) đã lên phương án phục hồi hoạt động của chợ truyền thống. Đây là kênh mua bán hết sức quan trọng, góp phần lưu thông, cung ứng hàng hóa thông suốt, đáp ứng nhu cầu của người dân khi chuyển sang trạng thái bình thường mới.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.