Sẵn sàng hoạt động trở lại trong điều kiện phòng dịch nghiêm ngặt

.

Theo quy định của thành phố, từ 0 giờ ngày 30-9, chợ truyền thống, các khách sạn, cơ sở lưu trú, hoạt động vận chuyển, tắm biển… được phép mở trở lại với các điều kiện đi kèm để phòng, chống Covid-19. Hiện các đơn vị đã chuẩn bị sẵn sàng hoạt động trở lại sau thời gian dài tạm ngưng để đồng hành cùng thành phố phòng, chống dịch, tuy nhiên vẫn còn những khó khăn nhất định.

Nhiều cơ sở lưu trú chọn mở cửa trở lại trong điều kiện phòng dịch nghiêm ngặt. TRONG ẢNH: Các khách sạn nằm trên tuyến đường Võ Văn Kiệt (quận Sơn Trà). Ảnh: THU HÀ
Nhiều cơ sở lưu trú chọn mở cửa trở lại trong điều kiện phòng dịch nghiêm ngặt. TRONG ẢNH: Các khách sạn nằm trên tuyến đường Võ Văn Kiệt (quận Sơn Trà). Ảnh: THU HÀ

Mở cửa khi có khách

Sau mấy tháng đóng cửa, khách sạn Mường Thanh Luxury Đà Nẵng (quận Sơn Trà) vẫn duy trì đội ngũ bảo trì, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng để tránh tình trạng đồ đạc bị ẩm mốc, xuống cấp, hư hỏng khi không được sử dụng. Ông Nguyễn Văn Duẩn, Giám đốc khách sạn cho biết, sau khi nắm bắt các thông tin của thành phố cho phép các cơ sở lưu trú mở cửa trở lại với các biện pháp đi kèm, khách sạn đã sẵn sàng để đón khách vì lâu nay khách sạn vẫn duy trì trả 40-50% lương cho nhân viên.

“Điều khó khăn nhất hiện nay là Đà Nẵng có cả ngàn khách sạn ở các phân cấp khác nhau, nếu mở cửa khách sạn để phục vụ người dân địa phương thì lượng khách này không nhiều. Chưa kể, nếu mở cửa thì phải đón được khách nội địa nhưng hiện nay dịch vụ vận chuyển vẫn còn hạn chế. Nếu mở lại hoạt động vận chuyển cũng cần có chính sách chung từ Chính phủ quy định cụ thể việc đón khách như thế nào, phòng, chống dịch ra sao để bảo đảm an toàn cho du khách thì họ mới có thể đi du lịch”, ông Duẩn phân tích.

Ông Trần Xuân Hiền, Phó Chủ tịch HĐQT Vicoland Group bày tỏ, dù thành phố đã cho phép các hoạt động lưu trú mở cửa trở lại nhưng hiện khách sạn Risemount Premier Resort Đà Nẵng (quận Ngũ Hành Sơn) của đơn vị đang xây dựng kế hoạch, lộ trình từng bước. Dự kiến đến cuối tháng 10-2021, khách sạn mới đón khách vì cần có sự chuẩn bị về nhân sự, kế hoạch bán hàng, tìm kiếm khách hàng... Tương tự, theo ghi nhận tại một số cơ sở lưu trú từ 3 sao trở xuống cho thấy, nhiều cơ sở vẫn chưa hoạt động trở lại trong thời điểm này. Chủ các cơ sở lý giải, nếu mở cửa khách sạn sẽ kéo theo nhiều chi phí về điện, nước, lao động… trong khi lượng khách tại thời điểm này dự báo rất ít nên khó có nguồn thu đủ bù cho các khoản chi.

Bảo đảm an toàn phòng, chống dịch

Để chuẩn bị cho việc người dân đi tắm biển vào sáng sớm 30-9, ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng (gọi tắt là ban quản lý) cho biết đã cho phân luồng, kẻ vạch vào/ra tại các bãi giữ xe; phân công lực lượng trực, đi kiểm tra tại các bãi tắm vào giờ người dân được tắm biển. Ban quản lý cũng tăng cường việc tuyên truyền công tác phòng, chống dịch trên hệ thống loa phát thanh tại bãi biển.

Tuy nhiên, theo ông Vũ, người dân sẽ ra biển rất đông để đi dạo, tập thể dục, tắm biển nên với lực lượng hiện có là khó khăn trong việc yêu cầu bảo đảm khoảng cách, không tụ tập cũng như khai báo y tế. Vì nếu tất cả người dân gửi xe tại các khu giữ xe ven biển thì có thể giám sát, trong khi thực tế người dân có thể tự do tiếp cận với biển tại bất cứ vị trí nào dọc hai tuyến biển thuộc 4 quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Thanh Khê, Liên Chiểu. Do đó, điều quan trọng nhất vẫn là cần nâng cao ý thức của người dân tại các nơi công cộng như bảo đảm quy tắc 5K, không tụ tập đông người; ban quản lý cũng trang bị thêm các loa cầm tay để lực lượng trật tự nhắc nhở người dân khi cần thiết…

Đối với hoạt động vận chuyển hành khách bằng phương tiện công cộng trong nội đô thành phố, ông Hồ Nguyễn Quốc Cường, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng thành phố Đà Nẵng (DATRAMAC) cho biết, đơn vị đã xây dựng phương án mở cửa trở lại hoạt động vận tải hành khách công cộng, trong đó có hoạt động của các tuyến buýt nội đô. Tuy nhiên, do học sinh chưa đi học trở lại và dự báo lượng khách đi lại chưa nhiều nên đơn vị đang tính toán cụ thể thời điểm và lộ trình triển khai.

