Thị trường bán lẻ và niềm tin hồi phục

.

Dịch bệnh bùng phát và kéo dài từ đầu tháng 5 đến nay khiến đời sống của người dân khó khăn, hoạt động kinh doanh của các nhà bán lẻ cũng sụt giảm doanh số 20-30%. Dù vậy, Đà Nẵng cũng như nhiều tỉnh, thành phố khác đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, “phủ sóng” vắc-xin, tạo niềm tin thị trường bán lẻ, tiêu dùng sẽ hồi phục vào những tháng cuối năm.

Người dân có nhiều lựa chọn trong mua sắm khi hàng hóa tại các siêu thị, chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi dồi dào, chất lượng. (Ảnh chụp tại Siêu thị MM Mega Market) Ảnh: QUỲNH TRANG
Người dân có nhiều lựa chọn trong mua sắm khi hàng hóa tại các siêu thị, chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi dồi dào, chất lượng. (Ảnh chụp tại Siêu thị MM Mega Market). Ảnh: QUỲNH TRANG

Doanh số bán lẻ bị ảnh hưởng

Thời gian qua, hệ thống chợ truyền thống tạm dừng hoạt động, lượng khách hàng dồn về siêu thị khá đông khiến nhiều thời điểm, các hệ thống siêu thị quá tải; mặc dù vậy, siêu thị lại đang gồng mình chịu lãi âm.

Ông Phan Thống, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Đà Nẵng phân tích: “Thời điểm Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân chủ yếu mua thực phẩm tươi sống, chiếm tỷ lệ hơn 75%, trong khi đây là ngành hàng có tỷ lệ lợi nhuận thấp nhất trong tất cả ngành hàng. Hơn thế nữa, với ngành hàng này, siêu thị đang bù lỗ cho chi phí tìm gom nguồn hàng, vận tải, kiểm dịch, bảo quản, sơ chế hao hụt... Bên cạnh đó, nhóm mặt hàng bình ổn giá cũng được siêu thị bù lỗ để giữ giá và hàng loạt chi phí đặc thù mùa dịch phát sinh cũng đang gây áp lực lớn cho siêu thị như: chi phí xét nghiệm nhanh và chuyên sâu liên tục cho nhân viên, tài xế, chế độ chính sách cho người lao động mùa dịch...”.

Bà Lê Thị Hiền, Giám đốc siêu thị Co.opmart Sơn Trà cho biết, siêu thị nằm ở quận Sơn Trà, thuộc địa bàn phường bị cách ly y tế kéo dài hơn 1 tháng nên tình hình kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề. Có những thời điểm, siêu thị chỉ bán hàng cho công tác mua chung qua tổ dân phố, bán hàng trực tuyến… nên lượng khách giảm đáng kể. Ngoài ra, việc giao hàng của shipper cũng gặp rất nhiều khó khăn vì phải qua nhiều chốt chặn nên thời gian giao đơn hàng kéo dài so với điều kiện bình thường. Doanh thu 4 tháng trong năm 2021 của siêu thị giảm 20% so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự, Giám đốc siêu thị MM Mega Market Nguyễn Tiến Dương bày tỏ, Covid-19 kéo dài hơn 4 tháng qua đã tác động không nhỏ đến doanh số của đơn vị. Các khách sạn, nhà hàng không thể mở cửa đón du khách, kể cả khách nội địa là một tổn thất rất lớn cho thành phố, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của siêu thị. Mặt khác, chi phí vận chuyển tăng cao, chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng cũng tác động mạnh lên giá thành sản phẩm. Ngoài ra, còn có chi phí phát sinh khác như chi phí xét nghiệm, trang thiết bị để bảo đảm an toàn cho nhân viên và khách hàng…

Khách hàng mua sắm tại siêu thị Co.opmart Đà Nẵng. Ảnh: QUỲNH TRANG
Khách hàng mua sắm tại siêu thị Co.opmart Đà Nẵng. Ảnh: QUỲNH TRANG

Triển vọng những tháng cuối năm

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp và kéo dài, đa số người dân chọn phương án “thắt lưng buộc bụng” vì thu nhập sụt giảm đáng kể. Nhằm thích ứng nhanh với tình hình hiện nay, hệ thống siêu thị Co.opmart đã đẩy mạnh bán hàng online qua các kênh như Facebook, Zalo, Cooponline.vn, App SGC để đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng. Đơn vị cũng đã chủ động dự trữ nguồn hàng thiết yếu để phục vụ nhu cầu của người dân.

“Chúng tôi cũng tăng cường các chương trình khuyến mãi, bình ổn giá đối với một số nhóm hàng thiết yếu nhằm chia sẻ khó khăn với người dân trong tình hình hiện nay”, bà Hiền cho biết.

Dạo quanh một số hệ thống siêu thị, nhận thấy hàng loạt các chương trình khuyến mãi, giảm giá trên nhiều sản phẩm được áp dụng ngay từ tháng đầu tiên của quý 4-2021. Cùng với việc giảm giá đồng loạt cho các sản phẩm, các siêu thị còn đa dạng các chương trình kích cầu tiêu dùng như: giảm giá sản phẩm, tặng quà kèm theo sản phẩm, nhân điểm tích lũy cho các thành viên, bán hàng đồng giá, tăng thời hạn bảo hành sản phẩm với các chính sách hậu mãi tốt...

Qua tìm hiểu, năm nay, để phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người dân sau ảnh hưởng từ dịch bệnh, nhiều siêu thị đã có sự điều chỉnh trong cơ cấu nguồn hàng theo hướng hạn chế các mặt hàng cao cấp có giá thành cao như: rượu, bánh nhập khẩu; đồng thời, tăng tỷ lệ các sản phẩm được sản xuất trong nước với mẫu mã đa dạng, giá cả phù hợp để người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn. Đối với hệ thống cửa hàng bán lẻ, nhiều giải pháp để kích cầu tiêu dùng cũng đã và đang được các chủ cửa hàng áp dụng.

Theo ông Nguyễn Tiến Dương, đơn vị đang rất thận trọng đánh giá thị trường trong những tháng cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán 2022. “Hiện tại, chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền và chờ các chỉ thị mới từ phía thành phố để có những kế hoạch kinh doanh thích hợp. Với việc chủ động nguồn cung, chúng tôi cam kết sẽ đưa sản phẩm đến người tiêu dùng với giá tốt nhất. Ngoài ra, siêu thị sẽ có những chương trình khuyến mãi giảm giá cũng như tiếp tục chương trình hỗ trợ nông sản cho các tỉnh, thành phố khác”, ông Dương cho biết thêm.

Trong khi đó, với phương châm lấy khách hàng làm trọng tâm cùng mục tiêu phục vụ khách hàng tốt hơn, hệ thống siêu thị Big C tiến hành tái định vị thương hiệu thành siêu thị GO! “Đà Nẵng cơ bản kiểm soát được dịch bệnh đã mở ra nhiều hy vọng về doanh số những tháng cuối năm cho các đơn vị bán lẻ. Sắp tới chúng tôi triển khai thêm nhiều chương trình khuyến mãi kích cầu nhằm đón đầu xu hướng tiêu dùng dần tăng mạnh vào dịp cuối năm”, bà Võ Thị Thu Thủy, Giám đốc siêu thị Big C Đà Nẵng thông tin.

Chợ, siêu thị hàng hóa dồi dào, giá cả bình ổn khi được bán hàng trực tiếp

Ghi nhận tại các chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện lợi những ngày này, người dân đến mua sắm đông hơn, hàng hóa rất dồi dào, đặc biệt là các mặt hàng tươi sống như: rau, củ, quả, thịt, cá, thủy hải sản giá ổn định, bảo đảm phục vụ cho nhu cầu người dân. Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các quận, huyện đã khôi phục hoạt động của chợ truyền thống với quy mô 30% tiểu thương kinh doanh ngành hàng thiết yếu.

Tất cả các chợ, siêu thị thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch như phân luồng lối đi cho khách hàng, kẻ vạch giãn cách ở các khu vực thu ngân, bàn cân (đối với siêu thị) và có tấm chắn giọt bắn giữa tiểu thương và khách hàng (đối với chợ). Khách hàng đến mua sắm phải có thẻ QRCode. Ngoài ra, nhân viên siêu thị/tổ quản lý chợ cũng thường xuyên đọc loa nhắc nhở, khuyến cáo người dân thực hiện đúng việc đeo khẩu trang và giữ khoảng cách khi mua sắm. Dự kiến sau khoảng thời gian hoạt động ổn định, các địa phương chủ động nâng dần số lượng tiểu thương kinh doanh tại chợ.

QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.