Trong khi đó, hoạt động của các phương tiện thủy nội địa trên các tuyến sông, vịnh Đà Nẵng thì gần như chưa có động thái gì mới. Bởi theo giải thích của các chủ thuyền là hoạt động này phần lớn phụ thuộc vào lượng khách du lịch. Tuy nhiên, lâu nay, hoạt động du lịch bị đình trệ, không có khách nên đa phần thuyền đã dừng hẳn. Giờ hoạt động trở lại nhưng phải mất một khoảng thời gian mới có khách đi du lịch...

Từng bước khôi phục hoạt động chợ truyền thống

Theo quy định của thành phố, kể từ ngày 30-9, hoạt động chợ truyền thống được bố trí luân phiên tối đa 50% số lượng gian hàng/quầy hàng. Tiểu thương và những người làm việc trực tiếp liên quan đến hoạt động của chợ đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin phòng Covid-19 sau 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng. Trưởng ban quản lý chợ quận Sơn Trà Phạm Tấn Thành cho biết, các chợ trên địa bàn quận Sơn Trà đã được hoạt động thử nghiệm bán cả ngày từ ngày 29-9 nhưng vẫn với quy mô 30% tiểu thương ngành hàng thiết yếu.

“Với công văn mới nhất của thành phố, 50% tiểu thương sẽ được hoạt động, dự kiến việc mua bán tại chợ sẽ sôi động, hàng hóa dồi dào hơn. Do đó, các tổ quản lý chợ đã khẩn trương liên hệ với tiểu thương cũng như thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như: tăng cường các tấm chắn giọt bắn, bổ sung lượng nước sát khuẩn, mở thêm cổng ra - vào… Bà con tiểu thương khi nghe tin được đi bán trở lại đều rất phấn khởi”, ông Thành nói.

Qua tìm hiểu, trên địa bàn thành phố có 3 quận là Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và Cẩm Lệ mở lại 100% chợ truyền thống và đáp ứng tốt việc cung ứng hàng hóa phục vụ người dân. Trong khi đó, quận Liên Chiểu hiện chỉ có 4 chợ mở cửa là Hòa Khánh, Hòa Mỹ, Nam Ô và Vật tư. Tuy nhiên, cả 4 chợ này chỉ được xem là điểm bán hàng thiết yếu, chứ không mang tính chất của một chợ; số lượng tiểu thương của mỗi chợ chỉ từ 10-30 người bán các mặt hàng thiết yếu; số lượng và chủng loại hàng hóa cũng hạn chế.

Tương tự, quận Hải Châu đã mở lại chợ Nguyễn Tri Phương và chợ Mới (chợ hạng 2 do UBND quận quản lý từ ngày 25-9) nhưng số lượng tiểu thương đi bán rất ít. Một số chợ trên địa bàn quận Hải Châu thuộc thẩm quyền quản lý của phường thì vẫn chưa hoạt động lại. Trong khi đó, với 4 chợ lớn do Sở Công Thương quản lý, ngoài chợ Cồn và chợ Hàn đã mở cửa và hoạt động ổn định thì chợ đầu mối Hòa Cường, chợ Đống Đa hoạt động trở lại trong hôm nay (30-9).

Cảng cá, chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang cũng hoạt động trở lại từ 6 giờ sáng 30-9. Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Trừ cho hay, sau khi Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 ban hành hướng dẫn áp dụng các biện pháp thích ứng với từng cấp độ nguy cơ dịch và thống nhất thực hiện trên cả nước và UBND thành phố cho phép, Sở Công Thương đã có văn bản số 2430/SCT-QLTM ngày 29-9-2021 về việc triển khai mở lại hoạt động chợ Đầu mối Hòa Cường từ ngày 30-9.

Theo phương án do Sở Công Thương xây dựng, việc mở lại chợ đầu mối Hòa Cường sẽ chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu chỉ mở lại hoạt động đối với khu vực bán sỉ (từ 2-7 giờ, kết thúc vào lúc 9 giờ hằng ngày); chưa mở lại hoạt động bán lẻ. Giai đoạn 2, sau 7 ngày khôi phục lại hoạt động khu bán sỉ và và đánh giá lại toàn bộ hoạt động, công tác phòng, chống dịch bảo đảm, Sở Công Thương sẽ tăng thêm số lượng người tham gia hoạt động tại chợ sỉ và cho phép khôi phục lại hoạt động bán lẻ. Giai đoạn 3, tùy theo điều kiện cụ thể, việc triển khai các giai đoạn tiếp theo được thực hiện sau khi Sở Công Thương phối hợp địa phương, các ngành liên quan đánh giá lại toàn bộ hoạt động tại chợ và chủ động mở rộng quy mô hoạt động nhưng công tác kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch phải được tăng cường, ưu tiên hàng đầu.

Ngày 29-9, Sở Giao thông vận tải có công văn triển khai chỉ đạo của UBND thành phố áp dụng tạm thời một số biện pháp phòng, chống Covid-19. Theo đó, từ 0 giờ ngày 30-9-2021, các hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách trong địa bàn thành phố Đà Nẵng bằng xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe điện bốn bánh, phương tiện vận chuyển khách du lịch đường thủy nội địa (trừ tàu nhà hàng nổi) được hoạt động trở lại. Lưu ý, không hoạt động vận tải trong vùng thực hiện cách ly y tế hoặc được thiết lập khi có ca mắc mới Covid-19 trong cộng đồng; tiếp tục dừng hoạt động vận chuyển hành khách bằng ô-tô theo tuyến cố định liên tỉnh đi và đến thành phố Đà Nẵng (kể cả xe buýt liên tỉnh liền kề). Sở yêu cầu các đơn vị có dịch vụ được phép hoạt động phải kèm theo các điều kiện, biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo quy định.

THU HÀ - THÀNH LÂN - QUỲNHTRANG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích